Một người có tấm lòng rộng lớn thì tự nhiên sẽ giống như sông biển, không so đo nước trong nước đục với ao hồ. Một người có trí tuệ cao xa thì tự nhiên sẽ giống như sấm sét, không so đo âm thanh lớn nhỏ với ếch nhái. Khi một người có thể buông bỏ được những chấp niệm danh lợi được mất trong nội tâm thì họ sẽ không còn vướng bận, họ sẽ phát hiện ra bản thân trong lúc vô cầu mà thăng hoa đến cảnh giới tâm linh cao xa rộng lớn rồi. 

Trí tuệ cổ nhân: Chớ tranh danh lợi được mất với người
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong tác phẩm “Vi lô dạ thoại”, tác giả Vương Vĩnh Bân triều Thanh viết: “Bất dữ nhân tranh đắc thất, duy cầu kỷ hữu tri năng”, nghĩa là chớ tranh hơn thua được mất với người, chỉ mong bản thân khi làm việc có đủ trí tuệ và năng lực. Được mất của một sự việc, có hoặc không có danh lợi trong đời, đều là những điều ngắn ngủi nhất thời. Còn trí tuệ và năng lực lại là việc lâu dài, bất biến. Người coi trọng cái nhỏ mà bỏ qua cái lớn thì thường tranh đấu ngược xuôi, khi không được như ý thì liền sinh tâm oán hận, cuối cùng không từ thủ đoạn, đánh mất lương tri của chính mình.

Trong tập “Úc ly tử”, Lưu Bá Ôn có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau. Vào thời Chiến Quốc, một người là Hàn Viên đã đi đến nước Tề để cầu Tề Vương một chức quan. Ông ta dâng hiến lên rất nhiều kế sách nhưng Tề Vương không chọn dùng một kế sách nào, đồng thời cũng không bổ nhiệm chức vị gì cho ông ta. Hàn Viên vì thế mà sinh lòng uất hận, phẫn nộ, nói rất nhiều điều không tốt. Sau khi những lời lẽ này đến tai Tề Vương, nhà vua đã ra lệnh bắt nhốt Hàn Viên, chờ ngày xử trảm.

Điền Vô Ngô cầu kiến Tề Vương, Tề Vương đem chuyện bị Hàn Viên kể lại. Điền Vô Ngô kể cho Tề Vương hai câu chuyện:

Có một người rất giỏi thuần dưỡng voi đã đến phương bắc cầu quan. Ông ta nghĩ rằng với kỹ năng thuần dưỡng voi của mình thì sẽ được phong một chức quan nào đó, nhưng vua phương bắc không đáp ứng nguyện vọng của ông ta. Sau khi rời đi, ông ta đã ở nhà trọ mà phỉ báng vị quân vương kia. Mọi người trong nhà trọ nói với ông ta rằng: “Không phải quân vương của chúng tôi không tin lời nói của ngài, chỉ là ở chỗ chúng tôi không thể tìm thấy một con voi nào cả!” Người đàn ông nghe xong, trong lòng cảm thấy vô cùng xấu hổ liền trở về nhà.

Lại có một chuyện rằng, một vị thầy thuốc đi đến nước Ngụy cầu kiến, thấy Thái tử có thần sắc bất ổn, hơn nữa còn khó thở nên đã nói thái tử bị bệnh, nếu không nhanh chóng chữa trị thì sẽ vô phương cứu chữa. Thái tử nghe xong trong lòng vô cùng tức giận, cho rằng vị thầy thuốc kia nguyền rủa mình. Vì thế Thái tử đã cho người giết chết vị thầy thuốc kia. Sau này, Thái tử quả nhiên vì chữa bệnh chậm trễ mà chết.

Điền Vô Ngô kết luận:

Những người dựa vào tài trí của mình để cầu chức quan, nếu kết quả không được như mong muốn của bản thân thì liền sinh tâm oán hận, như vậy là không đúng. Mà những người nghe xong lời đề nghị của họ, cũng không thể nghiệm và quan sát tỉ mỉ, xem xét đúng sai, trái lại lại sinh tâm tức giận với họ, như thế cũng là không đúng.

Thần nghe nói nước sông nước biển sẽ không so sánh độ trong sạch với nước ở bờ ruộng. Sấm sét sẽ không so sánh âm thanh to nhỏ với ếch nhái. Đối với kẻ nông cạn mà lại ngoan cố như vậy, Bệ hạ thấy thực sự đáng giết sao?

Tề Vương nghe xong liền thả Hàn Viên ra, không so đo với ông ta nữa.

Kế sách của Hàn Viên không được Tề Vương tiếp thu, bản thân không được phong chức, bởi vậy mà sinh tâm oán hận, thiếu chút nữa đã đưa đến họa sát thân cho chính mình. Nếu như Hàn Viên có thể không mang tâm cầu danh lợi nhiều đến vậy, trút bỏ nỗi uất ức trong lòng, thay vào đó nỗ lực hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn, thì chính là đã thiện đãi bản thân mình, cũng không phải trải qua tù ngục không đáng có.

Nếu như Tề Vương nghe được những lời phỉ báng, không vội vàng thù hận Hàn Viên, ngược lại có thể nhìn nhận, tôi luyện chính mình, từ trong phẫn nộ mà thoát được ra, lấy tấm lòng quảng đại mà đối đãi thì sẽ thể hiện được trí tuệ và tâm thái của bậc quân vương.

Con người sống trên đời, mỗi người đều là khác biệt, đều là tạo hóa của sinh mệnh, ai cũng không thay thế được cho ai, vận mệnh của ai cũng không dễ dàng bị thao túng. Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng của mình. Hơn nữa, đời người không phải chỉ có thu hoạch mà còn cần phải có xả bỏ. Một người thu hoạch, gặt hái được nhiều công danh lợi lộc chưa hẳn đã là người hạnh phúc khoái hoạt nhất, nhưng một người có thể xả bỏ lại có thể có được hạnh phúc vô cùng. Cho nên được và mất, truy cầu và xả bỏ, chúng chỉ khác nhau ở một niệm, nhưng đưa đến kết quả hoàn toàn khác nhau.

Nếu một người có thể có được tấm lòng quảng đại thì sẽ không bởi vì nóng lòng đeo đuổi mà làm mệt mỏi thể xác và tinh thần bản thân. Họ cũng sẽ không bởi vì nóng lòng phủ định người khác mà khiến cho hai bên đều thiệt hại, lại càng không nóng lòng dùng mưu kế bất chính mà khiến bản thân mất đi lương tri. Đó là cách sống, là cảnh giới tinh thần mà những người cầu Đạo, người coi trọng đức thời xưa luôn theo đuổi.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: