Con người khi sinh ra có những tư chất tốt đẹp bẩm sinh thiên phú, nhưng đôi khi họ lại thiếu đi sự rèn luyện học tập trau dồi cần thiết, khiến cho nếu muốn đạt được những thành tựu lớn thì trước sau vẫn chỉ là mộng tưởng. Dưới đây là một câu chuyện được Vương An Thạch, một vị tể tướng thời Tống, ghi lại về một người được xưng là thần đồng tại Giang Tây thời đó.

Thiên phú và rèn luyện
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Ở huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, thời Bắc Tống, có một người tên là Phương Trung Dũng, gia đình nhiều thế hệ đều làm nghề nông.

Khi Phương Trung Dũng lên năm tuổi, cậu chưa bao giờ nhìn thấy đồ dùng của người đi học như giấy, mực, bút. Vậy mà một ngày nọ, cậu đột nhiên khóc và nói muốn có những thứ này. Cha cậu bé cảm thấy rất kỳ lạ nên mượn đồ từ nhà hàng xóm đưa cho. Cậu bé lập tức viết một bài thơ tứ tuyệt, mà hơn nữa còn tự mình viết tựa đề. Bài thơ này dựa trên chủ đề về phụng dưỡng cha mẹ, hòa thuận gia đình, và đã rất nhanh chóng lưu truyền ra trong giới đọc sách đồng hương.

Từ đó về sau, khi cậu được giao cho đề tài và yêu cầu viết bài thơ, cậu có thể lập tức viết ra ngay, mà hơn nữa văn phong, ý tứ đều rất tốt. Những người dân cùng huyện đều coi cậu là bậc kỳ tài.

Dần dần, cha của Phương Trung Dũng được người ta tiếp đãi như thượng khách. Một số người còn mang tiền đến giúp đỡ gia đình cậu. Cha cậu cảm thấy như vậy kể cũng là món lợi xứng đáng được nhận nên mỗi ngày đều dẫn theo Phương Trung Dũng đi đến thăm nhà người dân trong huyện, không cho cậu đi học nữa.

Bấy giờ Vương An Thạch nghe nói về sự việc của Phương Trung Dũng đã lâu. Một năm nọ, ông cùng cha về quê và gặp Phương Trung Dũng tại nhà cậu ruột của mình. Cậu bé lúc đó đã 12, 13 tuổi rồi. Vương An Thạch đề nghị cậu làm thơ, nhưng những bài thơ cậu làm ra không còn tương xứng với danh tiếng trước đây của cậu nữa.

7 năm sau, Vương An Thạch từ Dương Châu trở về nhà, lại đến nhà cậu của ông. Khi hỏi đến việc của Phương Trung Dũng thì mọi người đều nói: “Tài năng trí tuệ của Phương Trung Dũng đã biến mất rồi, giờ đây cậu ấy đã gần như giống những người bình thường khác”.

Vương An Thạch mới cảm khái như sau:

Tài trí, ngộ tính của Phương Trung Dũng là từ tiên thiên mà có, cậu ta bẩm sinh đã có được những thứ này, so với những nhân tài khi đó còn có phần nhỉnh hơn. Nhưng cuối cùng cậu ta lại biến thành một người bình thường, tất là vì cậu ta học hành quá ít. Những người giống như Trung Dũng, đã nhận được rất nhiều từ tiên thiên và cũng rất thông minh, nhưng lại thiếu mất sự bồi dưỡng rèn luyện ở hậu thiên sau này, cho nên đã trở thành một người bình thường. Như vậy, nếu những người được thiên phú kém hơn, bản thân chỉ là người có trí lực bình thường, nếu hậu thiên không chú trọng học tập, thì liệu họ có thể đuổi kịp tài năng của những người bình thường không?

Không thể phủ nhận Phương Trung Dũng là bậc kỳ tài! Nhờ tư chất thiên bẩm xuất chúng, với tài năng vượt trội của mình, cậu không cần học thầy mà tùy hứng chơi đùa với giấy bút mực nghiên, sáng tác ra những áng văn thơ khiến người đời tán thưởng. Điều này trong lịch sử phương Đông và phương Tây dù hiếm nhưng không phải là không có. Ví như Mozart cũng là một thiên tài như vậy. Nhưng thiên tài là thế, cuối cùng Phương Trung Dũng lại trở nên tầm thường trong trò chơi không hồi kết của cha mình là “hàng ngày lôi kéo Trung Dũng đi gặp gỡ tiếp xúc dân làng” để nhận chút tiền giúp đỡ. Cuối cùng thiên tài đã bị hủy rồi, quả thực khiến người ta phải ngẫm nghĩ suy tư. Hãy thử suy nghĩ một chút, nếu cha của Trung Dũng biết tận dụng lợi thế, để cậu phát huy hết ưu thế về trí lực của tiên thiên, bảo ban học hành, vậy thì Trung Dũng cuối cùng liệu có thể trở thành một kẻ “phàm phu tục tử” được không?

Dựa theo loạt bài “Truyện ngụ ngôn
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Mặc An

Xem thêm:

Mời xem video: