“Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu…”, lời hát quen thuộc xưa kia cho thấy sự nổi tiếng của dầu cù là Mac Phsu, nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc dầu cù là này có liên quan đến một vị Hoàng tử Miến Điện lưu vong ở Sài Gòn.

Miến Điện dưới thời thuộc Anh

Thời kỳ vua Pangan trị vì, Miến Điện bước vào cuộc chiến vệ quốc trước sự xâm lược của Anh. Kết quả Miến Điện phải nhường lại toàn bộ vùng Hạ Miến cho Anh vào năm 1852, trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục với nhiều khó khăn bất lợi cho Miến Điện.

Vùng Hạ Miến vốn là nơi cung cấp lương thực và mang đến nguồn thu dồi dào từ các thương cảng. Việc phải nhượng cho Anh vùng Hạ Miến khiến Miến Điện ngày càng suy yếu. Cuộc sống khó khăn khiến dân chúng các nơi di cư đến Hạ Miến thuộc Anh, làm Miến Điện mất đi nguồn lao động và nguồn thu thuế.

Em trai của vua Pangan là Mindon làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngay từ đầu đã không đồng ý với việc chiến tranh với người Anh. Ông đề xuất cần có sự đàm phán với người Anh để có lợi cho đôi bên. Em trai của Mindon là Kanaung Mintha cũng ủng hộ kế sách này.

Cuối năm 1852, Mindon cùng em là Kanaung lật đổ anh trai mình là vua Pangan. Đầu năm 1853, Mindon lên ngôi Vua. Ông mong muốn canh tân đất nước, ngăn sự bành trướng của người Anh. Kanaung được làm Thái tử và sẽ kế nghiệm ngôi Vua sau này.

dầu cù là Mac Phsu
Vua Mingdon. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ lịch sử Myanmar, Wikipedia, Public Domain)

Vua Mindon đã thỏa hiệp ngừng bắn được với người Anh, nhờ đó mà tập trung lực lượng đánh bại cuộc xâm lăng của quân Xiêm (Thái Lan ngày nay). Mindon tập trung giúp Miến Điến ổn định và phát triển.

Trong khi đó, Thái tử Kanaung phụ trách quân đội, có quan hệ tốt với các nước phương Tây, cho nhập nhiều vũ khí nhằm hiện đại hóa quân đội. Thái tử Kanaung cũng cho người đi học ở phương Tây nhằm canh tân đất nước.

Hoàng tử Myingun cướp ngôi Vua

Trong khi Miến Điện đang ổn định phát triển thì năm 1866 xuất hiện biến cố lớn ở Kinh thành. Hai con trai của Vua Mindon là Hoàng tử Myingun và Hoàng tử Myingundaing thực hiện cuộc đảo chính nhằm cướp ngôi. Chính sử không nói rõ lý do, nhưng nguyên nhân có lẽ là vì Mindon đã lập em trai Kanaung làm Thái tử thay vì lập con. Điều này khiến các hoàng tử không bằng lòng và tìm cách cướp ngôi.

dầu cù là Mac Phsu
Hoàng tử Myingun. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ lịch sử Myanmar, Wikipedia, Public Domain)

Hoàng tử Myingun cho rằng Thái tử Kanaung là kẻ áp bức nên làm cuộc binh biến và sát hại được Knaung. Vua Mindon thoát chết và đưa quân đến dập tắt cuộc đảo chính.

Cướp ngôi bất thành, hai anh em Myingun và Myingundaing đưa mẹ chạy đến vùng thuộc địa của Anh để trốn tránh. Nhưng sau đó người Anh muốn có hòa khí với Triều đình và dân Miến đã nên không muốn Myingun sống ở vùng đất của mình.

Đến Sài Gòn

Myingun phải sống lưu vong qua nhiều nơi. Sau 20 năm phiêu bạt, đến năm 1886 (có nguồn nói là năm 1889) thì ông đến Sài Gòn là thuộc địa cùa Pháp.

Tại Sài Gòn, Hoàng tử Myingun vẫn liên lạc với các nhóm người Miến, lãnh đạo các nhóm này chống lại quân Anh. Thời điểm này ông bí mật 2 lần về Miến Điện nhằm giám sát các cuộc chiến chống lại người Anh.

Người Pháp cho Myingun cùng gia đình ông ở Sài Gòn, dự định đến một lúc nào đó sẽ lợi dụng ông. “Niên giám Đông Dương” qua các năm cho thấy Hoàng tử Myingun sống ở các nơi khác nhau chứ không phải chỉ một chỗ.

Myingun Min có 3 vợ trong đó có một người là người Việt. Ông mất vào năm 1921 để lại gia đình và con cháu.

Dầu cù là Mac Phsu

Hoàng tử Myingun có cô con gái là Mac Phsu lấy chồng là Thong Ong Zan rồi sống ở Phnom Penh (Campuchia). Theo lời kể lại của hậu duệ sau này, thì một lần bà Mac Phsu đi ngang qua một ngôi chùa, có bà thầy bói ngồi dưới gốc cây cổ thụ đã ngoắc tay gọi bà Mac Phsu đến và nói rằng: “Sau này tên của bà sẽ được nổi tiếng khắp nơi”.

Chồng bà là ông Thong Ong Zan học được công thức làm dầu cao chữa bệnh từ hoàng gia Miến Điện của nhà vợ. Ông sang Singapore và gặp một người Singapore lai Miến Điện, hai người cùng học được kỹ thuật nấu dầu của một bác sĩ người Anh là Basythin. Hai người sau khi học xong thì đều hành nghề. Người Singapore đặt tên dầu của mình là Tiger Balm. Người Việt quen gọi là “dầu cù là Con Cọp Vàng”, lấy màu nâu đỏ làm màu đặc trưng

Ông Thong Ong Zan về Phnom Penh cùng vợ lập hãng dầu mang tên vợ là hãng dầu Cù Là Mac Phsu, dùng bí quyết làm dầu chủ yếu là từ nhà vợ và bổ sung cách nấu dầu của vị bác sĩ người Anh. Tên “Cù Là” là tện gọi xưa của Miến Điện, nay thường gọi theo tiếng Anh là Myanmar.

Gia đình giữ bí mật kỹ thuật làm dầu Cù Là. Ông Thong Ong Zan ra quy tắc chỉ truyền cho con gái chứ không truyền cho con trai, vì con trai khó giữ bí mật với vợ, vì thế mà trong 6 người con thì chỉ có 2 cô con gái được truyền nghề làm dầu Cù Là.

Khi gia đình chuyển đến Sài Gòn sinh sống, hai con gái là bà Ong Zanno và bà Phonlouvemak giúp cha mẹ làm dầu, hãng dầu vẫn tiếp tục hoạt động và ngày càng phát triển dù phải cạnh tranh với dầu Tiger Balm màu đỏ và dầu Nhị Thiên Đường.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: