Nhiệt tâm và thành ý

(Điều 14: Nhiệt tâm và thành ý đối với công việc và sinh hoạt hàng ngày là nền tảng giúp bạn thành công) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Kiến thức, trí tuệ và tài năng cả 3 đều quan trọng nhưng quan trọng hơn tất cả là nhiệt tâm và thành ý. Có 2 điều này thì bất cứ việc gì cũng có thể hoàn thành được(2).

Nhiệt tâm và thành ý là nền tảng giúp bạn thành công
Hoa Tử Đằng ở thành phố Ashikaga. (Ảnh minh họa: Dimitri Lamour, Shutterstock)

Lúc trước tôi có nghe câu truyện như sau. Trong giới bảo hiểm sinh mạng (bảo hiểm nhân thọ) (3) hoặc bảo hiểm hỏa hoạn, tổng số tiền ký hợp đồng với khách hàng của người chào hàng có kết quả cao nhất gấp 100 lần tổng số tiền của người có kết quả thấp nhất.

Khi nghe câu truyện trên tôi có một ít ngạc nhiên. Cùng làm trong một công ty, cùng đi bán bảo hiểm với điều kiện hoàn toàn giống nhau, tại sao lại có kết quả chênh lệch to lớn như vậy? Có thể nghĩ ra nhiều nguyên nhân. Thí dụ, tính cách của nhân viên chào hàng có ảnh hưởng lớn. Trình độ phong phú của kiến thức về bảo hiểm hoặc khả năng ăn nói giỏi dở cũng có thể là nguyên nhân quan trọng.

Tuy nhiên khi suy nghĩ kỹ nếu chỉ do các nguyên nhân nói trên, chúng ta không thể giải thích được chênh lệch đến mức 100 lần. Nếu xem xét theo thể nghiệm của tôi thì phải chăng kết quả này căn bản là do tư thế, sự chuẩn bị ở mặt tinh thần dành cho công việc, nghĩa là do mức độ nhiệt tình và thành ý dành cho công việc của người chào hàng? Người mà đối với công việc có nhiệt tâm và thành ý thì luôn luôn suy nghĩ, xem xét tìm kiếm những phương pháp có hiệu quả hơn, thí dụ như “Nếu làm như thế này thì sao?” hoặc “Lần sau mình thử tiếp chuyện với khách hàng như thế này xem sao?” Ngoài ra, cùng là giải thích một nội dung nhưng khi thực hiện thì người thành công lưu tâm để ý đến cách nói và biết giữ lễ độ nên nhiệt tình và khí phách của họ tự nhiên dâng trào lên.

Dĩ nhiên lòng nhiệt tình và thành ý cần phải xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ là vì khách hàng mà hướng dẫn họ ký hợp đồng chứ không phải vì lợi ích của bản thân mình. Với thái độ làm việc như trên, phải chăng sẽ đánh mạnh vào tâm tình của khách hàng, và khách hàng sẽ nghĩ rằng “Bề nào cũng là vào bảo hiểm, vậy mình ký hợp đồng qua người này có vẻ đáng tin cậy hơn”. Tôi nghĩ rằng thái độ đối với công việc mỗi ngày của người như trên phải chăng sẽ đem đến kết quả chênh lệch gấp 100 lần như trong câu truyện nói trên?

Bản thân tôi cho đến hiện tại, lúc nào tôi cũng thấm thía cảm nhận mức độ quan trọng của lòng nhiệt tình và thành ý; tôi không ngừng tự hỏi, tự đáp rằng mình có điểm nào khiếm khuyết, không đầy đủ đối với 2 việc này không? Và trong thực tế, đối với việc kinh doanh như muốn làm công việc như thế này, muốn cùng với nhân viên xây dựng công ty lên như thế kia, thì tôi nghĩ rằng phải chăng nhiệt tình và thành ý của tôi mạnh mẽ đến mức độ không thua kém ai. Do đó có lẽ vì vậy mà mặc dù tôi không có học lịch (trình độ học vấn) cao, thân thể lại yếu đuối, không có gì hơn ai, nhưng tôi có thể nhờ cấp dưới có học thức, tài năng ưu tú hơn tôi làm việc và đem lại thành quả. Bởi vậy tôi thường nói: “Ở địa vị tối cao của một công ty, hơn tất cả mọi thứ, điều cần phải có hơn tất cả mọi người khác trong công ty là nhiệt tâm và thành ý. Người ở địa vị tối cao của một công ty chỉ cần có được 2 điều này thì nhân viên của công ty sẽ cảm nhận được, và người có kiến thức sẽ cống hiến kiến thức, người có kỹ năng sẽ cống hiến kỹ năng, mỗi người cống hiến thứ họ có và nỗ lực cố gắng làm việc”.

Điều nói trên không phải chỉ có thể nói cho trường hợp của người có địa vị chịu trách nhiệm và ở nơi làm việc mà ngay cả trong cuộc đời của tất cả mọi người của chúng ta, khi muốn hoàn thành một công việc gì đó, tôi nghĩ rằng chìa khóa quan trọng nhất quyết định thành bại của công việc là có nhiệt tâm và thành ý không. Nói một cách cực đoan, ngay cả một người câm không nói được, nếu nhiệt tâm và thành ý mạnh mẽ chắc chắn sẽ dùng bút đàm (trò chuyện bằng cách viết chữ) hoặc dùng cả việc ra dấu tay hoặc thân mình để diễn tả, trình bày điều họ muốn truyền đạt. Và những thái độ như vậy sẽ cảm động lòng người và gợi lên sự đồng cảm và nhất định sẽ có người hợp tác xuất hiện, phải chăng mọi sự vật ở đời đều được hình thành như vậy?

Nguyễn Sơn Hùng, 18/11/2022
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả:

Nhận xét của người dịch

Hay thay cho câu nói sau của tác giả “…không phải chỉ có thể nói cho trường hợp của người có địa vị chịu trách nhiệm và ở nơi làm việc mà ngay cả trong cuộc đời của tất cả mọi người của chúng ta, khi muốn hoàn thành một công việc gì đó, tôi nghĩ rằng chìa khóa quan trọng nhất quyết định thành bại của công việc là có nhiệt tâm và thành ý không”. Người viết tin rằng “nhiệt tâm và thành ý” cũng đem tới hiệu quả của sự “vi diệu của tình người” mà tác giả đã đề cập trong Bài 9 (4).

Viết đến đây người viết nhớ từ thời trung học, không biết học từ đâu nhưng rất thích câu “Chí thành thông thánh”, mỗi khi gặp khó khăn tự nhủ lòng câu này. Trong trường hợp này, nghĩa của “thành” không phải chỉ là thành thật, chân thành đối với người khác mà đối với cả bản thân của mình và đối với người. Đối với bản thân nghĩa là chính mình thật sự muốn hoàn thành, muốn được thành tựu.

Do muốn biết xuất xứ câu này, nên đã tra trên Internet tiếng Việt mới biết thêm câu này là đề thi ở Trường thi Bình Định năm 1905 và cụ Phan Chu Trinh đã làm một bài thơ với tựa “Chí thành thông thánh” để thức tỉnh lòng yêu nước của dân chúng (5).

Vì không thấy thông tin gì về xuất xứ của câu trên trong tiếng Việt, nên tra thử trên Internet tiếng Nhật. Kết quả biết rằng ở Nhật Bản người ta nói: “Chí thành thông thiên”. Câu này được xem là của chí sĩ Yoshida Matsuin 吉田松陰 (1830~1859) và ông thường khuyên học trò ông nên chí thành. Người viết đọc các tác phẩm của các chí sĩ thời Minh Trị Duy Tân cũng thấy họ rất xem trọng lòng chí thành. Ngày nay ở Nhật Bản vẫn còn có trường tiểu học hoặc trung học chọn chí thành làm một trong những đức tính mà thanh thiếu niên cần phải học tập.

Tài liệu Nhật Bản cũng giải thích rằng câu này lấy ý từ câu sau trong đoạn 12 của thiên Ly Lâu Thượng, sách Mạnh Tử: Chí thành nhi bất động giả, vị chi hữu dã 至誠而不動者,未之有也. Ý nói: Chân thành hết mức mà không cảm động được người là việc chưa hề có. Trong sách Trung Dung và sách Đại Học của Nho học cũng chủ trương chí thành là đức tính quan trọng. Chương 24 của sách Trung Dung có câu “Cố chí thành như thần 故至誠如神”, nghĩa: do đó, người chí thành giống như thần. Tuy nhiên, các câu trích dẫn trên không cho thấy xuất xứ đúng nguyên văn của “Chí thành thông thánh”.

Trong một trang web tiếng Trung Quốc (6) cho biết Trình Di 程頤 (7) có bài thơ tựa 謝王全期寄丹詩 (Tạ Vương Toàn Kỳ Ký Đan Thi). Nội dung như sau.

至誠通聖藥通神,Chí thành thông thánh, dược thông thần,
遠寄衰翁濟病身. Viễn ký suy ông tế bệnh thân.
我亦有丹君信否?Ngã diệc hữu đan quân tín phủ?
用時還解壽斯民. Dụng thời hoàn giải thọ tư dân.

Người viết không biết Hán văn, chỉ biết một ít chữ Hán qua việc học tiếng Nhật nên chỉ đoán ý như sau không biết có đúng không?

Nghĩa đen của 2 câu đầu: Một khi chí thành thì cảm thông đến thánh và thuốc uống thông đến thần, thuốc tặng cho ông già ở xa thân thể bị bệnh đã suy nhược. Ý nói cảm tạ bạn đã gửi thuốc, nhờ lòng thành của bạn nên thuốc có công hiệu như thần.

Nghĩa đen của 2 câu sau: Bạn có tin là tôi cũng đã có thuốc (ý nói triết lý Nho học mà ông đã nghĩ ra và hoài bảo muốn giúp đời cũng đã giúp ông khỏe lại) rồi không? Tôi dùng thời gian (dụng thời) sống lâu (thọ) để giúp đời (hoàn giải tư dân).

Không biết câu “Chí thành thông thánh” trong bài thơ trên có phải là sáng tác lần đầu của ông hay ông lập lại câu ông đã viết trong tác phẩm nào khác của ông hoặc trích dẫn từ đâu nhưng thiết tưởng Trình Di là bậc đại Nho lại có hoài bảo cao quý muốn giúp đời và chí thành là đề tài quan trọng của sách Trung Dung và sách Đại Học, nên lời của ông trong bài thơ trên cũng xứng đáng làm đề thi.

(Viết xong ngày 20/1/2023)

Ghi chú:

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Matsushita Kônosuke (1984): Bài 9 VI DIỆU CỦA TÌNH NGƯỜI

erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/Bai-9-Vi-Dieu.htm

(5) Đào Đức Chương (1995, 2013): Trường Thi Bình Định.

http://viethocjournal.com/2019/06/truong-thi-binh-dinh/

(6) Trình Di: Tạ Vương Toàn Kỳ Ký Đan Thi (Bài thơ cảm tạ Vương Toàn Kỳ cho thuốc)

https://kknews.cc/culture/o33jo6m.html

(7) Trình Di (1033~1107) được gọi là Y Xuyên tiên sinh, nhà Nho học thời Bắc Tống. Anh ông là Trình Hạo程顥, người đời gọi chung 2 anh em ông là Nhị Trình tử. Ông là một trong những người đặt nền tảng cho Chu tử học và Dương Minh học.