Năm 1859, quân Pháp chuyển hướng tiến đánh thành Gia Định, quân nhà Nguyễn chiến đấu anh dũng nhưng không thể chống cự trước hỏa lực rất mạnh của quân Pháp, Tổng đốc Gia Định là Võ Duy Ninh thấy không thể giữ được liền tuẫn tiết cùng thành. Sau khi chiếm thành Gia Định thì quân Pháp cũng cho phá luôn thành này. Vua Tự Đức cho Tôn Thất Hiệp cùng 1.000 viện binh đến Gia Định chặn quân Pháp. Tôn Thất Hiệp cho làm đồn Chí Hòa kéo dài chặn quân Pháp. Quân Pháp nhiều lần tấn công nhưng đều thất bại trước bức tường thành này.

Nguyen Tri Phuong quan Phap Sai Gon 02
Tàu chiến của lực lượng viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha từ sông Sài Gòn bắn vào thành Gia Định. (Tranh: Antoine Léon Morel-Fatio, Musée national de la Marine, Wikipedia, Public Domain)

Đại đồn Chí Hòa vây chặt quân Pháp

Thấy không thể vượt qua được đồn Chí Hòa, quân Pháp liền tập trung cố thủ, rồi chờ viện binh tới, định rằng khi có đông quân sẽ tấn công. Về phía nhà Nguyễn, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương làm Gia Định quân thứ thay Tôn Thất Hiệp, chỉ huy toàn quân chống Pháp.

Đặt chân đến Gia Định, Nguyễn Tri Phương tập trung binh lính cùng dân chúng xây dựng mở rộng và gia cố đồn Chí Hoà thành Đại đồn rộng lớn, kéo dài thành tấm chắn ngăn quân Pháp tấn công Nam bộ. Đại Đồn được xây dựng từ tháng 8/1860 đến tháng 2/1861 thì hoàn thành.

Đại đồn dài 3.000m, rộng 1.000m, được chia làm năm khu bằng nhau. Tường được xây bằng đất sét và đá ong, cao 3,5m, dày 2m với nhiều lỗ châu mai.

Mặt trên và mặt ngoài tường có trồng nhiều loại cây gai. Phía ngoài đồn là rào tre, nhiều mô đất, nhiều ao nước và vô số hố chông.

Đại đồn có 150 đại bác phòng thủ, nhưng đại bác bắn đạn bằng gang nên hỏa lực không mạnh như đại bác quân Pháp, tầm bắn cũng không xa như pháo quân Pháp.

Sau này quân Pháp cũng nhận xét rằng: “Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản”.

Thấy quân Đại Nam xây dựng đồn lũy, giữa năm 1860, liên quân Pháp – Tây Ban Nha cũng xây dựng phòng tuyến đối diện với quân Đại Nam chạy từ Sài Gòn đến Chợ Lớn gọi là “Phòng tuyến các chùa”, phòng thủ vững chắc phòng quân Đại Nam tấn công.

Đại Đồn Chí Hòa đã vây quân Pháp ở Sài Gòn, nhưng vòng vây chưa thật chặt vì trước đó quân Pháp đã chiếm được đồn Cây Mai. Nguyễn Tri Phương liền quyết định đánh chiếm lại đồn này nhằm thắt chặt vòng vây.

Đồn Cây Mai có 160 quân phòng thủ, nhưng có hỏa lực rất mạnh với vũ khí hiện đại. Nguyễn Tri Phương phải cho 3.000 quân tiến đánh mới chiếm được đồn này. Từ đó đại đồn Chí Hòa vây chặt lấy quân Pháp.

Sau này xem lại những ghi chép của quân Pháp thì suốt 6, 7 tháng liền quân Pháp không nhận được tin tức từ nước Pháp, cho thấy vòng vây của quân Đại Nam rất chặt. Vua Tự Đức tiếp tục ban thưởng khích lệ quân sĩ. Đại Đồn Chí Hoà trở thành niềm hy vọng của cả Triều đình và tướng sĩ, có thể ngăn chặn quân Pháp ở Nam bộ.

Đến tháng 11 thì quân Pháp có đợt tấn công dữ dội, nhưng quân Đại Nam dựa vào đại đồn Chí Hoà mà đẩy lui khiến quân Pháp bị thiệt hại. Từ đó quân Pháp cố thủ chặt chờ viện binh.

Lúc này phía Liên quân chỉ có 800 quân. Theo nguồn sử liệu đáng tin cậy thì phía Đại Nam có 15.000 quân, nhưng chỉ có 2.000 quân chính quy triều đình, còn lại là 3.000 quân địa phương, 10.000 dân đồn điền (gia nhập vào đây làm quân nghĩa dũng chống Pháp, không được đào tạo nên khả năng năng chiến đấu thấp).

Nhiều nhà nghiên cứu sau này tỏ ra tiếc nuối vì cho rằng với quân số đông hơn, lại có Đại Đồn vững chắc, nếu Nguyễn Tri Phương cho tấn công thì tất thắng. Tuy nhiên xét ra hỏa lực quân Pháp rất mạnh, lại dựa vào “Phòng tuyến các chùa”, quân Đại Nam nếu có tấn công chưa rõ được mất thế nào, nhưng nếu thắng chắc chắn cũng hy sinh rất nhiều quân và khó có thể chống chọi với viện binh của quân Pháp đang đến.

Dựa vào khí tài hiện đại, người Pháp đánh bại quân Nguyễn

Một hạm đội 50 – 70 chiến hạm của Pháp đến Sài Gòn, nâng tổng số quân Pháp lên 5.000 người. Quân Pháp quyết định chuẩn bị tiến đánh Đại Đồn Chí Hòa. Quân Đại Nam dù đông hơn nhưng số quân chính quy triều đình chỉ có 2.000.

Quân Pháp cho người Việt và người Hoa trà trộn vào do thám đồn Chí Hòa. Quân Pháp còn dùng phương tiện do thám hiện đại lúc bấy giờ là khinh khí cầu, thám thính rõ Đại đồn Chí Hòa. Sau khi có đầy đủ thông tin, các sĩ quan Pháp lên kế hoạch tấn công.

Đồn Chí Hòa và kỳ vọng ngăn bước quân Pháp của triều Nguyễn (P1)
Quân Pháp tấn công đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa). (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Ngày 24/2/1861, quân Pháp bắt đầu tấn công, quân Việt chiến đấu ngoan cường. Quân Pháp vào được trong Đại đồn. Nguyễn Tri Phương bị mảnh đại bác bắn vào làm bị thương.

Không thể chống cự được trước vũ khí của quân Pháp, Nguyễn Tri Phương phải cho quân rút đến đồn Thuận Kiều. Quân Pháp bị thiệt hại nặng, 3 ngày sau mới đưa quân tấn công vào đồn Thuận Kiều.

Sau thất bại này Nguyễn Tri Phương bị giáng chức làm Tham tri. Từ đó dù quân và dân Nam bộ vẫn một lòng chống Pháp, nhưng vua Tự Đức không còn lòng tin chống Pháp nữa, chỉ muốn tìm cách thỏa hiệp với người Pháp.

Sau đấy Triều đình ký các hòa ước cho Pháp cả 3 tỉnh miền Tây rồi 3 tỉnh miền Đông. Tuy nhiên người dân Nam bộ không khuất phục mà nổi lên chống Pháp với rất nhiều cuộc khởi nghĩa trong thời gian này.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em