Năm 1206, Thiết Mộc Chân thống nhất tất cả các bộ lạc Mông Cổ và tổ chức Hội nghị Khuruldai tại đầu nguồn sông Onon Gol, được phong là Thành Cát Tư Hãn, trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “vua của cả thế giới”. Sau ba cuộc viễn chinh về phía Tây, Đế chế Mông Cổ đã trở thành đế chế lớn nhất trong lịch sử thế giới, vươn tới Bắc Băng Dương ở phía Bắc, Vịnh Ba Tư ở phía Nam, Bán đảo Triều Tiên ở phía Đông và Hungary ở phía Tây. Có nguồn cho rằng trong thời kỳ hoàng kim, tổng diện tích của Đế chế Mông Cổ lên tới hơn 35 triệu km2, trong khi cũng có tư liệu trừ đi một số vùng lãnh thổ tranh chấp rồi đưa ra con số 24 triệu km2. Nhưng có một điều chắc chắn, cuộc viễn chinh này sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi những con ngựa chiến Mông Cổ.

Trong thời đại gươm đao sáng loáng đó, những chiến binh Mông Cổ làm mưa làm gió khắp từ Á sang Âu, và đồng hành cùng họ cả ngày lẫn đêm là những con ngựa Mông Cổ.

Lịch sử của ngựa Mông Cổ, cũng giống như người Mông Cổ cổ đại, mang đầy màu sắc bí ẩn. Chúng là một trong những giống ngựa lâu đời nhất trên thế giới. Ngay từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người Hung Nô du mục trên đồng cỏ đã bắt đầu huấn luyện loài ngựa Mông Cổ làm ngựa chiến.

Ngua chien Mong Co 03
Kỵ binh Mông Cổ và ngựa Mông Cổ do họa sĩ Sayf al-Vâhidî người Afghanistan vẽ năm 1430. (Tranh: Lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp, Wikipedia, Public Domain)

Ngựa Mông Cổ không lớn lắm, cao trung bình 120-135 cm và nặng 267-370 kg, được coi là loài ngựa nhỏ. Tuy kích thước không thể sánh với ngựa châu Âu nhưng ngựa Mông Cổ lại có thân hình cường tráng, tứ chi lực lưỡng, gân cốt phát triển, linh hoạt và nhanh nhẹn. Trong sử thi anh hùng nổi tiếng của người Mông Cổ, “Jangar”, ngựa chiến của người Mông Cổ được miêu tả như sau: “Nhanh như một mũi tên rời khỏi sợi dây, tỏa sáng như một tia lửa, khí thế oai hùng.”

Ngựa Mông Cổ có sức bền dẻo dai, thích hợp cho các cuộc viễn chinh và không cần ăn uống trên đường đi. Một con ngựa trưởng thành di chuyển khoảng 50 đến 100 km mỗi ngày và có thể kéo 500 kg vật nặng. Trong khi đó, một con ngựa Mông Cổ được sử dụng để đưa tin chiến trận có thể di chuyển hơn 240 km một ngày trong hơn 10 giờ. Chúng được nuôi dưỡng tốt để có thể hành quân hơn 10 ngày mà không cần thức ăn. Điều này đã tạo ra sự đảm bảo cho các cuộc viễn chinh của quân đội Mông Cổ trên cao nguyên, sa mạc và trên khắp lục địa Á-Âu.

Ngựa chiến Mông Cổ có thể tồn tại ở khắp mọi nơi. Chúng xuất hiện trên vùng núi cao nguyên giá lạnh bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, thích nghi với thời tiết và điều kiện sống khắc nghiệt. Chúng có thể chịu được nhiệt độ cao 40 độ C và cái lạnh khắc nghiệt âm 40 độ C. Chúng còn có thể thích nghi với bão tuyết và nắng nóng như thiêu đốt.

Trên chiến trường luôn thay đổi, ngựa chiến với tư cách là thị vệ thiết thân cần phải phối hợp với chủ nhân một cách xuất sắc. Ngựa Mông Cổ linh hoạt và có trí nhớ đáng kinh ngạc, khi kết hợp với tài bắn cung phi thường của kỵ sĩ Mông Cổ thì sẽ ứng với câu: “Ngựa đi như rồng, mũi tên như điện”.

Loài ngựa giúp quân Mông Cổ chinh phục lục địa Á-Âu
Kỵ binh thời nhà Thanh cưỡi ngựa chiến Mông Cổ. (Tranh: Một phần bức tranh của Lang Thế Ninh thời nhà Thanh, Bộ sưu tập Bảo tàng Cố Cung, Public Domain)

Người Mông Cổ rất thích ngựa, đặc biệt là ngựa chiến. Thành Cát Tư Hãn rất coi trọng việc cho thuộc hạ tìm kiếm những đồng cỏ tốt để chiến mã ăn cỏ, uống nước sạch sau chiến trận. Ông cũng quy định không được cưỡi ngựa trong những lúc này.

“Hắc Thát Sự Lược” ghi lại rằng:

“Thử nghiệm phương pháp nuôi ngựa của người Tác-ta. Từ đầu mùa xuân, sau khi dừng binh, tất cả những chú ngựa chiến tốt được thả đi uống nước và ăn cỏ, lệnh không được phép cưỡi. Mãi cho đến khi gió Tây sắp nổi, mới cột ngựa vào chuồng, cho ăn ít cỏ và uống ít nước. Một tháng sau, khi ngựa béo tốt, chắc khỏe, mới cưỡi hàng trăm dặm, tự nhiên ngựa sẽ không có mồ hôi, nên có thể đi xa và xuất trận. Khi đang đi trên đường, ngựa không được phép uống nước và ăn cỏ. Vì đang lúc gian khổ mà ăn uống, ngựa không những không béo mà còn sinh bệnh. Đây là cách nuôi ngựa hay.”

Người Mông Cổ yêu ngựa, yêu thích cảnh ngựa phi như bay. Thành Cát Tư Hãn phong cho bốn vị tướng được sùng ái của mình là Mộc Hoa Lê, Xích Lão Ôn, Bác Nhĩ Thuật và Bác Nhĩ Hốt là Tứ Tuấn, còn gọi là Tứ Kiệt, hay Tứ Mã. Từ đó có thể thấy ngựa có vị trí rất cao trong văn hóa Mông Cổ.

Ngựa Mông Cổ dũng mãnh, linh hoạt, bền bỉ và dẻo dai, không chỉ là cộng sự đắc lực của các kỵ sĩ Mông Cổ, mà còn góp công lao to lớn trong việc cung cấp tư lương trong những cuộc viễn chinh của quân đội Mông Cổ, truyền tin chiến trận và càn quét khắp lục địa Á-Âu.

Theo Sound Of Hope
Văn Tư Mẫn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: