Làm quan trải qua 5 triều vua 2 đời chúa, Nguyễn Duy Thì có bài khải “Đạo trị quốc” dâng chúa Trịnh nhằm giữ yên dân. Ông cũng kiêm làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám giúp đào tạo nhiều bậc hiền tài giúp nước.

Nguyễn Duy Thì: Vị Tể tướng cùng bài khải trị quốc "giữ yên dân"
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Có công lớn với Triều đình

Theo gia phả của dòng họ thì Nguyễn Duy Thì sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng 3 năm nhâm Thân (1572), bản tính thông minh đĩnh ngộ, lại được gia đình dạy dỗ văn chương chu đáo, tìm những sinh đồ giỏi nhất cho theo học.

Lúc đó nhà Mạc còn trấn giữ Thăng Long, nghe tiếng thần đồng Nguyễn Duy Thì, quan Thái bảo đến tận nơi nhưng Nguyễn Duy Thì cùng gia đình không muốn tham dự các kỳ thi của nhà Mạc.

Đến khi nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc và trỏ về Thăng Long, Nguyễn Duy Thì mới ra ứng thí vào khoa thi năm 1598 và đỗ Hoàng giáp, được phong làm Hàn lâm viện hiệu lý.

Năm 1606, sau khi làm phó sứ sang bắc, Nguyễn Duy Thì được phong làm Thiêm đô ngự sử, tước bá. Số là việc thông thương với phương bắc gặp trắc trở, khi đi sứ ông đã hoàn thành tốt công việc của mình, hai nước lại có quan hệ tốt đẹp.

Hiện nay ở nhà thờ ông còn lưu giữ sắc phong thăng chức cho ông năm 1620 như sau: “Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì”.

Tháng 6/1823, chúa Trịnh Tùng ốm nặng, con là Trịnh Xuân dấy binh tranh ngôi Thế tử. Lợi dụng tình hình này, nhà Mạc tiến đánh lấy lại Kinh thành Thăng Long, Nguyễn Duy Thì phò tá chúa Trịnh về Thanh Hóa.

Sau khi chúa Trịnh Tùng mất, Nguyễn Duy Thì nhận định tình thế, cùng hiến kế để chúa Trịnh Tráng đưa quân đánh chiếm lại Kinh thành Thăng Long vào tháng 8.

Năm 1824, ông cùng Thái bảo Luân quận công đưa quân tiến đánh nhà Mạc ở Cao Bằng và thắng lớn, bắt được Mạc Càn Thống.

Năm 1629 có cuộc nổi loạn ở Uy Lãng. Chỉ với một bức thư, Nguyễn Duy Thì đã chiêu hàng thành công, được cả vua và chúa khen, cho rằng một lời nói mà thắng được vạn quân.

Năm 1642, ông được phong làm Thượng thư bộ binh giúp Triều đình dẹp loạn các nơi, lại giúp Vua ban chính sách an dân ở Phù Ninh, Thanh Hoa.

Nhờ lập nhiều công lớn, Nguyễn Duy Thì được thăng chức làm Thượng thư bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ (tức đứng đầu 6 bộ, tương đương Tể tướng). Ông được mở phủ riêng Bỉnh Quân, cấp 50 mẫu ruộng làm lương bổng, mỗi lần nhập triều được ăn mặc tùy ý.

Đạo trị quốc giúp yên dân

Hơn 40 năm giữ trọng trách dưới 5 triều vua 2 đời chúa, uy danh Nguyễn Duy Thì lừng lẫy, là trụ cột của Triều đình. Ông có 30 năm kiêm làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám, giúp định hình chế độ khoa cử giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo các nguồn sử liệu, có nhiều đại thần ỷ có công nên tiến cử con cháu làm quan, mà hầu hết đều là những kẻ vô đức khiến Nguyễn Duy Thì lo lắng.

Với cương vị Thiên đô Ngự sử, ông đã dâng bài khải “Đạo trị quốc” cho chúa Trịnh Tùng có đoạn như sau:

“Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng Trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý Trời. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán.

Chỉ vì người thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, chỉ chăm làm hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu dân không việc gì là không làm.

Vì thế mà động đến Trời đất, nên lòng Trời mới không thuận. Tai nạn nước lụt dâng lên lạ thường, phải chăng là chính sự lúc này có thiếu sót…”

và ông cũng khuyến nghị:

“Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng Trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài vậy”.

Cùng với đó là các kiến nghị ông đề xuất ra. Chúa Trịnh Tùng khen hay rồi phê chuẩn.

Danh sĩ Phạm Đình Hổ trong “Tang thương ngẫu lục” có đánh giá về Nguyễn Duy Thì rằng: “Ông luôn giữ mình ngay thẳng và khéo thay đổi được ý vua – chúa”.

Năm 1651, Nguyễn Duy Thì mất, được ban Thái tể, ban thụy là Hành Độ (nắm giữ pháp độ), được dân lập đền thờ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: