Trần Danh: Dòng họ khoa bảng nổi danh xứ Kinh Bắc
- Trần Hưng
- •
Dòng họ Trần Danh ở thôn Cống, xã Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc (nay là xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng về khoa bảng. Dòng họ này có ba đời liên tiếp đỗ đại khoa với 4 tiến sĩ, 67 người đỗ cử nhân và tú tài.
Gốc tích hoàng thân nhà Trần
Theo gia phả họ Trần Danh ở Bảo Triện thì dòng họ Trần Danh vốn là hoàng thân nhà Trần ở thôn Khang Kiện, xã Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Đến cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, cụ Thuần Đạo chuyển đến định cư ở thôn Cống, xã Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc (nay là xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), và được xem là thủy tổ của dòng họ ở đây.
Phần mở đầu bia “Truy viễn đàn bi ký” đặt trong nhà thờ họ Trần tại thôn Phương Triện có ghi: “Thế hệ họ Trần ta dòng dõi ở Tức Mặc, hậu duệ của hoàng gia họ Trần. Hiển tổ khảo đời thứ 10 (Tức đời thứ nhất của họ Trần Phương Triện theo cách tính hiện nay) tên hiệu Thuần Đạo phủ quân, bói xem ở ấp Bảo Triện, mở đầu của họ ta, táng tại Đường Máng, giỗ ngày 20 tháng 8…”.
Dòng họ ở đây đến đời thứ 4 thì phát khoa bảng, mở đầu từ Trần Danh Huyên đỗ tú tài, được phong làm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thừa chính xứ Thái Nguyên, tước Thuỵ Trạch bá.
Trần Danh Huyên có con là Trần Danh Chữ, được phong tặng Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, Quang lộc tự khánh. Sau được gia phong Đông các đại học sĩ, tước Di trạch bá, tên thụy Phúc Từ, hiệu Vô vi phủ quân.
Trần Phụ Dực
Đến đời thứ sáu, họ Trần Danh có Trần Phụ Dực đỗ tiến sĩ năm 1683, trải qua các chức vụ khác nhau, sau làm Tham chính Lạng Sơn (tòng tứ phẩm). Ông tham gia biên soạn bộ quốc sử của triều đình nhà Lê,bổ sung vào “Đại Việt Sử ký Toàn thư”.
Trần Phụ Dực ngoài việc được thờ trong đền thờ dòng họ, còn được phối thờ ở đình làng cùng ba vị Thành hoàng làng là Ngọc Hồ đại vương, Chiêu Minh đại vương, Cung Mục đại vương. Đặc biệt vì Trần Phụ Dực có công dạy 10 ngươi con đều đỗ đạt nên được được phong tặng chức Hữu Thị lang bộ Lễ (tòng Tam phẩm), Đô ngự sử (Chánh Tam phẩm), vinh phong làm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, tước Diễn Quận công.
Bia mộ của Trần Phụ Dực có ghi chép ông là “khuôn mẫu trong đời văn chương, đạo đức, làm quan thanh liêm, không mua bán tài sản, chuyên tu nhân tích đức nên đã gợi mở nền móng cho sự phát triển đời sau”.
Trần Phụ Dực có 10 người con thì 2 người đỗ tiến sĩ, 4 ngươi đỗ cử nhân, 4 người đỗ tú tài. Trần Phụ Dực có 2 người con thi đỗ tiến cùng khoa thi năm 1731 là Trần Danh Ninh và Trần Danh Lâm. Khoa thi này có 12 người đỗ, người anh Trần Danh Ninh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và người em đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ), đây là niềm vinh dự to lớn cho dòng họ.
Trần Danh Ninh
Trần Danh Ninh thi đỗ Hoàng giáp, được phong làm Tế tửu Quốc Tử Gíam, sau đó được phong Đông Các Đại Học sĩ. Năm 1752, ông theo Chúa đi dẹp loạn phía tây rồi được phong làm Hữu thị lang bộ Công. Rồi được phong làm Thị lang bộ Lễ, kiêm Tổng tài Sử quán.
Phan Huy Chú nhận xét về ông trong “Lịch triều hiến chương loại chí” rằng:
“Ông là người cương quyết, nghiêm nghị, tự giữ cái phong thể của mình, việc giáp binh, việc tế lễ việc nào cũng làm được cả. Đến như ở chốn triều đình bàn việc chính trị thì ông rất khảng khái, công bằng, ngay thẳng, lẫm liệt, không ai dám phạm, có khuôn mẫu, khí độ bậc danh thần; bấy giờ ai cũng kính phục”.
Trần Danh Lâm
Em của Trần Danh Ninh là Trần Danh Lâm cũng thi đỗ cùng khoa với anh mình, làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Công kiêm Đốc thị Nghệ An. Khi viện lệ xin về hưu, ông còn được thăng Thượng thư bộ Công, gia tăng Thượng thư bộ Hình.
Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi chép rằng khi Trần Danh Ninh được giao trấn giữ Cao Bằng thì bị đảng giặc từ nhà Thanh tấn công, vây hãm thành suốt 2 tháng liền. Dù thành đã cạn lương nhưng Trần Danh Lâm vẫn động viên tướng sĩ quyết chống giữ. Trong thế nguy bị vây chặt trong thành, lương đã cạn, ông tìm hiểu thấy các tướng trụ cột của đảng giặc là từ đất phủ Trấn Yên, Long Châu và Bằng Tường từ nhà Thanh. Ông liền cho người đưa tiền cho các quan nhà Thanh ở nơi đây nhờ họ tìm cách trợ giúp. Các quan địa phương này liền tìm cách chặn đường tiếp lương, lại tìm cách bắt giữ người nhà của các tướng giặc, đảng giặc phải rút lui.
Trần Danh Lâm xuất quân phá được giặc, thu về 4 châu, giúp dân an cư lạc nghiệp. Tin thắng trận bay về Triều, Trần Danh Lâm được thăng làm Thiêm đô ngự sử, tước Du Nhạc hầu.
Trong thời gian làm Độc thị ở Nghệ An, ông đã biên soạn cuốn “Hoan Châu phong thổ ký” và “Hoan Châu phong thổ thoại”. Đây là hai cuốn sách rất có giá trị để tìm hiểu văn hóa lịch sử địa lý vùng Hoan Châu xưa, nay là Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trần Danh Lâm khi làm quan được đánh giá là người giàu lòng nhân đức và nghĩa hiệp, sẵn lòng giúp đỡ dân chúng. Văn bia trong nhà thờ có đoạn:
“Lớn lao thay! Nay ở sông Thiên Đức thấy công đức của Trần Tướng Công không thể đong đếm được. Tướng công dòng dõi vọng tộc, là ngôi sao sáng của phương Nam, danh hương vùng Giang Bắc, lấy văn chương để chọn đường khoa đệ, lấy trung hậu cư xử trốn triều đình, khắp cõi lục bộ đến tam đô, trong ngoài đều vừa ý, được tuyên dương vì có thành tích, thanh danh khắp vùng, sự nghiệp to lớn trong triều mà chưa thể thuật được hết, tâm tư còn ngổn ngang suy nghĩ đến việc muốn ban phát tiền của dư thừa để giúp đỡ mọi việc. Bấy giờ đương lúc bản huyện tu sửa văn miếu, đại tông xây dựng từ đường, thôn làng xóm ấp lập thần miếu, xây dựng đại đình, đã quyên góp tiền của vật liệu và hàng trăm đồ vật do binh lính để lại, phục hồi lại làng thi thư lễ nhạc.”
Sử gia Phan Huy Chú nhận xét về Trần Danh Lâm:
“Ông tính thanh liêm, khoan hòa, dễ dãi, không tranh giành với ai, đến đâu dân cũng nhớ ơn. Khi vào phủ làm Bồi tụng, khi ở đài Ngự Sử, khi giữ việc tuyển bổ quan lại; ai cũng suy tôn là người giữ lòng công chính, ông cùng với anh là Bảo Huy bá (Trần Danh Ninh) làm quan đồng thời, khi ở triều, khi ở quận đều có tiếng chính tánh tốt, đều thăng đến Thượng Thư rồi về hưu. Thực là phúc trọn vẹn của một nhà”.
“Coi giữ hai trấn miền Bắc, miền Nam; tất cả là 6 lần xét công, làm bồi tụng được 6 năm, ở triều ở quận danh vọng rực rỡ… Ông tính thanh liêm, khoan hoà, dễ dãi, không tranh giành với ai, đến đâu dân cũng nhớ ơn”
Cả hai anh em Danh Ninh và Danh Lâm đều được khắc trên văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tên của hai anh em cũng được đặt cho các con phố và trường học.
Trần Danh Án
Trần Danh Lâm có con là Trần Danh Án, vốn thông minh từ nhỏ, lớn lên đỗ đầu kỳ thi Hương, ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1787, khoa thi cuối cùng thời nhà Lê. Như vậy họ Trần Danh có 3 đời liên tục có 4 người đỗ đại khoa.
Trần Danh Án là người trung thành với nhà Lê, tiếc rằng ông đỗ đạt lúc nhà Lê đã suy tàn không thể hồi phục. Vua Quang Trung nhiều lần cử danh sĩ Ngô Thì Nhậm mời ông ra làm quan, nhưng ông cự tuyệt
Trần Danh Án để lại rất nhiều tác phẩm như: “Bảo Triện Trần Hoàng giáp thi văn tập”, “Lịch đại chính yếu luận”, “Liễu am thi tập”, v.v..
Tưởng nhớ
Di tích mộ và nhà thờ dòng họ Trần Danh được xây dựng vào thế kỷ 18 thời nhà Lê, đây là nơi thờ tự tổ tiên cùng các tiến sĩ trong dòng họ. Nơi đây cũng bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị như như Gia Phả, Bia đá, Hoành phi, Câu đối và đồ thờ tự. Nhà thờ họ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của gia tộc, cũng là nơi giáo dục để các thế hệ sau này noi gương cha ông đi trước.
Ngày 28/1/2015 mộ và nhà thờ tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.
Trần Hưng
Xem thêm:
- “Tứ gia vọng tộc” nổi tiếng về khoa bảng đất Kinh Bắc
- Văn miếu Bắc Ninh: Biểu tượng đất học vùng Kinh Bắc
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng gia tộc nhà Lê