Cuộc đời luôn đầy rẫy những cám dỗ, tràn ngập những điều hấp dẫn, nếu một người không biết cách quyết đoán thì sẽ thường xuyên bị lo lắng phiền muộn quấy nhiễu, sẽ bị mắc kẹt. Cổ ngữ nói: “Đương đoạn bất đoạn, phản thụ kì loạn”, nếu cần phải quyết đoán mà không quyết đoán thì sau này ắt sẽ thành mối loạn.

Người quyết đoán là người có tố chất tâm lý tốt, cũng là biểu hiện của ý chí kiên cường. Người xử lý công việc một cách quyết đoán, khi gặp tình huống khẩn cấp, có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và giỏi nắm bắt cơ hội để đưa ra biện pháp và hành động không một chút do dự. Ngược lại, những người thiếu quyết đoán, lưỡng lự, do dự thường bỏ lỡ mất cơ hội. Tất nhiên quyết đoán không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, bộc phát, mà là kết quả của phẩm chất cùng một quá trình tích lũy lâu dài trước đó.

Trí tuệ cổ nhân: Cần quyết mà không quyết thì sẽ thành mối loạn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Trong sách “Sử ký. Hoài Âm Hầu liệt truyện” viết rằng: “Ngựa tốt mà chần chừ không tiến về trước thì sẽ không tốt bằng ngựa xấu mà tiến lên đều đặn”. Câu này là lời Khoái Thông khuyên Hàn Tín. Hàn Tín là vị tướng tài ba quyết đoán trên chốn sa trường, nhưng về việc trị quốc thời loạn thì ông lại không có tài năng, và thường bị tình cảm chi phối. Sử ký chép rằng số phận của quân Hán hay quân Sở đều nằm trong tay Hàn Tín. Hàn Tín ngả về ai thì bên đó thắng. Hàn Tín khi còn dưới trướng Hạng Vũ thì không được dùng, đến khi gặp Lưu Bang thì một bước làm đại tướng quân. Nhưng Hàn Tín công cao vượt Lưu Bang, Lưu Bang không có gì ban tặng được, Khoái Thông từ khi đó đã biết rằng Lưu Bang tất làm hại Hàn Tín, khuyên là Hàn Tín đứng một mình, khiến thiên hạ chia ba, hình thành ba quốc gia. Hàn Tín vì tình cảm với Lưu Bang mà không quyết đoán được, cuối cùng về theo Lưu Bang, dùng tài năng trên chiến trường mà khiến Sở Bá Vương Hạng Vũ thất bại. Nhưng sau này khi thiên hạ thái bình rồi thì Hàn Tín đúng là đã bị hại chết.

Đạo lý ở trước mắt, biết được tương lai có thể xảy ra nhưng lại không muốn thi hành, đây là mầm tai họa của hết thảy sự tình.

“Đương đoạn bất đoạn, phản thụ kì loạn”, nếu cần phải quyết đoán mà không quyết đoán thì sau này ắt sẽ thành mối loạn. Đây cũng là câu nói xuất hiện trong Sử ký, phần “Xuân Thân Quân liệt truyện”. Xuân Thân Quân là lệnh doãn nước Sở, là người tài năng, dũng cảm. Ông cứu được thái tử nước Sở đang làm con tin ở Tần, giúp thái tử về làm vua nước Sở, bản thân ở lại chịu chết với vua Tần. Người Tần cân nhắc nặng nhẹ mà thả ông về Sở. Về Sở, ông được làm thừa tướng, thu nạp môn khách, một tay xây dựng nước Sở mạnh hơn, mở mang bờ cõi. Tuy nhiên hối hận lớn nhất của Xuân Thân Quân chính là môn khách của ông từng khuyên ông nên phòng bị Lý Viên, vì thấy Lý Viên muốn làm phản. Xuân Thuân Quân trù trừ không nghe, cuối cùng bị người của Lý Viên giết chết.

Trong cuộc sống đời thường, nếu một người có thể nắm bắt cơ hội dứt khoát, người ấy sẽ có nhiều khả năng nếm được niềm vui của sự thành công hơn. Trái lại, nếu một người luôn chần chừ thì người ấy nhất định sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong cuộc đời, thậm chí để lại sự tiếc nuối vĩnh viễn.

Sự quyết đoán không chỉ quan trọng đối với việc giải quyết sự việc nào đó, mà càng quan trọng hơn đối với việc tu tâm dưỡng tính của con người. Nếu như biết rõ là sai mà không sửa, biết rõ là ác mà vẫn làm, thì đó chính là biểu hiện chân thực của phẩm cách thấp kém. Nếu một người nhìn thấy những thứ xấu của chính mình và nỗ lực khắc phục ngay lập tức thì người đó chính là đã có trách nhiệm đối với việc bản thân. Tả truyện viết: “Ai là người không phạm phải lỗi lầm? Biết sai mà sửa thì đã là rất thiện lương rồi.” Người như vậy nhất định sẽ có thể trở thành một người cao thượng.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: