Tổng đại lý của hãng dầu Cù Là Mac Phsu nằm ở đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 1), gần nhà thờ Huyện Sĩ. Để hãng dầu phát triển, bà Mac Phsu đã quảng cáo sản phẩm của mình khắp miền nam với tên gọi dầu cù, dầu Gió hay dầu Bạc Hà chữa được “tứ thời cảm mạo”.

Dầu Cù Là
Biển quảng cáo dầu Mac Phsu ở chợ An Đông, Chợ Lớn, năm 1967 (Ảnh: Donald Jellema Collection, Vietnam Center and Archive, Manhhai, Flickr)
Từ Hoàng tử lưu vong đến hãng dầu Cù Là nổi tiếng Đông Dương (P2)
Quảng cáo dầu cù là Mac Phsu trên sông Sài Gòn, năm 1966-1968. (Ảnh: Daniel P. Cotts, Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Nổi danh khắp Đông Dương

Hãng dầu Mac Phsu nhờ có chất lượng nên phát triển khắp Đông Dương, gia đình bà Mac Phsu cũng trở nên giàu có ở Sài Gòn. Dầu Mac Phsu thân quen với dân chúng đến nỗi trẻ em miền Nam thời ấy hay hát câu: “Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu…” trong trò chơi.

Thời đó, để dầu có mùi thơm, người ta thường dùng salisylate làm dầu nóng nhưng chất này khá độc nên chỉ có thể xoa ngoài da chứ không thể ngậm hay nuốt vào. Tuy nhiên dầu cù là Mac Phsu không dùng salisylate mà dùng tá dược bí mật nên có thể xức vào răng khi đau hay uống để chữa bệnh đau bụng. Đó là điểm đặc biệt của dầu Mac Phsu ở Đông Dương. Do vậy dù tá dược được ghi trên chai, nhưng công thức bí mật khiến không có sản phẩm nhái và giả trên thị trường.

Những năm 1940, hãng dầu Cù Là Mac Phsu liên tục lập thêm các xưởng sản xuất mới ở Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng mà không hề có đối thủ cạnh tranh, dù thời đấy có nhiều loại dầu cao trên thị trường.

Khi bà Mac Phsu cùng chồng già yếu thì việc vận hành hãng dầu trao cho hai cô con gái. Một người con là bà Ong Zanno lấy chồng người Việt rồi sinh được 5 người con gái nhưng chỉ truyền nghề lại cho 2 con là Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng.

Những năm 1960 dầu Cù Là Mac Phsu phát triển đỉnh điểm, số lượng làm ra không đủ để bán. Các xưởng phải làm đến 9 giờ tối, mỗi ngày cho ra gần 10.000 chai dầu.

Gian nan khôi phục lại dầu Cù Là xưa

Sau biến cố năm 1975, hãng dầu Cù Là Mac Phsu phải ngừng hoạt động, đến năm 1979 thì chính thức đóng cửa.

Năm 1993, hai chị em bà Nga và bà Phụng muốn khôi phục lại dầu Cù Là xưa, nhưng do điều kiện khó khăn thiếu thốn nên phải hợp tác cùng một công ty Đông y ở Gò Vấp, đặt tên cho sản phẩm là “Sư tử cá”, nhưng chỉ được 5 năm thì phải ngừng hoạt động.

Đến năm 2010 khi hai chị em đã nghỉ hưu, có thời gian hơn nên quyết định khôi phục lại dầu Cù Là. Hai chị em thế chấp căn nhà duy nhất vay tiền ngân hang nhằm phát triển sản phẩm.

Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 6/2014, mẻ dầu đầu tiên được tái sinh và đươc đặt tên là “Cao xoa Con Công”. Sở dĩ lấy tên này bởi vì Công được xem là biểu tượng của đất nước Miến Điện. Cao xoa Con Công có màu xanh lá tươi mát, chất lượng cao nên được thị trường đón nhận.

Cao xoa Con Công phát triển nhưng gặp khó khăn khi cần tìm nhà phân phối để đưa được sản phẩm ra thị trường. Hậu duệ của Hoàng tử Myingun hầu hết đầu thành đạt, trở thành kỹ sư, bác sĩ và đều sống ở nước ngoài, chỉ có chị em Kim Nga, Kim Phụng cùng hai em gái nữa là sống ở Việt Nam. Hai chị em bà Nga và bà Phụng ở tuổi 70 lại không lập gia đình nên không có ai giúp phát triển mặt hàng Cao xoa Con Công. Bí quyết làm dầu Cù Là Mac Phsu có nguy cơ thất truyền.

Dầu Cù Là Nguyễn An Ninh

Còn một câu chuyện nữa về “anh em” của dầu Cù Là Mac Phsu. Đó là trong những năm cuối đời ở Sài Gòn, Hoàng tử Myingun bị người Pháp lấy lại nhà và cắt trợ cấp, phải đến sống nương nhờ ở khách sạn Chiêu Nam Lầu do chí sĩ yêu nước Nguyễn An Khương chiêu hiền đãi sĩ. Người quản lý ở đây là bà Xuyến.

Năm 1921, thấy mình sức đã yếu và khó qua khỏi, Hoàng tử đã tạ ơn bà Xuyến cưu mang mình bằng cách tặng cho bà toa thuốc dầu cao của hoàng gia Miến Điện. Đây cũng chính là bài thuốc mà Hoàng tử đã truyền lại cho con gái là bà Mac Phsu.

Sau 10 năm, bà Xuyến trao lại bài thuốc này cho thầy thuốc Nguyễn An Cư, anh trai của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Ông Cư làm dầu Cù Là hiệu Sư tử cho ông Ninh đi bán. Việc ông Ninh bán dầu là để che mắt người Pháp.

Hiệu quả trị liệu hiệu nghiệm khiến dầu của ông Ninh rất đắt hàng, ông đem bán khắp lục tỉnh. Ở Hóc Môn – Bà Điểm có bài thơ rằng:

Cù là hay lắm mấy ông ơi
Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi
Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy
Uống vào trong bụng, huyết tim dôi…

Về chuyện bán dầu của ông Nguyễn Văn Ninh, trong cuốn “Hội kín Nguyễn An Ninh” có mô tả rằng:

Ngày nay có một con đường nhỏ dài 100 mét mang tên Nguyễn An Ninh ở chợ Bến Thành (Sài Gòn), chính nơi đây xưa kia ông Ninh đã lập gian hàng bán Dầu Cù trong những ngày cận tết.

Ông lập làm gian hàng vốn số tiền 10 đồng rồi gắn biển hiệu “Năm nay còn ăn tết được” trong thời điểm người dân còn nghèo xơ xác không sắm tết được nhiều.

Ông Ninh và người bạn rao bán dầu, nhờ có tiếng nên người dân đổ xô đến mua, chỉ trong buổi sáng toàn bộ 500 lọ dầu đã được bán hết.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: