Trong lịch sử, các sứ thần đều là những người tài giỏi, họ không chỉ hoàn thành sứ mệnh đi sứ của mình, mà còn tranh thủ học hỏi thêm nghề truyền lại cho dân chúng. Dưới đây là chuyện về Lê Công Hành, người được xem là ông tổ nghề thêu.

Ông tổ nghề thêu
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Họ Mạc đến làng Quất Động

Năm 1546, vua Mạc Hiến Tông mất, Triều đình theo di chiếu để Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, hiệu là Mạc Tuyên Tông. Tuy nhiên theo gia phả họ Mạc thì Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi giữ chức Thái úy trong triều, nắm giữ quân đội lại phản đối việc lập Mạc Phúc Nguyên lên ngôi vì còn nhỏ, mà đề xuất nên lập em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung.

Khi người Phụ chính cho nhà Mạc là Mạc Kính Điển không đồng ý, Phạm Tử Nghi liền cùng Chính Trung khởi binh chống lại.

Trong lúc loạn lạc, Thứ phi Bùi Thị Ban đưa con là Hoàng tử Mạc Phúc Đăng đến lánh nạn ở làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Ở Quất Động, Mạc Phúc Đăng sinh con là Mạc Phúc Đồ. Năm 1592, nhà Lê chiếm lại Kinh thành Thăng Long và truy tìm nhà Mạc, nên họ Mạc ở làng Quất Động đổi sang họ Trần.

Truyền thuyết và lịch sử

Mạc Phúc Đồ có người cháu nội là Trần Quốc Khái sinh năm 1606, sau đổi tên thành Trần Công Hành. Tương truyền từ nhỏ Công Hành rất ham học và hay chữ. Đến năm 1637 thời vua Lê Thần Tông, ông thi đỗ tiến sĩ.

Theo truyền thuyết lưu lại, năm 1646, Triều đình cử ông đi sứ sang nhà Minh. Khi gần đến Kinh thành, quan lại nhà Minh chỉ cho đoàn sứ bộ theo con đường tắt chứ không theo đường chính. Đến nơi núi rừng và thung lũng thì đoàn sứ bộ hết lương ăn.

Công Hành cho người chặt tre làm thành những cái dặm, cái dủi để xuống suối bắt cá, kiếm cả trái cây để ăn. Nhờ đó mà đi hết quãng đường rừng mọi người vẫn khỏe mạnh để đến Kinh đô nhà Minh.

Công Hành vào chầu vua Minh, hoàn tất công việc ngoại giao, Triều đình nhà Minh đưa đoàn sứ bộ đi dạo. Để thử ông, các quan nhà Minh mời Công Hành lên lầu cao chót vót rồi cất thang đi để ông một mình trên đó.

Ở trên lầu cao không xuống được, Công Hành xem kỹ các lọng rồi chẻ tre vót nan bắt trước cách làm lọng, lại hạ các bức trướng xuống, tháo đường chỉ kim tuyến học cách thêu. Từ đó mà học được nghề thêu.

Tuy nhiên truyền thuyết này lại không đúng với lịch sử. Truyền thuyết cho rằng ông đi sứ sang nhà Minh năm 1646, nhưng trước đó nhà Thanh thay thế nhà Minh từ năm 1644, các Hoàng thân nhà Minh ở phía nam lập nên nhà Nam Minh, đóng đô ở Nam Kinh. Quân Thanh tiến xuống phía nam đánh chiếm Nam Kinh, đến năm 1646 thì nhà Nam Minh rút tận xuống phía nam, đóng đô ở Quảng Đông.

Vì thế năm 1646, Công Hành đi sứ không thể đến nhà Minh, mà là nhà Thanh, khả năng thấp là ông đi sứ nhà Nam Minh đang sắp sụp đổ.

Học được một nghề truyền lại cho dân không hề đơn giản

Truyền thuyết cho rằng Công Hành chỉ nhìn sản phẩm mà tự học cách thêu, nhưng nhiều người đi sứ học được nghề cũng phải trải qua thời gian dài công phu tìm hiểu, rồi tự làm mới học được nghề, bởi học được một nghề rồi truyền lại cho dân chúng không hề đơn giản.

Lịch sử có nhiều người đi sứ đều phải cần mẫn học hỏi mới rành được nghề, như Phạm Đôn Lễ học nghề dệt chiếu.

Trần Lư 2 lần đi sứ, lần nào cũng cần mẫn học hỏi mới học được nghề vẽ sơn trang trí.

Phùng Khắc Khoan đi sứ cũng phải sống cùng dân, tỉ mỉ học kỹ thuật kéo tơ, kết cấu khung cửi dệt lụa, học cẩn thận làm thành thục rồi về nước dạy cho dân dệt ra thứ lượt bằng tơ đẹp nổi tiếng được gọi là “lượt Bùng”.

Lương Như Hộc 2 lần đi sứ lần nào cũng tìm để học nghề in. Lần đi sứ thứ hai ông phải mở tiệm buôn bán ngay cạnh nhà in để học. Có vậy ông mới thành thạo truyền lại cho dân.

Như vậy thì thực tế Công Hành học nghề thêu cũng không đơn giản.

Ông tổ nghề thêu

Các sứ thần đi sứ sang Trung Quốc thường hay ghi chép ghi lại hành trình dài của mình. Ví như Nguyễn Huy Oánh khi đi sứ có ghi chép chuyến hành trình qua cuốn “Hoàng hoa sứ trình đồ”. Theo đó đoàn sứ bộ thường phải đi qua tỉnh Hồ Nam. Hồ Nam là nơi có truyền thống lâu đời về nghề thêu và làm lọng, đến nay thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam vẫn là một trung tâm nghề thêu. Rất có thể Công Hành đã học được nghề thêu, làm lọng khi đi qua vùng này.

Thời nhà Minh, nghề thêu và làm lọng rất phát triển, rất nhiều các xưởng dệt tư cũng như gia đình, điều này rất thuận lợi cho các sứ thần học hỏi.

Sau khi học đều nghề thêu, Công Hành về quê nhà ở làng Quất Động dạy lại cho dân chúng. Từ đó nghề thêu và làm lọng phát triển, hình thành các làng nghề lan rộng ra khắp cả nước.

Do lập được nhiều công lao nên ông được ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó mà ông có tên Lê Công Hành.

Người dân xem Lê Công Hành là ông tổ nghề thêu. Dù nghề thêu và làm lọng đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, nhưng chỉ giới hạn ở màu chỉ ngũ sắc và chỉ kim tuyến phục vụ cho quan lại và nhà chùa. Lê Công Hành truyền dạy nghề thêu công phu hơn, lại phổ biến rộng khắp trong dân chúng.

Để ghi nhớ công đức của ông, người dân làng nghề tại huyện Thường Tín lập đền Ngũ Xá (do dân 5 xã lập), trong Đền có tấm bia “Vũ Du Tiên sư bi ký” ghi lại sự tích của tổ nghề thêu. Ngoài ra còn nhiều đền thờ khác thờ ông tổ nghề thêu.

Các làng nghề vẫn tổ chức lễ giỗ tổ vào ngày 12 tháng 6 hàng năm. Riêng ở Huế lễ tế tổ sư nghề thêu được tổ chức vào ngày 22 tháng giêng âm lịch hằng năm, và ngày mồng 4 tháng 6 âm lịch là ngày kỷ tổ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: