Lý Thường Kiệt là một vị tướng có nhiều công lao trong lịch sử, giúp Đại Việt phá Tống bình Chiêm. Bên cạnh đó, ông đã giành 19 năm để giúp vùng đất Thanh Hoá ổn định, đồng thời giúp đạo Phật phát triển tại đây.

Lý Thường Kiệt: 19 năm ổn định và phát triển vùng đất Thanh Hóa
Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự. (Ảnh: Tân, Wikipedia, Public Domain)

Bảo hộ người dân, phát triển đạo Phật ở Thanh Hóa

Sau khi giúp Đại Việt đánh bại quân Tống và Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt trở thành công thần lớn nhất của Triều đình. Tuy nhiên ông không ham luyến công danh, xin từ chức Thái úy để đến Thanh Hóa làm Tổng trấn. Lý Thường Kiệt muốn ổn định và biến nơi đây thành bức tường vững chắc ở phía nam ngăn quân Chiêm Thành.

Tại Thanh Hóa, Lý Thường Kiệt để lại tiếng thơm là vị quan anh minh. Ông ở Thanh Hóa đến 19 năm nhưng sử sách không ghi có cuộc nổi loạn nào, hoàn toàn yên bình.

Không chỉ bảo hộ và quan tâm đến dân chúng, Lý Thường Kiệt cũng góp phần giúp đạo Phật phát triển, sửa chữa trùng tu lại các chùa, cho xây dựng chùa Linh Xứng. Ngày nay dù ngôi chùa Linh Xứng không còn, nhưng tấm bia ghi công đức vẫn được lưu lại đến nay:

“Ông, trong tỏ khoan minh, ngoài thì ân huệ. Sửa đổi tục xấu cho dân, không quản khó nhọc. Làm việc thì cốt tránh làm phiền dân; sai dân thì cốt dỗ dân vui lòng làm việc; vì đó mà dân được nhờ. Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân; vì đó mà dân kính phục. Lấy vũ oai để trừ lũ ác, lấy chính luật mà xử kiện; nhờ đó mà không ai oán, cho nên ngục thất chẳng cần coi. Xem sự đủ ăn là nguyện của dân, lấy việc cày cấy là gốc của nước; nhờ đó mà mùa không mất. Cai trị giỏi cho nên không cần đánh dẹp. Nuôi nấng những kẻ già nua, cho nên kẻ già được yên. Đạo ông như thế, có thể gọi là gốc để trị dân, thuật để yên dân. Thật là đẹp đẽ!”

Sau này khi nghe tin Lý Thường Kiệt mất, người dân Thanh Hóa thương tiếc, chọn đất và góp tiền của xây chùa Báo Ân để tưởng nhớ ân đức của ông. Bia chùa Báo Ân có ghi lại rằng: “Đến năm Nhâm Tuất, Hoàng Đế đặc gia một quận ở trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, châu Ái, ban cho ông làm phong ấp. Các châu mục đều theo bóng, vạn dân đều mến đức.”

Văn bia chùa Báo Ân cũng ghi lại công lao phát triển nghề đục đá của Lý Thường Kiệt:

“Ở phía Tây – Nam huyện (Đông Sơn), có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý công sai một Thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao suất lĩnh người hương Cửu-chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm.”

Trong khi Lý Thường Kiệt giúp Thanh Hóa yên bình thì đất nước găp nhiều biến động. Năm 1095, Thái sư Lê Văn Thịnh bị khép tội dùng phép thuật hại Vua nên bị đi đày (các nghiên cứu đều cho rằng ông bị oan). Sau đó trong nước nước gặp thiên tai, mùa đông năm 1100 gặp dịch bệnh lớn.

85 tuổi vẫn phụng sự Giang Sơn

Năm 1101, vua Lý Nhân Tông dù 35 tuổi vẫn chưa có con nối dõi. Trước nhiều biến động, Vua cho gọi Lý Thường Kiệt trở về cung. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Tân Tỵ, Long Phù năm thứ 1 [1101], (Tống Huy Tông Cát, Kiến Trung Tĩnh Quốc năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu. Cho Thái úy Lý Thường Kiệt kiêm chức Nội thị phán thủ đô áp nha hành điện nội ngoại đô tri sự.”

Năm 1103. Lý Giác mưu phản ở Diễn Châu, Vua cử Lý Thường Kiệt dẹp loạn. “Mùa Đông, tháng 10, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học được thuật lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn chiêu tập những kẻ vô lại chiếm cứ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai bọn Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Lý Giác chạy sang Chiêm Thành liền mách kế xúi Vua Chiêm đánh cướp các Châu của Đại Việt. Năm 1104, Lý Thường Kiệt dù đã 85 tuổi vẫn tình nguyện cầm quân thân chinh tiến đánh. Chiêm Thành thua trận phải trả các vùng đất này lại cho Đại Việt.

Tưởng nhớ

Năm 1185, Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Sau khi nghe tin Lý Thường Kiệt mất, người dân Thanh Hóa vô cùng thương tiếc. Nơi ông sống khi ở Thanh Hóa được dân chúng dựng miếu thờ. Miếu thờ rất linh thiêng, vì thế mà sau này dân chúng góp công sức của cải mở rộng thành đền thờ to lớn và khang trang hơn. Cổng của ngôi đền hướng ra dòng sông Lèn hiền hòa đổ ra biển lớn.

Lý Thường Kiệt: 19 năm ổn định và phát triển vùng đất Thanh Hóa
Cổng chính vào đền Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Hà Trung, hatrung.thanhhoa.gov.vn)
den tho ly thuog kiet 2
Các cột, kèo được chạm khắc khoa văn tinh xảo. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Hà Trung, hatrung.thanhhoa.gov.vn)

Đền thờ Lý Thường Kiệt được xây dựng theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái. Mái đền được lợp ngói âm dương. Các cột kèo được chạm khắc tinh xảo các linh vật cùng thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá… Bàn thờ ở chính giữa khi nào cũng có hương khói.

Ngôi đền này ngày nay ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Tương truyền trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, cầu Lèn và khu vực xung quanh bị đánh phá, thế nhưng ngôi đền không hề bị quả bom nào rơi vào. Một số bom rơi sát bên đền nhưng lại không phát nổ. Vì thế mà ngôi đền dược bảo tồn nguyên vẹn đến nay, là di tích cổ giá trị.

Hàng năm đền thờ Lý Thường Kiệt có 2 ngày lễ lớn là ngày giỗ 21/6 âm lịch và ngày lễ Khai đền đầu năm vào 25 tháng Giêng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: