Đêm giao thừa là ngày cuối cùng trong năm âm lịch, là thời điểm quan trọng để chia tay cái cũ chào đón cái mới. Dân gian coi ngày này là ngày rất quan trọng và có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, cho nên những người ở xa quê hương đều sẽ vội vã trở về để đoàn tụ cùng gia đình. Vào ngày này, người ta sẽ làm lễ thờ cúng tổ tiên và Thần linh một cách trang trọng và cũng có một số quy tắc dân gian. Trong số rất nhiều quy tắc có việc tránh không để thiếu 5 điều.

Tập tục của cổ nhân: Đêm giao thừa có năm thứ không để thiếu
(Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images, Shutterstock)

Không để thiếu gạo

Cổ ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” (với người dân thì cái ăn quan trọng như trời vậy), ăn uống là một việc lớn của đời người, chỉ khi no đủ con người mới có sức lực để làm việc, học tập và tạo dựng ra nhiều của cải hơn. Xa hơn, thì chỉ khi dân chúng no ấm mới có thể xây dựng một đất nước cường mạnh, xã hội thái bình.

Cái ăn đã là cái quan trọng hàng đầu của con người, cho nên phàm là những thứ có liên quan đến đồ ăn thì đều có liên quan chặt chẽ đến tài vận của con người. Thời xưa, mỗi gia đình đều có hũ hay vại dự trữ gạo. Hũ hay vại đựng gạo trong gia đình nếu vào đầu năm mới mà trống rỗng thì có ý nghĩa tình trạng tài phú của năm đó không được tốt. Người trong gia đình sẽ vì cái ăn cái mặc mà lo lắng, phát sầu.

Cho nên, vào những ngày cuối năm, người ta sẽ xem xét cố gắng để hũ gạo đầy đủ sung túc. Việc làm này xem như mang đến may mắn cho gia đình, hàm ý gia đình sẽ có một năm mới no đủ, sung túc, hạnh phúc như ý.

Không để thiếu nước

Có câu rằng: “Sơn chủ nhân đinh, thủy chủ tài”, núi ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nước ảnh hưởng đến tài vận của chủ nhà. Nước là cội nguồn của sự sống, cũng đem lại sự tiện lợi cho cuộc sống.

Ngày xưa, nước không có sẵn như bây giờ mà phải đi lấy nước từ giếng. Nếu ở nhà không có gạo nước thì việc sang nhà hàng xóm xin một chút là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vào đêm giao thừa thì lại là chuyện kiêng kỵ. Những thứ tượng trưng cho sự giàu có và đủ đầy thì không thể mượn được, rất không may mắn. Vì vậy, người ta sẽ lấy nước vào vại từ trước đêm giao thừa, ít nhất cũng đủ để chiêu đãi khách. Đồng thời họ cũng dọn nơi chưa nước cho sạch sẽ.

Không để thiếu tiền trong ống

Vào thời cổ đại, đồng tiền sử dụng là ngoài tròn trong vuông. Vì để thuận tiện cho việc bảo quản, người ta thường khoét một lỗ dài và hẹp trên bình gốm để nhét tiền vào trong giống như con heo đất hiện nay. Ống tiền như vậy chỉ có cửa vào và không có cửa ra nên khi đầy phải đập vỡ mới lấy tiền ra được.

Người xưa quan niệm rằng, đêm giao thừa là thời điểm chia tay cái cũ đón chào cái mới, một ống tiền đầy cũng ngụ ý trong năm tới tài phú của gia đình không bị đứt đoạn.

Không để thiếu người

Nhân khí sung túc, tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ mới ngụ ý là gia đình hưng vượng, cuộc sống tốt đẹp. Tết đến xuân về, mọi người thường xuyên về nhà hơn, gặp gỡ người thân nhiều hơn, như vậy không chỉ làm tăng thêm sự hòa thuận đầm ấm trong gia đình mà còn làm tăng thêm tình thân, từ đó khiến cho vận mệnh gia đình phát triển. Đêm giao thừa có nhân khí thì những điều không tốt sẽ được xua đuổi đi.

Ngoài ra, nhà không được để trống cũng có nghĩa là diện tích ngôi nhà phải tỷ lệ thuận với số người ở. Nếu nhà quá lớn mà lại ít người ở thì sẽ khuyết thiếu dương khí từ đó khiến cho sự phát triển mọi mặt của các thành viên đương nhiên trở nên không suôn sẻ.

Không để thiếu ánh đèn

Ngày xưa, đèn không phải là đèn điện mà là đèn dầu. Đêm giao thừa, nhà nào cũng thắp đèn sáng suốt đêm. Dù ngày bình thường khó khăn, không đủ dầu thắp đèn nhưng vào đêm giao thừa người ta đều thắp đèn để mong đợi một năm đủ đầy.

Có câu cách ngôn rằng: “Đăng bất lượng, nhân bất vượng”, đèn không sáng, người không vượng. Ngọn đèn là biểu tượng của hy vọng và ánh sáng, ngụ ý trong năm mới, các thành viên trong gia đình đều có tiền đồ tươi sáng, cuộc sống hạnh phúc vui tươi.

Không chỉ trong mỗi nhà mà vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới người xưa sẽ thắp đèn ở khắp ngõ xóm thôn làng, đặc biệt là những góc tối trong nhà. Làm như vậy vừa có thể xua đuổi đi những thứ không may mắn lại có thể mang lại vượng khí và cát tường cho gia đình.

Những kiêng kỵ mà người xưa áp dụng cũng đều thể hiện nguyện vọng, mong ước về một năm mới tươi sáng, mọi người được bình an và đủ đầy. Mặc dù xã hội ngày nay đã thay đổi, nhiều thứ truyền thống, tập tục xưa đã bị mất đi nhưng vẫn có những nơi vẫn còn áp dụng những tập tục này để mong một năm mới tươi đẹp, hạnh phúc, bình an.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: