Cổ ngữ có câu: “Thành sự tại cần, mưu sự kị lười”, một người muốn đạt được thành tựu trong đời thì phải siêng năng cần mẫn, không được bê trễ lười biếng. Trong lịch sử, rất nhiều nhân tài trác tuyệt đều là người vô cùng chăm chỉ, chịu được khổ, nhẫn chịu được sự cô quạnh tịch mịch.

Trí tuệ cổ nhân: Thành sự tại cần, mưu sự kị lười
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Tư Mã Quang là thừa tướng nổi tiếng thời Bắc Tống, là tác giả của bộ sách sử nổi tiếng “Tư trị thông giám”. Ông được đánh giá là một trong những vị quan văn, võ tướng tài năng và tận trung nhất qua các triều đại. Mặc dù có học vấn uyên bác như vậy nhưng Tư Mã Quang lại không phải người thông minh thiên bẩm. Những thành tựu mà ông đạt được đều nhờ vào sự chăm chỉ, khổ công học tập trong suốt cuộc đời mình.

Thời niên thiếu, Tư Mã Quang có trí nhớ kém, khả năng ghi nhớ của ông kém nhất nhà, lại dễ quên. Lúc nhỏ, khi cùng học chung với anh và em trai, Tư Mã Quang luôn là người thuộc bài sau cùng. Thời cổ đại, người học rất chú trọng đọc thuộc lòng, trong quá trình đọc người học sẽ lý giải được nội dung một cách sâu sắc và lĩnh hội được hàm ý cao thâm hơn. Gia đình Tư Mã Quang có mời thầy giáo đến giảng bài cho ba anh em, thầy giáo luôn yêu cầu họ học thuộc lòng. Anh và em trai Tư Mã Quang chỉ cần đọc vài lần là có thể thuộc nhưng riêng Tư Mã Quang cần đọc hơn mười lần mới thuộc được.

Tư Mã Quang cảm thấy sức nhớ của mình kém xa anh và em trai nên liền nghĩ ra một cách để khắc phục nhược điểm đó. Mỗi khi thầy giáo giảng bài, anh và em trai của ông đều cố gắng đọc và nhớ thật nhanh, xong liền để sách vở đó đi chơi. Chỉ có Tư Mã Quang là không chịu đi chơi mà đóng cửa sổ lại, tập trung sức chú ý của bản thân rồi đọc to. Ông đọc đi đọc lại, đọc cho đến khi thuộc, gấp sách lại có thể đọc một cách trôi chảy không sai chữ nào thì mới chịu nghỉ.

Tư Mã Quang từ lúc nhỏ cho đến lúc già, luôn kiên trì học tập, không lười nhác, sau khi làm quan lại càng khắc khổ học tập hơn nữa. Nơi ông ở, ngoài sách vở và giường nằm ra, không còn thứ gì đáng giá khác. Giường nằm của ông cũng rất đơn giản, chỉ là một tấm ván gỗ, một tấm chăn thô và một chiếc gối tròn làm bằng gỗ. Sở dĩ ông dùng gối gỗ tròn là bởi ông biết rằng khi đọc sách một lúc lâu thì sẽ cảm thấy mệt mỏi và sẽ dễ dàng muốn nằm xuống giường nghỉ ngơi. Cho nên ông đã dùng gối gỗ tròn để gối đầu. Gối gỗ tròn đặt trên tấm ván rất dễ bị lăn, chỉ sơ ý một chút là lăn, đầu sẽ đập xuống tấm ván, như vậy sẽ tỉnh giấc và bò dậy đọc sách tiếp. Tư Mã Quang đặt tên cho chiếc gối này là “cảnh chẩm” (Gối cảnh tỉnh).

Tư Mã Quang muốn thông qua “cảnh chẩm” mà nhắc nhở bản thân không được lười biếng, phải dốc lòng cần mẫn, đốc thúc bản thân chăm chỉ khổ học. Nhờ vậy mà cuối cùng ông trở thành một học giả vô cùng nổi danh.

Một vị danh tướng đời Tống khác là Vương An Thạch từ nhỏ cũng đã ham mê học tập không biết mệt mỏi. Cho dù là lúc ăn cơm hay nghỉ ngơi, trên tay ông không rời quyển sách. Phạm vi học tập của Vương An Thạch cũng rất rộng, kinh thư Nho gia, sách sử cổ đại, các sáng tác triết học, tiểu thuyết, thơ ca, thậm chí cả các loại sách về y học ông cũng đều đọc để tiếp thụ tri thức trong đó. Không chỉ là học tập tri thức trên sách vở, ngay cả cách nông phu làm ruộng như thế nào, con gái phụ nữ thêu thùa ra sao, ông cũng tìm hiểu.

Năm 22 tuổi, Vương An Thạch thi đỗ tiến sĩ, làm phán quan ở Dương Châu. Ở sở trị, chỉ cần không phải xử lý việc công, ông lại vùi đầu vào học tập. Vương An Thạch thường quên ăn quên ngủ đọc sách. Có những hôm mải đọc đến lúc rạng sáng ông mới ngủ một hai tiếng sau đó vội vàng dậy ăn uống và vào phủ làm việc. Chính vì vậy mọi người thường nhìn thấy ông trong bộ dạng đầu tóc, y quan không được chỉnh tề.

Lúc ấy đảm nhiệm tri phủ Dương Châu là Hàn Kỳ. Hàn Kỳ nghĩ rằng ban đêm Vương An Thạch đã làm việc không đàng hoàng nên mới có bộ dạng đó, nên đã nhiều lần khuyên bảo để ông trân trọng và yêu thương bản thân, đừng đi lạc đường. Vương An Thạch mỗi lần nghe xong chỉ cảm ơn sự dạy dỗ của tri phủ mà không biện bạch gì thêm. 

Về sau, một lần Hàn Kỳ có công vụ khẩn nên đêm khuya rồi vẫn đến phủ tìm Vương An Thạch. Lúc này Hàn Kỳ mới biết được Vương An Thạch suốt đêm đều đọc sách. Từ đó về sau, Hàn Kỳ càng thêm phần kính phục Vương An Thạch.

Suốt mấy chục năm, ngày nào cũng như ngày nào, Vương An Thạch đều đọc rất nhiều sách, nghiên cứu rất nhiều kinh thư điển tịch, nhờ vậy nhãn giới của ông trở nên rộng lớn, học thức trở nên uyên bác, được sử sách lưu danh.

Trong cuộc đời, bất luận là ai, khuyết điểm của họ đều có cách khắc phục được, và bất luận là ai muốn thành tựu được sự nghiệp to lớn, đều cần trải qua nỗ lực cố gắng. Chỉ những người có tinh thần cao độ, thêm vào đó là sự cần mẫn chịu khó không ngại khổ, tự giác, tự ước thúc bản thân mới có thể thành công.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: