Trong lịch sử, các sứ thần đều là những người tài giỏi, họ không chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình mà còn tranh thủ học hỏi thêm nghề cũng như kỹ thuật của nước ngoài để truyền lại cho dân chúng.

Người Việt có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, những nhân tài được cử đi sứ ngoài chuyện ngoại giao cũng không quên tìm hiểu học hỏi những những tinh hoa của nước khác về phổ biến lại trong nước. Họ đã để lại rất nhiều giai thoại vô cùng thú vị.

Các sứ thần nước Việt không chỉ có tài ngoại giao
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

1. Ông tổ nghề sơn

Trong kho sách chữ Hán của Thư viện Hán – Nôm có quyển Bình Vọng Trần thị gia phả kể chuyện Trần Lư, theo đó ông còn có tên là Lương, tự là Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470). Ông là người làng Bình Vọng (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông. Gia phả không ghi cụ thể năm mất nhưng có một chi tiết giúp ta đoán định được: “Năm ông đi sứ về thì gặp lúc Mạc Đăng Dung chiếm ngôi của nhà Lê nên ông tử tiết để giữ lòng trung với nhà Lê”.

Trong hai lần đi sứ, khi đi qua các vùng của Trung Quốc, ông đã chú ý học hỏi được nghề vẽ sơn trang trí, về nước ông truyền lại cho dân chúng, giúp nghề thủ công này phát triển trong nước.

Thực ra, nghề sơn có ở nước ta từ xa xưa. Vì nước ta, vùng Phú Thọ có những rừng cây sơn ngút ngàn. Song chắc chắn là đến đời Lê, thế kỷ 16, Trần Lư đã bằng trí thông tuệ của mình, kết hợp kinh nghiệm học hỏi được trong chuyến đi sứ nhà Minh mà cải tiến hoặc sáng tạo ra những phương thức, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sơn sống, tạo ra những loại sơn dầu, sơn quang bóng đẹp bền màu và nhất là ông đã tạo ra ngành sơn mài khiến giá trị mỹ thuật và ứng dụng của nhựa sơn Việt Nam tăng vượt bậc, tức là làm tăng chất của sơn ta.

Bình Vọng Trần thị gia phả ghi lại một đôi câu đối treo ở nhà thờ ông rằng:

Lưỡng độ hoàng hoa danh tiến sĩ
Bách niên đan hoạch cổ tiên dân.

Tạm dịch:

Hai phen đi sứ lừng danh tiến sĩ
Trăm năm son thắm dạy dỗ dân gian.

2. Lượt Bùng

Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạnh Thất, tỉnh Hà Tây. Khi được cử đi Sứ sang Trung Quốc, ông đã tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp người dân và đem được các hạt giống đậu đen, đậu nành, hạt ngô về nước. Cũng từ đó, ông hướng dẫn người dân gieo trồng, làm ngũ cốc thêm phong phú. (Xem bài: Chuyện trạng Bùng đưa hạt giống cây ngô từ Trung Quốc về Việt Nam)

Ly kỳ chuyện đưa hạt giống “cây ngô” từ Trung Quốc về Việt Nam
Phùng Khắc Khoan. (Tranh qua hophungvietnam.com.vn, Public Domain)

Phùng Khắc Khoan cũng xem xét học hỏi tỉ mỉ từ người dân địa phương cách kéo tơ từ kén tằm sao cho nhỏ, kĩ thuật làm cho sợi tơ thêm bóng, mềm và mượt. Ông để ý đến kết cấu của các khung cửi sao cho dệt được nhiều loại lụa, cách dệt lụa sao cho mịn và bóng, ghi chép lại kỹ thuật rất cẩn thận. Khi về nước ông đã phổ biến kỹ thuật đó cho dân làng Bùng quê ông, dệt ra thứ lượt bằng tơ đẹp nổi tiếng được gọi là “lượt Bùng”, rồi nghề này được lan truyền đến các làng khác.

3. Ông tổ nghề thêu

Trần Quốc Khái người xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1637 được cử đi sứ nhà Minh. Bấy giờ ông bị hoàng đế nhà Minh thử tài, nhốt trên một cái lầu cao chót vót. Ông lên lầu, thì ở dưới đất quân Minh cất thăng đi, không còn lối xuống nữa, ông đành ở lại trên lầu một mình. Đưa mắt nhìn quanh, thấy hai pho tượng sơn son thiếp vàng, một chum nước, với hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa, treo một bức trướng thêu nổi ba chữ “Phật tại tâm”, nghĩa là Phật ở trong lòng. Trong góc còn có hai cây tre tươi và một con dao. Một ngày rồi hai ngày trôi qua, bụng đói mà cơm không có ăn, chỉ có chum nước. Ông nghĩ bụng có nước uống tất phải có cái ăn. Quay ra ngoài ngắm bức trướng, ông lẩm nhẩm đọc: “Phật tại tâm”, rồi ông gật đầu mỉm cười, bẻ tay pho tượng ra nếm thử. Thì ra hai pho tượng ấy nặn bằng bột chè lam. Từ đó ngày hai bữa, ông cứ ung dung bẻ dần tượng Phật mà ăn.

Ngồi không buồn quá, ông bèn chẻ tre, vót nan, quan sát kỹ cách làm lọng và nhớ nhập tâm các chi tiết. Khi đã biết cách làm lọng rồi, ông lại hạ bức trướng xuống, tháo các đường chỉ kim tuyến xem cách thêu, lại dùng chỉ đó thêu vào. Lúc hoàn tất, ông ngắm nghía, rất vui thấy nét chữ thêu giống hệt như cũ.

Ăn hết hai pho tượng và uống hết chum nước, ông tìm cách xuống. Buổi chiều ngồi ngắm trời mây, thấy những con dơi xòe cánh chao đi chao lại như chiếc lá, ông nghĩ đến hai cái lọng cắm trên lầu, rồi mạnh dạn ôm lọng nhảy xuông đất một cách bình an vô sự. Thật chẳng khác gì ngày nay người phi công nhảy dù.

Trước tài trí ứng xử linh hoạt của sứ thần Đại Việt, triều đình nhà Minh vô cùng kính phục, bày tiệc lớn tiễn đưa đoàn sứ bộ ta. Về nước, ông dược phong tước rất to, thăng Công bộ thượng thư thái bảo, được đổi họ Lê, nên mới có một tên khác nữa là Lê Công Hành.

Những năm cuối đời, Lê Công Hành làm quan trong triều nhưng thường về quê truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng ở láng Quýt Động quê ông, cũng như các làng lân cận…

Dần dần nghề thêu theo những người thợ vùng Thường Tín (Hà Tây) lan rộng ra khắp nơi. Để ghi nhớ công ơn ông, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

4. Hiệu ảnh đầu tiên

Đặng Huy Thứ người xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đỗ Tiến sĩ năm 1847. Ông được vua Tự Đức cử đi Sứ đến Quảng Châu, Hồng Kông và Ma Cao. Ra nước ngoài ông học hỏi được nhiều điều, khi về nước ông đề xuất cải cách kinh tế, mở cửa thương mại.

dang huy tru 1
Chân dung Đặng Huy Trứ – Ông tổ của nhiếp ảnh Việt. (Tranh qua Trí Thức Trẻ, Public Domain)

Năm 1869 ông đã mua phụ tùng và máy ảnh để mở hiệu ảnh “Cảm hiếu đường” – đây cũng chính là hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội. Ông mở hiệu ảnh này không phải để kinh doanh mà là để giới thiệu khoa học kỹ thuật mới, giúp con người lưu lại được bức ảnh cha mẹ để thờ phụng khi qua đời, vì thế mà ông đặt tên cho hiệu ảnh của mình là “Cảm hiếu đường”.

5. Xe đạp nước Ai Cập

Phạm Phú Thứ là người làng Đông Bàn huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn , tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Vào thời vua Tự Đức, trong thời gian đi sứ, nhớ cảnh người dân Quảng Nam quê mình quanh năm đói kém, ông đã học hỏi người Ai Cập cách lấy nước tưới ruộng bằng xe gió.

Sau đó về quê ông hướng dẫn người làng Đông Bàn chế tác xe đạp nước. Có xe đạp nước, hơn 100 mẫu ruộng làng Đông Bàn năng suất tăng đáng kể.

Sau này dân làng Đông Bàn còn cải tiến xe đạp nước thành xe trâu. Lực kéo của trâu làm cho vành bánh xe nước quay, đưa nước từ đìa lên mương máng tưới ruộng. Năng suất xe trâu nhanh gấp 3 lần đạp nước. Một xe trâu tưới đủ nước cho hơn 5 mẫu ruộng.

Trần Hưng tổng hợp

Xem bài:

Mời xem video: