Lý Thanh Chiếu, hay “Dị an cư sĩ”, là nữ tác gia nổi tiếng thời nhà Tống, được xếp vào hàng “đệ nhất tài nữ” của Trung Hoa. Ngoài tài năng ra, thì mối lương duyên và chuyện tình cảm vợ chồng gắn bó cả lúc phú quý cũng như lúc nghèo khổ của Lý Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành cũng khiến người đời cảm phục và tán tụng. 

Nhân duyên Trời định của tài nữ Lý Thanh Chiếu thời Tống
Tranh vẽ Lý Thanh Chiếu. (Public Domain)

Nhân duyên Trời định

Triệu Minh Thành xuất thân từ gia đình quan lại. Cha của Triệu Minh Thành là Triệu Đĩnh Chi, từng làm Tể tướng đương triều, hiển hách một thời.

Lúc niên thiếu, một hôm khi Triệu Minh Thành đang ngủ thì đột nhiên có một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông đã đọc một cuốn sách. Sau khi tỉnh dậy, ông chỉ nhớ được một câu trong cuốn sách đó là: “Ngôn dữ ti hợp, an thượng dĩ thoát, chi phù thảo bạt”. Triệu Minh Thành cảm thấy vô cùng kỳ quái, bèn mang chuyện này đến hỏi cha mình.

Cha của ông sau khi suy nghĩ một hồi, nói rằng:

  • “Ngôn dữ ti hợp” tức là chữ “ngôn” (言) hợp với chữ “ti” (司) thành chữ “từ” (词).
  • An thượng dĩ thoát” là chữ “an” (安) bỏ đi phần trên là thành chữ “nữ” (女).
  • “Chi phù thảo bạt” là bỏ đi phần trên đầu của chữ “chi” (芝) và chữ “phù” (芙) thành hai chữ “chi phu” (之夫).

Toàn bộ câu này chính là bốn chữ “Từ nữ chi phu”. Xem ra, vợ của Triệu Minh Thành sẽ là một tài nữ giỏi văn chương.

Một hôm, Triệu Minh Thành cùng người bạn thân là Lý Huýnh đi dạo chơi ở chùa Tướng Quốc thì gặp một cô gái. Cô gái này chính là Lý Thanh Chiếu, là em họ của Lý Huýnh. Lý Thanh Chiếu xuất thân trong gia đình danh vọng, có truyền thống học giỏi. Cha của bà là Lý Cách Phi, là tiến sĩ, làm quan đến chức Lễ Bộ viên ngoại lang, là học trò đắc ý của Tô Thức. Mẹ của Lý Thanh Chiếu là con gái của Tể tướng Vương Khuê, là cháu gái của Trạng nguyên Vương Củng Thần, cũng là người tinh thông văn chương.

Lý Thanh Chiếu từ nhỏ đã tài năng và thông minh. Trong nhà bà có một bộ sưu tập sách vô cùng phong phú. Lý Thanh Chiếu hàng ngày đều chăm chú đọc sách, trên tay gần như không rời sách. Từ lúc thiếu nữ, Lý Thanh Chiếu đã trở nên nổi tiếng ở kinh thành.

Triệu Minh Thành đã sớm nghe danh tiếng của Lý Thanh Chiếu, rất ngưỡng mộ thơ Lý Thanh Chiếu nên khi gặp thì đã ái mộ bà. Sau khi trở về nhà, Triệu Minh Thành cầu xin cha đến nhà Lý Thanh Chiếu để cầu hôn.

Năm 1101, Triệu Minh Thành và Lý Thanh Chiếu “môn đăng hộ đối” đính hôn. Khi Lý Thanh Chiếu được gả cho Triệu Minh Thành, mới 18 tuổi, Triệu Minh Thành 21 tuổi.

Vợ chồng quý tiếc nhau, cùng chung chí hướng

Sau khi cưới, Triệu Minh Thành đang học ở trường Thái Học. Hai vợ chồng mới cưới chỉ có thể nửa tháng gặp nhau một lần. Lý Thanh Chiếu trong khuê phòng chờ đợi chồng, đúng tết Trùng Dương đã sáng tác bài “Túy Hoa Âm”, gửi gắm nỗi cô đơn ltrong khuê phòng mùa thu.

Triệu Minh Thành sau khi nhận được bài “Túy Hoa Âm” đã tán thưởng đó là sáng tác “tuyệt diệu hảo từ” và muốn làm một bài cùng điệu để sánh cùng vợ. Vì thế ông liền đóng cửa không tiếp khách, suốt ba ngày ba đêm mất ăn mất ngủ, ông đã sáng tác ra 50 bài từ. Ông cũng sao chép bài của Lý Thanh Chiếu và trộn lẫn vào trong đó rồi đem đến cho một người bạn là Lý Đức Phu nhờ bình luận. Sau khi đọc đi đọc lại, Lý Đức Phu nói: “Chỉ có ba câu tuyệt hảo”. Triệu Minh Thành liền hỏi ba câu nào, Lý Đức Phu đáp: “Mạc đạo bất tiêu hồn, liêm quyển tây phong, nhân bỉ hoàng hoa sấu” (Lẽ nào hồn chẳng ngất ngây, Rèm tây gió lộng người gầy hơn hoa), đúng là những câu của Lý Thanh Chiếu viết. Triệu Minh Thành từ đây hoàn toàn hiểu rõ rằng mình quả nhiên là “Từ nữ chi phu”.

Nhân duyên Trời định của tài nữ Lý Thanh Chiếu thời Tống
Tranh vẽ Lý Thanh Chiếu của Thôi Thác đời Thanh. (Public Domain)

Sau kết hôn hai năm, Triệu Minh Thành ra ngoài làm quan. Lý Thanh Chiếu mỗi khi nhớ chồng, thường dựa cửa làm thơ gửi đến chồng bày tỏ nỗi lòng mình. Vợ chồng Lý Thanh Chiếu mặc dù đều là con nhà giàu có nhưng gia đình hai bên đều sống tằn tiện cho nên mỗi khi được nghỉ về nhà đoàn tụ với vợ thì Triệu Minh Thành thường đến tiệm cầm đồ cầm cố quần áo đổi lấy tiền. Sau đó ông đến chợ chùa Tướng Quốc mua bi văn và trái cây mà họ yêu thích để mang về nhà thưởng thức. Họ cùng nhau tận hưởng niềm vui đơn giản mà ấm cúng như vậy.

Triệu Minh Thành yêu thích cổ văn cổ thư. Lúc vừa nhận chức quan, Triệu Minh Thành nói với vợ rằng nguyện ăn cơm rau, mặc đơn giản cũng muốn thu thập cổ văn kỳ tự trong thiên hạ. Lý Thanh Chiếu hiểu và đồng ý với chí hướng của chồng, trợ giúp chồng chỉnh lý khảo chứng, giám định phân biệt. Khi gặp được những đồ của danh nhân thư họa, họ sẽ không tiếc mà cầm y phục đổi lấy. Họ cũng tìm mọi cách để mượn được những cuốn sách quý được cất giữ trong quán các của triều đình. Một lần, có người rao bán “Mẫu đan đồ” của Từ Hi, một họa sĩ thời Nam Đường, với giá 20 vạn đồng. Hai vợ chồng đã ở trong nhà thưởng thức bức tranh suốt hai đêm, yêu thích không buông xuống được, nhưng vì không có đủ tiền nên cuối cùng đành phải trả lại cho người ta. Cũng vì điều này mà hai vợ chồng họ nhìn nhau, luyến tiếc buồn rầu mất mấy ngày.

Không lâu sau, cha của Triệu Minh Thành và cha của Lý Thanh Chiếu liên tục gặp khó nạn ở triều đình. Triệu gia bắt đầu suy tàn. Hai vợ chồng phải rời khỏi Biện Kinh, rời xa thế sự để về cố hương Thanh Châu của Triệu Minh Thành. Mặc dù từ hiển quý biến thành thứ dân nhưng Triệu Minh Thành và Lý Thanh Chiếu vẫn sống cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Hạnh phúc của hôn nhân không phụ thuộc vào việc họ ăn cơm rau dưa đạm bạc hay ăn đồ ngon mặc áo gấm mà là ở chỗ họ hiểu nhau quý tiếc nhau và có chung chí hướng. Số tiền tiết kiệm vốn có của gia đình, ngoại trừ để mua thực phẩm và quần áo thì gần như đều được dùng để tìm kiếm thư pháp, hội họa và đồ cổ. Hai vợ chồng tằn tiện trong ăn mặc, không có đồ đạc và vật dụng, Lý Thanh Chiếu dùng trâm bằng cây mận, trang phục bằng vải bố để thay thế cho đồ trang sức minh châu ngọc lục, nhưng họ vẫn rất hạnh phúc và vui vẻ. 

Có lần, Triệu Minh Thành kiếm được bút tích của Bạch Cư Dị, vui mừng chạy vội về, hai vợ chồng họ cùng nhau thưởng thức, vui mừng đến mức đốt hết hai ngọn nến mà vẫn không muốn đi ngủ. 

Lý Thanh Chiếu đã đặt tên cho nơi ở của mình là “Quy lai đường”. Bà cũng mời người đến vẽ bức chân dung của mình treo trong nhà. Triệu Minh Thành đã viết lên đó câu: “Giai lệ kì từ, đoan trang kì phẩm, quy khứ lai hề, thậm kham giai ẩn”, ý nói người con gái đẹp, phẩm cách đoan trang.

Theo đuổi cuộc sống đạm bạc về vật chất và phong phú về tinh thần đã khiến cho cuộc sống hai vợ chồng cùng chung chí hướng “phu xướng phụ tùy”. Lý Thanh Chiếu tận sức sáng tác thơ ca, và một phần ba trong số hơn 60 bài thơ còn sót lại của bà được sáng tác ở Thanh Châu. Triệu Minh Thành sưu tập văn vật, thư họa danh nhân, sáng tác “Kim thạch lục”. Họ thường làm những gì họ thích và thỉnh thoảng chơi cờ trong sân.

Khi Triệu Minh Thành sáng tác, hễ thấy không chắc chắn về khảo chứng thì Lý Thanh Chiếu đều có thể nói chuẩn xác cho ông câu đó là ở trong tài liệu lịch sử nào, ở trong cuốn sách nào. Khi uống trà, hai vợ chồng họ thường chơi trò chơi: một người kể lại điển cố trong một cuốn sách cổ và người kia phải trả lời điển cố đó nằm trong cuốn sách nào, tập nào, trang nào và hàng nào, trả lời đúng thì có thể uống trà trước, trả lời sai thì phải dâng trà cho đối phương. Có những lúc hai vợ chồng họ cứ chơi như vậy và cười đùa mãi không dứt. 

Dưới sự trợ giúp của Lý Thanh Chiếu, Triệu Minh Thành đã hoàn thành 30 cuốn “Kim Thạch lục” ghi lại các bản chạm khắc được thu thập từ thời Hạ Thương Chu cho đến Tuỳ Đường Ngũ đại, tổng cộng có 2.000 loại. Triệu Minh Thành cũng tiến hành nghiên cứu biện chứng về chữ khắc trên chuông, văn tự khắc ở bi minh, mộ chí và cũng gia tăng thêm khảo cứ biện chứng. 

Tuổi trung niên mất chồng

Năm 1127, người Kim từ phía bắc xâm lược và chiếm được Thanh Châu, vợ chồng Triệu Minh Thành không thể sống ở Sơn Đông nên phải vượt Giang Nam đi. Khi bắt đầu vượt Nam, Lý Thanh Chiếu đã viết một bài thơ để bày tỏ chí nguyện của mình: “Sinh đương tác nhân kiệt, tử diệc vi quỷ hùng. Chí kim tư Hạng Vũ, bất khẳng quá Giang Đông” (Sống làm nhân kiệt, chết làm quỷ hùng. Nhớ Hạng Vũ thà chết cũng không chịu về Giang Đông).

Tháng 6 năm 1129, Triệu Minh Thành một mình đến Hồ Châu làm quan tri phủ. Lúc vợ chồng ly biệt, Lý Thanh Chiếu đã hỏi chồng rằng nếu như người Kim đánh hạ thành trì thì phải làm gì với những kim thạch thu thập được. Triệu Minh Thành nói, nếu như gặp bất trắc thì trước tiên vứt bỏ đi đồ quân nhu, sau đó vứt bỏ quần áo và đồ dùng, tiếp đó là sách, tiếp đến là trục cuốn tranh và đồ cổ, nhưng “Triệu Thị thần diệu thiếp” trân quý nhất là vạn lần không thể vứt bỏ đi. 

Năm sau, Triệu Minh Thành lâm bệnh nặng và qua đời khi vẫn đang tại chức. Hai vợ chồng ân nghĩa 29 năm từ đây đã âm dương cách biệt, năm ấy Triệu Minh Thành 49 tuổi và Lý Thanh Chiếu 46 tuổi. Sau khi Triệu Minh Thành mất, Lý Thanh Chiếu đã viết một bài văn tế rồi sau đó lâm bệnh nặng một thời gian.

Không lâu sau, quân Kim xâm chiếm phía nam, Lý Thanh Chiếu mang theo 15 xe đồ cổ, thư tịch và thư họa kim thạch vội vã tiến về phía nam, sống lang bạt. Trong chiến tranh loạn lạc, Lý Thanh Chiếu đã gặp qua cướp bóc, trộm cắp, mấy lần ra sống vào chết, những thứ bà mang theo dần dần bị mất mát và cuối cùng gần như không còn. 

Tuổi già sống lang bạt

Nước mất nhà tan, chồng mất, những trân bảo thu thập được trong suốt bao nhiêu năm cũng bị thất lạc khiến Lý Thanh Chiếu cô độc không còn chỗ dựa, đau khổ vô cùng, sống cô đơn lạnh lẽo suốt 20 năm.

Năm 1134, Lý Thanh Chiếu viết xong tác phẩm “Kim Thạch lục hậu tự”. Sau đó bà lại đối chiếu chỉnh lý lại tác phẩm “Kim Thạch lục” của Triệu Minh Thành, trình lên triều đình và hoàn thành những việc còn dang dở của chồng.

Vợ của quyền thần đương triều Tần Cối là Vương Thị, là con gái của Vương Trọng Sơn, người cậu thứ hai của Lý Thanh Chiếu. Như vậy Vương Thị và Lý Thanh Chiếu là chị em họ gần của nhau. Lúc Tần Cối quyền thế rất mạnh, phàm là những người họ hàng của ông ta, đặc biệt là người trong họ tộc Vương Thị đều thăng quan tiến chức rất nhanh chóng nhưng Lý Thanh Chiếu, người đang không có nơi nương tựa lại vẫn một mực không lui tới gia đình Tần Cối Vương Thị. Điều này cho thấy tâm chí của bà khác với mọi người.

Lý Thanh Chiếu đã sáng tác “Đả mã đồ kinh”, tuy là viết về trò chơi nhưng lại mượn đó để nói lên tình hình đất nước lúc bấy giờ. Mượn việc đánh cờ, bà trích dẫn rất nhiều điển cố có liên quan đến chiến mã và những hành động dũng mãnh chống lại cái ác và tiêu diệt kẻ thù trong lịch sử, khen ngợi trí dũng của trung thần lương tướng Hoàn Ôn và Tạ An, thể hiện chí nguyện lo cho đất nước của bà. Trong bài thơ “Đề bát vịnh lâu”, Lý Thanh Chiếu thể hiện nỗi đau buồn về sự suy tàn của nhà Tống và về khó khăn trong việc giữ nước, câu “Giang sơn lưu dữ hậu nhân sầu” (thắng cảnh lầu Bát Vịnh để lại cho người ta nỗi sầu khi giang sơn rơi vào tay địch) có thể coi là như tuyệt xướng thiên cổ. 

Những năm cuối đời, những bài thơ của bà không còn vẻ xinh đẹp sống động nữa, mà chuyển thành nỗi buồn khôn tả. Bà sống ẩn cư ở Hàng Châu, và ly thế vào khoảng năm 1155 lúc hơn 70 tuổi. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: