Họ Dương là một trong số những dòng họ cổ xưa nhất của người Việt. Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc thì thời kỳ nào họ Dương cũng có những người tài giúp nước.

Buổi đầu dựng nước

Theo gia phả họ Dương thì vào năm 2879 TCN, Kinh Dương lập ra nhà nước đầu tiên là Xích Quỷ với nhiều bộ lạc, có Lạc tướng họ Dương giúp Vua dựng nước thuở sơ khai.

Lạc Long Quân kế tục, tiếp đến Hùng Vương thứ nhất từ năm 1524 TCN, thống nhất 15 bộ lạc. Thái sư Quốc công Dương Minh Tiết giúp Vua đổi tên nước là Văn Lang, chia đất nước thành 15 bộ để dễ bề cai quản. Sau này họ Dương dù phát triển đến nơi đâu cũng đều xem cụ tổ là Dương Minh Tiết.

Đến đời Hùng Vương thứ 6, hậu duệ của Thái sư Quốc công Dương Minh Tiết là Lạc tướng Dương Minh Thắng đem quân đến đất Vũ Ninh đánh giặc Ân. Sau khi đánh tan giặc, Dương Minh Thắng ở lại Vũ Ninh, đưa con cháu và dân chúng đến đây, ổn định làng ấp, củng cố lực lượng bảo vệ đất nước.

Ở Vũ Ninh, Dương Minh Thắng lập ấp Long Vỹ, dân chúng nơi đây ngày càng đông đúc, trù phú, đặc biệt là họ Dương. Vùng đất này ngày nay ở Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì thế mà vùng Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay) được xem là nơi phát tích của họ Dương.

Trong chiều dài lịch sử, họ Dương cũng xuất sinh nhiều nhân vật đáng chú ý.

Dương Thi Sách

Vào thời kỳ bắc thuộc, nhiều lần người Việt đã nổi lên chống lại phương bắc nhằm giành độc lập cho dân tộc, có 10 cuộc khởi nghĩa lớn, trong đó họ Dương lãnh đạo 3 cuộc khởi nghĩa và đem lại độc lập tự chủ cho dân tộc.

Năm 34 SCN, Nhà Hán cử Tô Định đến làm Thái thú Giao Chỉ, Tô Định là kẻ tham lam, nâng thuế để vơ vét của dân, lại bắt dân chúng vào rừng xuống biển mò ngọc trai, vật quý khiến dân chúng khắp nơi oán thán.

Họ Dương lúc này vẫn nối đời làm Lạc tướng, có Dương Thi Sách là người Chu Diên, con của Lạc tướng Dương Thái Bình, liên kết với Lạc tướng các Châu khác chống nhà Hán.

Dương Thi Sách kết duyên với con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc, cầm quân chống Tô Định nhưng bị Tô Định bắt được và giết chết, điều này gây bất bình lớn trong dân chúng và các Lạc tướng. Vợ ông là Trưng Trắc nối tiếp sự nghiệp của chồng, cùng em gái là Trưng Nhị, em chồng là Dương Thi Bằng tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh bại được Tô Định, lấy lại 65 thành trì đem lại độc lập cho dân tộc, lấy tên nước là Lĩnh Nam.

Dương Thanh

Đến thời thuộc Đường, Lý Tượng Cổ giữ chức An Nam đô hộ phủ, nhưng là kẻ tham lam, Lý Tượng Cổ ban hành một loạt các chính sách nhằm vơ vét tài nguyên của cải. Ở đồng bằng thì ông ta bắt dân chúng phải khái thác khoáng sản, lâm sản, cống nạp chim thú quý. Ở miền biển thì ông ta bắt dân phải nộp san hô, ngọc trai, hải sản quý hiếm. Muôn dân trăm họ lầm than.

Hào trưởng các nơi vì bảo vệ dân chúng địa phương mình mà nổi lên chống lại. Hào trưởng Hoan châu (Nghệ An ngày nay) là Dương Thanh được lòng dân chúng nhất, ông rất chăm lo cho dân chúng.

Dương Thanh tập hợp dân chúng tấn công vào thành Tống Bình (thành Thăng Long sau này), Lý Tượng Cổ cùng toàn quân Đường bị tiêu diệt, An Nam giành được độc lập.

Sau đó Dương thanh quản lý đất nước, xây dựng quân đội đánh bại một số cuộc tấn công của quân nhà Đường.

Không thắng được Dương Thanh, quân Đường dùng tiền và chức tước mua chuộc các tướng lĩnh khác, lại tung tin khiến họ chia rẽ nghi kỵ lẫn nhau.

Tháng 6/820, quân Đường tấn công, quân của Dương Thanh bị mua chuộc và chia rẽ không đồng lòng vì thế mà thua trận, Dương Thanh phải đưa quân rút đi. Các tướng nhà Đường phao tin về Triều đình là giết được Dương Thanh để lĩnh thưởng.

Năm 828, Dương Thanh phối hợp quân các nơi, khi cơ hội đến lập tức tấn công đánh bại quân Đường, chiếm lại thành Tống Bình. Từ đó An Nam giành được độc lập kéo dài đến năm 836.

Dương Đình Nghệ

Đến năm 906, nhà Đường lọan lạc, Khúc Thừa Dụ là hào tộc giàu có lại thương người, tự xưng là Tiết độ sứ. Đây là người bản địa đầu tiên xưng Tiết độ sứ, rồi xin nhà Đường cho giữ chức này. Nhà Đường lúc này ở xa lại sắp sụp đổ nên đồng ý.

Họ Khúc qua hai đời Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo xây dựng đất nước, sẵn sàng đương đầu với phương bắc sau này. Tuy nhiên đến đời Khúc Thừa Mỹ thì khác, ông không còn khoan sức dân như trước mà ban hành thuế khóa và lao dịch nặng nề khiến dân oán thán. Vì vậy mà khi nhà Nam Hán tiến đánh, Khúc Thừa Mỹ không được lòng dân, đơn độc không chống nổi và bị bắt.

Lúc này một tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ rèn quân mã tấn công quân Nam Hán. Năm 931, Dương Đình Nghệ đưa quân chiếm được thành Đại La (tức Thăng Long sau này), nhà Nam Hán tiếp tục cho quân sang nhưng bị đánh bại.

Dương Đình Nghệ đánh bại nhà Nam Hán mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc, chấm dứt thời kỳ bắc thuôc. Tiếc là ông bị kẻ phản bội Kiều Công Tiễn giết chết nên không thể lên ngôi Vua, nhưng con rể của ông là Ngô Quyền đánh bại được Kiều Công Tiễn, lại đánh bại được quân Nam Hán, lên ngôi Vua, phong Dương Như Ngọc làm Hoàng hậu.

Dương Vân Nga

Thời nhà Tiền Lê, vào cuối năm 979 xảy ra vụ án giết Vua Đinh Tiền Hoàng và con trưởng Đinh Liễn. Lúc này Đinh Toàn mới chỉ 6 tuổi, Triều đình rối loạn, nhân cơ hội này nhà Tống chuẩn bị binh lực tiến đánh Đại Cồ Việt.

Trước tình thế đó, Thái hậu Dương Vân Nga đã mặc áo Hoàng bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, cùng binh sĩ tôn ông làm Vua, thống nhất lực lượng chống Tống. Nhờ đó Lê Hoàn tập hợp được sức mạnh đánh tan quân Tống.

Mặc dù vậy, chiểu theo quan niệm truyền thống thì Dương Vân Nga không giữ đạo làm vợ làm mẹ, Lê Hoàn cũng không giữ được đạo quân thần. Chỉ là vì họ chống được ngoại xâm nên hậu thế không oán trách họ mà thôi.

Vua Lý Thần Tông

Đến thời nhà Lý, theo lịch sử thì vua Lý Nhân Tông không có con trai, nên chọn con trai của em mình là Sùng Hiền hầu lên ngôi Vua. Con trai của Sùng Hiền hầu tên là Lý Dương Hoán. Về sự kiện này thì bộ “Dương tộc kỷ sử” của Thừa tướng Quốc công Dương Đình Tiến khởi soạn nói rõ hơn.

Theo ghi chép của Dương Đình Tiến thì ông là Thừa tướng nhà Lý, có người con gái xinh đẹp là Dương Phương Hoài gả cho vua Lý Nhân Tông, tuy nhiên vua Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi.

Lịch sử nói rằng vua Lý Nhân Tông chọn con trai của em mình Sùng Hiền Hầu nối ngôi, nhưng các nguồn sử lại không ghi rõ Sùng Hiền Hầu là ai, chỉ ghi chép rất chung chung là em Vua.

“Dương tộc kỷ sử” nói rõ hơn rằng Sùng Hiền Hầu là em của Hoàng hậu Dương Phương Hoài, tên là Dương Công Khanh. Con trai của Sùng Hiền Hầu Dương Công Khanh tên là Dương Hoán. Khi được vua Nhân Tông cho vào cung chọn nối ngôi thì mang họ Lý tên là Lý Dương Hoán.

Như vậy ghi chép trong “Dương tộc kỷ sử” bổ sung thêm thông tin Sùng Hiền Hầu là em vợ của Vua, chứ không phải là em ruột Vua.

Vua Lý Nhân Tông không có con trai, Lý Dương Hoán lên ngôi Vua giúp nhà Lý tiếp tục Vương triều của mình.

den do
Đền Đô – nơi thờ 8 vị Vua nhà Lý, trong đó có Lý Thần Tông. (Ảnh: Binh Giang, Wikipedia)

Khoa bảng họ Dương

Vào cuối thời nhà Trần, quan trường có nhiều biến loạn, nhiều người họ Dương phải đổi họ để tránh bị truy sát.

Qua các Triều đại, họ Dương có nhiều người đỗ đạt với 50 tiến sĩ, ngoài ra còn có 7 người thi đỗ võ học.

Tiêu biểu các bậc hiền thần như Trạng nguyên Đào Sư Tích (gốc họ Dương). Trạng nguyên Dương Phúc Tư, v.v..

Các chi họ Dương có truyền thống đỗ đạt là: chi Họ Dương ở Lạc Đạo (Hưng Yên); Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh; Cổ Lễ, Nam Định; Vân Đình, Hà Nội; Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Vĩnh Mỗ, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, v.v..

Họ Dương có nhiều gia đình có nhiều người như ông cháu, cha con, anh em đều đỗ tiến sĩ như:

  • Ông cháu Dương Bính, Dương Cảo (Đông Anh) đỗ tiến sĩ.
  • Ông cháu Dương Tịnh, Dương Đôn Cương (Yên Lạc) đỗ tiến sĩ
  • Ông cháu Dương Đức Giản, Dương Tông (Mê Linh) đỗ tiến sĩ
  • Ông cháu Đào Sư Tích, Dương Bạt Trạc (Nam Trực) đỗ tiến sĩ
  • Ông cháu Dương Khuê, Dương Thiệu Tường (Ứng Hòa) đỗ tiến sĩ
  • Cha con Dương Trực Nguyên, Dương Hạng (Thường Tín) đỗ tiến sĩ
  • Ba anh em Dương Dận, Dương Thiều, Dương Vị (Thạch Hà) đỗ tiến sĩ võ học
  • Hai anh em Dương Trọng Khiêm, Dương Sử (Văn Lâm) đỗ Tiến sĩ

Thời thuộc Pháp họ Dương có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước.

Ngày nay họ Dương có mặt ở khắp 63 tỉnh thành, nhưng nhiều nhất là ở Bắc Ninh, Bắc Giang đây là chiếc nôi phát tích của họ Dương. Có những làng xã chỉ toàn người họ Dương như Tân Yên, Yên Dũng (Bắc Giang); Châu Cổ Pháp (nay là 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du thuộc Bắc Ninh).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: