Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Năm mươi tuổi ta biết mệnh Trời”, cũng nói “Không biết mệnh thì chẳng thể làm người quân tử”. Học trò Tử Hạ của ông thì nói: “Sống chết có mệnh, phú quý do Trời”. Tam giáo thời xưa đều công nhận khái niệm về vận mệnh, cho rằng cuộc đời con người có nhiều thứ đã được đặt định từ trước rồi, không phải sức người có thể lay chuyển được. Bởi vậy trong các sách cổ đều có ghi chép rất nhiều trường hợp xem tướng mệnh hết sức chính xác. Trong cuốn “Tống nhân dật sự hối biên” có ghi chép lại trường hợp của Trạng nguyên thời Bắc Tống, Tiêu Đạo.

Trí tuệ cổ nhân: Làm quan cần có tướng mệnh
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Tiêu Đạo là trạng nguyên khoa Ất Sửu năm Nguyên Phong thứ tám thời Tống Thần Tông. Ông là người vô cùng chăm chỉ học tập, tinh thông kinh sử bách gia.

Lúc ấy, ở Tô Châu có một người mù giỏi sờ xương và nghe giọng nói để dự đoán cát hung, vận mệnh của một người. Người ta đặt cho ông biệt danh là ‘Thảo yêu đới”.

Một ngày vào tháng 5 năm Nguyên Phong thứ tám, Cung Trình, một vị quan huyện đã nghỉ hưu, mời người mù đến xem bói tại nhà mình ở Thiệu Vũ. Lúc đó, có người báo kết quả thi tình cờ đi ngang qua cửa. Cung Trình vội vàng tới gần hỏi xem người đứng đầu danh sách là ai. Người đó trả lời: “Là Tiêu Đạo!” Cung Trình trở vào trong và nói với người mù kia.

Người mù liền nói: “Đáng tiếc! Rất đáng tiếc! Phúc tướng quá mỏng!”

Cung Trình cảm thấy kỳ lạ liền hỏi: “Ông biết cốt tướng của anh ta sao?”

Người mù đáp: “Rất quen thuộc!”

Cung Trình lại hỏi: “Vận làm quan của anh ta sau này thế nào?”

Người mù kia nói: “Căn bản hưởng thụ không được bổng lộc, còn hỏi vận làm quan gì chứ?”

Mọi người có mặt đều cho rằng Tiêu Đạo là trạng nguyên rồi sao lại không hưởng thụ được bổng lộc, người mù này chỉ nói nhảm thôi.

Tuy nhiên hơn mười ngày sau, người từ kinh thành tới nói rằng: “Sau khi yết bảng được sáu ngày thì Tiêu Đạo bị chết!”

Số là Tiêu Đạo đỗ trạng nguyên trở về quê hương, mọi người già trẻ đã đứng ở bên đường chờ đợi từ rất lâu, chào đón Tiêu Đạo bằng tiếng pháo, tiếng cồng chiêng và tiếng trống, còn có cổng ngũ sắc sặc sỡ. Nhưng Tiêu Đạo sau khi về nhà được sáu ngày thì bị mắc bệnh nặng mà qua đời. Triều đình biết tin Tiêu Đạo đột ngột qua đời đã đặc biệt cấp cho gia đình 20 vạn tiền để làm phí mai táng cho Tiêu Đạo.

Phép xem thuật số thời xưa giảng rằng một người có mệnh làm quan thì phải có hai điều kiện, thứ nhất là thân phải vượng, thứ hai là phải có quan tinh trong bát tự. Nếu phần “thân” mà yếu nhược, có làm quan thì cũng uổng phí công sức. Điều này chính là ứng với Tiêu Đạo.

Thân vượng là gì? Dùng bát tự luận mệnh là lấy thiên can của ngày sinh đại biểu, cũng gọi là Nhật can, Nhật chủ, Nhật nguyên, đây chính là “thân”. Thân vượng chính là chỉ ngũ hành của thiên can của ngày sinh, ở trong bát tự thuộc vượng, ví như địa chi có căn hoặc thiên can có ngũ hành khác tương trợ. Còn quan tinh, trong bát tự luận mệnh lấy ngũ hành khắc nhật chủ là quan tinh. Trong mệnh có quan tinh nhưng quan tinh này cũng không thể quá yếu, cũng cần địa chi có căn hoặc thiên can có ngũ hành khác tương trợ, khiến cho sức mạnh của quan tinh và sức mạnh của nhật nguyên trung hòa với nhau, như vậy mệnh mới có thể làm quan.

Sức mạnh của nhật chủ kém sức mạnh của quan tinh quá nhiều, sức mạnh của quan tinh lớn hơn sức mạnh của nhật chủ quá nhiều, đây chính là “thân yếu nhược”, nếu như lại không có ngũ hành khác hóa giải thì mệnh sẽ không thể làm quan. Cho dù trong cuộc đời gặp được cơ hội làm quan thì cuối cùng vẫn là uổng công vô ích, không thể mong quan vị, thậm chí có thể mang đến tai họa. Bởi vì tự thân quá yếu, quan tinh lại quá mạnh, sẽ không chịu nổi áp lực của quan tinh, ngược lại sẽ bị quan tinh trấn áp.

Trọng thần Tăng Quốc Phiên thời nhà Thanh viết: “Phàm là việc lớn làm thành thì nhân tố mưu lược của con người chỉ chiếm một nửa, nhân tố Thiên ý chiếm một nửa còn lại. Xưa nay, chiến tranh lớn, sự nghiệp lớn thì mưu lược của con người chỉ chiếm ba phần, Thiên ý chiếm bảy phần”.

Vạn Dân Anh, học giả triều Minh, đã chỉ ra rằng: “Cao nhân thời cổ đại đã lấy Thái Ất Số để suy đoán cát hung của Trời, lấy Lục Nhâm để suy đoán cát hung của việc người, lấy Kỳ Môn để suy đoán cát hung của địa phương, lấy ngày tháng năm sinh để suy đoán cát hung đời người”. Thái Ất, Lục Nhâm, Kỳ Môn được xưng là “Tam thức”, là ba thuật lớn trong thuật số cổ đại. Thái Ất lấy trời làm chủ, dự đoán việc quốc gia. Kỳ Môn lấy đất làm chủ, dự đoán việc địa phương. Lục Nhâm lấy con người làm chủ, dự đoán việc của con người.

Ghi chép trong nhiều sách cổ cho thấy tướng mệnh thật sự tồn tại, đến thời hiện đại vẫn có rất nhiều người tin, vì nó thật sự có thể linh nghiệm. Tuy nhiên ngày nay hình thức xem tướng mệnh cũng biến đổi, cộng thêm thói đời trượt dốc, khó phân thật giả, nên tướng mệnh nhiều khi bị coi là mê tín. Dù vậy, sự tồn tại của loại thuật số này sẽ không bởi vì con người hiện đại phủ nhận mà biến mất trong dòng chảy lịch sử.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Cổ Dung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: