Tuệ luận: thầy-trò (P1) – Lê Hữu Khóa
- Lê Hữu Khóa
- •
Thầy-trò, là ngữ pháp mà tôi chọn để hiểu hai «ẩn số nhân kiếp» trong quan hệ giáo dục của một «phương trình nhân nghĩa» đầy nhân tri, vì dầy nhân trí, mà giờ đây đã vượt lên hơn quan hệ bình thường của hai cá thể riêng biệt thầy và trò, của hai người đại diện cho hai thế hệ và hai vị thế khác nhau trong xã hội. Trong thầy nên hiểu là có cô, trong trò nên hiểu là có học sinh, nhất là sinh viên đi một đoạn đường dài trong đại học, trong trường đời khi nhận ra: gặp được một người thầy là gặp được một cơ duyên. Mà trò đã nhận thức đây chính là: cơ may, mà chỉ cần trò hiểu được cường độ và trình độ của một lần sơ ngộ này, để biến nó thành tương ngộ, nơi mà trò ý thức được giá trị thiêng liêng của hàm số hạnh ngộ, biết vận dụng sự thông minh của chính mình để biến tao ngộ phải là tái ngộ!
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy: ơn hay ân?
Câu chuyện cơ duyên bắt đầu nơi mà câu ca dao: «Nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây», được trò sung sướng đổi lại là «nhờ trường mình biết quê thầy là đây»; vì cơ may có trong «một ngày nên nghĩa, một chữ nên thầy», được trò vui sướng đổi lại là: «một ngày nên trí, một chữ nên tri». Đây là cơ hội để trò hiểu ra phương trình thành người: thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hội. Chính là sự thăng hoa cho nhân kiếp, từ đó thấu chiều cao của giáo lý: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Mà công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nếu ngẫm cho kỹ có thể viết là: công cha-nghĩa mẹ-ơn thầy, như sự liên kết làm nên liên minh đẹp nhất của một đời người, đã đưa đứa nhỏ từ mẫu giáo qua mọi chặn đường của học tập, giờ đã thành người, tức là thành nhân trong giáo lý hay, đẹp, tốt, lành của nhân phẩm! Vì biết ơn cõng ân để ân bồng bế, chăm sóc, nâng niu ơn, vì nếu thấy được là thầy đã thực sự thay thế cha mẹ, đã lấy chính tâm huyết của thầy để lập nên công trình cho trò, giờ đây đã là công ơn.
Thầy biết làm một số chuyện mà cha mẹ không làm được, là khi trò rời giáo dục gia đình để tiếp nhận giáo dục học đường qua thầy cô; vì thầy song hành cùng trò tận dụng giáo dục học đường để tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cho trò thành công trong giáo dục xã hội. Vì giáo dục nhân tính cần cả ba: giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội; và tính liên tục làm nên tính liên kết của ba giai đoạn giáo dục, đó là nền của giáo dục nhân tính, mà kết quả cuối một đời người là trò đã nhận ra đây chính là giáo dục nhân phẩm. Trong quá trình của ba giai đoạn giáo dục thì thầy luôn vừa là cầu nối, lại vừa là chỗ dựa từ nhân tri tới nhân trí, từ nhân lý tới nhân vị, đây là tâm giao của mọi tâm giao! Vì đây là thâm giao của mọi thâm giao!
Chữ ơn thầy có nội lực, có sung lực, có hùng lực cõng, bồng, bế, nâng cả chữ công cha, lẫn nghĩa mẹ, vì «không thầy đố mày làm nên». Và giáo lý «không thầy đố mày làm nên» vẫn là giáo lý một chiều, vì còn có một chiều khác là «không thầy (thì) học bạn», nhưng học bạn và học thầy rất khác nhau, khác nhau từ cách tiếp nhận kiến thức tới cách xếp đặt tri thức, trong đó sự trải nghiệm của thầy bằng nhận thức qua kinh nghiệm của tri thức đã được cấu trúc hóa như kinh nghiệm trí thức, mà bạn bè khó trao cho nhau được, vì thầy đã trao cho trò một loại kinh nghiệm của ý thức của kẻ đi trước đã thành người.
Trong thói quen của ngôn ngữ Việt, ta có thể gọi tất cả các giáo viên, giảng viên, giáo sư là thầy, nhưng đúng nghĩa của kẻ được làm thầy là một chuyện vô cùng lạ của môi trường học đường, của không gian giáo dục, vì học đường có nhiều mức độ làm nên trình độ trao truyền từ người giảng dạy tới kẻ học tập. Một người giảng cho học trò các kỹ thuật sử dụng máy vi tính, có thể chỉ là một kỹ thuật viên. Một người giảng cho học trò các phương cách cộng, trừ, nhân, chia, có thể chỉ là một giáo viên. Một người giảng cho sinh viên các phương pháp phân tích và giải thích một sự kiện hay một sự cố, có thể chỉ là một giảng viên. Thậm chí một người giảng cho học trò không những phân tích và giải thích một sự kiện hay một sự cố, lại còn đi sâu vào đạo lý hay, đẹp, tốt, lành để trò hiểu thấu luân lý có trong bổn phận, có trong trách nhiệm của kẻ đi học, sau này sẽ thành công dân, người giảng dạy có thể chỉ là một giáo sư. Tất cả các người giảng như kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư cũng có thể không được gọi để được xem là: thầy, vì đúng nghĩa kẻ làm thầy là: thầy biết biến trò trở thành thầy như thầy!
Câu chuyện thầy biết biến trò trở thành thầy như thầy! Theo nghĩa là thầy giúp cho trò thành công, thầy còn giúp trò thăng hoa thật cao trên thành công đó, trong nhiều lĩnh vực chớ không phải chỉ thu gọn lại trong lĩnh vực giáo dục. Vì khi rời mái trường rồi vẫn có thể gặp lại thầy, vẫn có thể hỏi ý kiến của thầy khi trò gặp khó khăn, rơi vào ngõ cụt, thậm chí sau nhiều năm đã rời trường, với tuổi đời đã lớn, nhưng vẫn xin gặp thầy để được tham vấn, để có lối ra trước bao thử thách, trước các thăng trầm của đời người. Có khi thầy kề cận trò cả đời của thầy, dù tuổi đời của thầy ngày càng cao, mà tuổi cao là tuổi trọng đối với người mà ta đã gọi là: thầy! Ta cần thầy như cần một giá trị thiêng liêng, nhưng rất hữu hình, thầy có mặt khi ta cần thầy, thầy cùng ta song hành qua các gian nguy của nhân thế, qua các hiểm nạn nhân sinh, các thất bại lẫn thành công giữa nhân quần. Thầy đã mở đường, nên thầy sẽ tiếp tục che chở…
Nên câu chuyện của các người giảng như kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư, có thể bắt đầu bằng hình tượng của trò là kẻ đang đứng nhìn về phía chân trời như đang đứng trước mặt chính tương lai của mình, nhưng muốn tới chân trời kia thì phải vượt biển, tức là vượt đại dương qua bao sóng gió, giông bão. Khi trò lấy có nghề, biết nghệ để lập nghiệp ngay trong thăng trầm của kiếp người, thì các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư thường không có mặt, đây không phải lỗi của họ, vì họ làm việc theo hợp đồng, công việc của họ được đo bằng lương bổng. Còn thầy thì khác, thầy sẽ có mặt trong khó khăn của ta, giúp ta không những vượt thoát các thử thách, mà còn vượt thắng các thăng trầm, vì thầy vừa là chiều cao, vừa là chiều sâu của «sống lâu mới biết lòng người có nhân». Thật đậm phúc khi ta có được một người thầy song hành cùng ta, thật nhạt phúc khi ta đi ngang cuộc đời này mà không gặp một người thầy nào cả!
Tầm sư học đạo vì biết tôn sư trọng đạo
Nhưng đậm phúc hay nhạt phúc còn tùy thuộc vào trò nữa, đó là chiều dài và chiều rộng trong sự thông minh của trò đã hiểu ra vai vóc và tầm cỡ của chuyện «tầm sư học đạo», vì trên thượng nguồn của giáo dục đã biết «tôn sư trọng đạo». Đây là câu chuyện đạo lý của tri thức, biết lấy kiến thức hay, đẹp, tốt, lành để xây dựng lên ý thức học thành tài để học thành người, dựng lên không gian của nhận thức, phải có văn hay chữ tốt, mà chữ hay có gốc, rễ, cội, nguồn của nó: muốn hay thì phải tìm người xưa. Khi không gian của thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) đã định hình, thì con đường học sẽ mở: muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Khi quy trình tiên học lễ hậu học văn đã được khẳng định, thì trò sẽ vào một quy trình văn ôn võ luyện, trong học hằng ngày có luyện thường xuyên, ngữ pháp Việt rành mạch, vì trong tập luyện có tôi luyện. Trong quá trình ngày ngày tiếp cận với thầy, có bài học: muốn hay chữ phải tìm người xưa; và muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học giờ đã thành một, một của đường dài, một của nhìn xa trông rộng qua nghe lời thầy, nghe để học đúng và hiểu trúng, chớ không phải nghe một cách vô điều kiện.
Nghe lời thầy từ tổng quan tới chi tiết, vì thầy sẽ kỹ lưỡng trong học ăn học nói học gói học mở, vì văn hay chữ tốt của thầy giờ đã là của trò, mà văn và chữ nầy đã đứng hẳn về phía thanh để chống tục. Vì không gian của học là thanh thoát trong thanh tao, nó ngược chiều với cách hành xử thô tục, nó ngược dòng với cách đối xử tục tĩu, kể cả khi phải đối diện với cái tục tằn, thì liên minh của thanh thoát và thanh tao sẽ chế tác ra thanh nhã để luôn có hành tác: đố tục giảng thanh. Dù gặp một chữ, một câu, một thái độ, một hành động thấp tục tới đâu, thì trò sẽ làm theo thầy là trả lời bằng thanh để giảng thanh cho kẻ tục biết mà tự sửa rồi tự bỏ đi cái tục, để tự kiểm rồi tự nâng mình theo cái cao của cái thanh.
Tự thủa xa xôi nào nơi mà chữ nghĩa cũng quý hiếm như tiền bạc, có lời khuyên như con dao hai lưỡi: «Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy», là học chữ để thành người, những nếu học chữ để làm ra tiền, lời khuyên theo loại thực dụng chủ nghĩa này, đáng ngờ vì nó là con dao hai lưỡi, có thể vừa làm ra kết quả, vừa sinh ra hậu quả. Cái thời xưa đó có chữ để làm tiền, vì có chữ là được xem như có học, mà có học thì «không sao chết đói được», dạy học thì ra tiền, thời đó thực sự đã qua chưa? Giờ đây hình như chữ nghĩa không còn là của riêng của kẻ dạy học, mà dạy trong phản xạ «giấu nghề», thì trò sẽ không học được trọn vẹn, đầy đủ.
Celan, thi sĩ của tâm thức thi ca cận đại, người thầy của những trò muốn đi tìm sự thật tại tâm, có để lại một mô thức nói mạch lạc quan hệ gắn bó bằng tâm huyết giữa thầy và trò: «Tôi là bạn, khi tôi chính là tôi» («Je suis toi, quand je suis moi!»1). Lòng thành thật của thầy là sự thật của thầy trong quan hệ giáo lý làm nên giáo dục đặc sắc, dựng lên giáo khoa đặc thù, xây lên giáo trình đặc điểm, dựng nên giáo án đặc biệt mang cá tính, nội công, bản lĩnh, tầm vóc của thầy. Đây không phải là chuyện phô trương hiểu biết của thầy về kiến thức, mà đây là một tổng lực trong đó cá tính, nội công, bản lĩnh, tầm vóc của thầy đã thắp lên được ngọn lửa ngầm ngay trong trí lực và tâm lực của trò, mà những ngày tiếp nối sau này trong cuộc đời của trò, thì trò phải tự biết giữ lấy ngọn lửa ngầm cho trọn kiếp. Đây là quan hệ giữa người và người, mà giáo dục truyền thông qua internet khó mà thực hiện được, vì tiếng nói của thầy là lời tâm huyết trong một bối cảnh nhất định của không gian trao truyền song hành cùng với thời gian giảng dạy, mang đầy đủ nhân tính trong nhân tri, nhân đạo trong nhân trí, nhân lý trong nhân thế…2 Thầy đang đứng đó, thầy đang giảng đây, và trò nghe với chính tâm huyết của mình, mỗi lần trò rung động tới từ xúc động qua lời của thầy, tức là trò đang nhen nhúm mà tạo lực cho ngọn lửa ngầm mà trò mong được rực sáng mãi trong tâm lực, trí lực. Trong truyền thống xuất gia của Phật giáo có lễ truyền đăng (truyền đèn như truyền ánh sáng) giữa thầy và trò, như truyền cho nhau không những các tri thức cần có để làm người, mà còn truyền cho nhau tâm nguyện, có trong ý nguyện giờ đã thành ý lực là gốc của tâm lực, trí lực, làm nên vai vóc của trò, biết hành đạo vì biết hành thiện.
Diễn biến tâm lý giáo dục của trò mà chỉ có trò biết, từ nhen nhúm ngọn lửa tới lúc biến ngọn lửa bùng lên, có khi chỉ là khoảng khắc, có khi được nuôi dưỡng bao năm trường, đây có thể là một ngọn lửa lớn, cũng có thể là một ngọn lửa ngầm, tồn tại như một ẩn số của đời người, mà thi sĩ Tô Thùy Yên được vào phương trình ba sinh (quá khứ, hiện tại, vị lai): «Nhen bùn ngọn lửa chưa tàn ba sinh». Khi người xưa tin rằng lời thầy giảng, dạy, khuyên, răn có khi là khuôn vàng, thước ngọc cho cả một kiếp người, hãy vận dụng các kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục, các khảo sát của xã hội học giáo dục, các định luận vi mô của triết học chính trị giáo dục để cùng song hành với tâm lý học giáo dục mà tổng kết để giải luận về cuộc đời của kẻ đi học gặp được thầy, và những kẻ khác đi học hoài, học mãi, học liên tục mà không gặp được thầy.
Nếu một người thầy đúng nghĩa là thầy, thì người thầy sẽ thực hiện học trình đố tục giảng thanh, với hiệu quả của: không thầy đố mày làm nên, mà giáo dục truyền thông hiện đại qua internet khó mà làm hơn thầy, chỉ vì không có đầy đủ tâm huyết của một người thầy. Chính tâm huyết của thầy (là của riêng thầy) nên thầy rất khác: kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư, họ làm việc với bổn phận và trách nhiệm, nhưng họ không có tâm huyết của thầy. Các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư thường có tài năng của trí lực (nên mới được hành nghề trong hệ thống giáo dục); nhưng họ không có sung lực làm nên hùng lực của tâm lực, đây là một trong những định nghĩa thế nào là tâm huyết trong quá trình trao và truyền của thầy tới trò. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du không lầm: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Thắp sáng hệ học
(học tập, học hỏi, học vấn, học hành, học lực)
Tâm huyết của thầy dẫn trò tới một không gian khác của quá trình học tập khi có thầy rồi thì trò không học mò nữa, mà là học hỏi, tức là vừa học, vừa hỏi, hỏi cho ra chuyện, hỏi để được học tới nơi tới chốn, hỏi để thầy và trò cùng ngộ ra là: so ra mới biết ngắn dài; để cả hai (thầy và trò), cùng thăng tiến rồi thăng hoa theo học lực. Khi thầy không trả lời đầy đủ, trọn vẹn câu hỏi của trò, thì thầy phải tìm hiểu thêm, nghiên cứu thêm, tức là bản thân thầy cũng phải học hỏi thêm, để câu hỏi của trò có câu trả lời, có lối ra, có chân trời, tức là «có hậu», để cả hai, thầy và trò, tiếp tục song hành bền bỉ trên con đường học vấn.
Học lực làm nên thực chất của học hành, nó không bị một bạo quyền lãnh đạo nào có thể bày vẽ ma trận của ngu dân qua tuyên truyền để truy diệt nó, như ta đang thấy trong thảm trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, lấy độc đảng để độc tài nhưng bất tài trên mọi lãnh vực quản lý đất nước, nhất là trong giáo dục mà Việt tộc đang phải nhận lãnh một bi nạn là mái trường Việt đang ở đáy vực thẳm của phản giáo dục. Lấy mua điểm bán trường để mua bằng bán cấp, qua học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả để mua chức bán quyền, mà học vị là tờ giấy trắng (trắng tri thức vì vắng kiến thức) và học hàm là tờ giấy đen (đen vì bẩn bùn gian lận, màu đen của âm binh man trá). Cả hệ học (học tập, học hỏi, học vấn, học hành) dựng lên học lực, lấy chí bền của học chăm, trong tỉnh táo để suy ngẫm, sáng suốt để suy luận, luôn ngược lại với học gạo, học cuồng nghiệt trong vô minh, vì học mà không hiểu. Học thuộc lòng nhưng không có tấm lòng để hỏi, học mà không thấy thầy, không biết chuyện tầm sư học đạo.
Thầy đang giảng trước mắt mà nhiều trò vẫn nhìn không ra, họ cứ tưởng là thầy ngồi cùng mâm, ăn cùng chiếu với các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư… Họ tưởng ai cũng làm thầy được, ai đã dạy họ là thầy họ, họ lầm! Muốn thấy được thầy, thì trò phải «sáng dạ», «sáng lòng», muốn thấy thầy trước hết phải thấy được một tấm lòng của thầy! Tấm lòng của thầy lớn hơn điểm thi, cao hơn bằng cấp, rộng hơn học vị, xa hơn học hàm, tấm lòng này dường như ở cõi: sống lâu mới biết lòng người có nhân! Nhìn mà không thấy, thì xem như «lỡ duyên» học tập với thầy. Thí dụ điển hình là diễn biến hàng năm trong các đại học: năm đầu đại học trong giảng đường có vài trăm sinh viên, tới cử nhân chỉ còn lại một trăm, tới cao học chỉ còn lại hai ba chục, tới tiến sĩ chỉ còn lại vỏn vẹn trên dưới mười sinh viên. Nếu người thầy đúng nghĩa là: thầy, thì thầy sẽ thấy trong vài sinh viên sẽ có kẻ mà chính mình là thầy sẽ đào tạo và «biến hóa» các sinh viên này thành thầy như mình, đây là lúc mà thầy trò phải nhận diện ra nhau! Thầy thấy trò không những có trí lực, lại có tâm lực, thấu đoản kỳ của kiến thức để chế tác ra trường kỳ của tri thức cho chính mình, và chính thầy sẽ giáo dưỡng để các trò này thành trí thức theo giáo lý hay, đẹp, tốt, lành nhất!
Khi triết gia Hegel xây dựng công trình lý luận của mình là Hiện tượng học lý trí (la phénoménologie de l’esprit), triết gia này đi dần tới Hiện tượng học luật học (la phénoménologie du droit), ông luôn lấy thí dụ của chế độ nô lệ, một bên là chủ mà ngôn ngữ học Âu châu gọi là thầy (maitre), bên kia là nô lệ (esclave). Từ đây, triết gia này phân tích và giải thích mối quan hệ bóc lột của hai loại người không bao giờ cảm thông nhau ngay trong nhân kiếp của họ. Người chủ nô lệ, ngày xưa gọi là thầy (maitre) mà loại thầy này không dính líu gì tới giáo dục! Vì trong không gian giáo dục thì sự gặp gỡ giữa thầy và trò là sự hội tụ của hai nhân kiếp, nếu tâm giao rồi đắc khí, thì hai nhân kiếp này có thể chỉ là một trong chia sẻ kiến thức, trong trao đổi tri thức. Hai kẻ: một bên là thầy, bên kia là trò, nhưng sẽ đồng hội đồng thuyền, lắm lúc đồng cam cộng khổ trên đường đời, trong và ngoài học đường, làm nên một nhân sinh quan chung chia sẻ được, dựng lên thế giới quan chia sẻ được, xây lên vũ trụ quan luân lưu được; có lẽ đây là quan hệ loại đẹp nhất, cao nhất giữa người và người 3.
Nhưng thầy chỉ được danh hiệu: thầy khi do chính trò gọi là thầy, nếu thầy mà tự vỗ ngực là thầy, trong khi chính trò không công nhận mình là thầy, thì chữ thầy do chính thầy tự gọi không có nội dung, vì không có ý nghĩa, nhất là không mang một giá trị cao quý gì cả. Câu chuyện thầy-trò luôn có nội dung của quan hệ giáo dục, luôn có ý nghĩa của sinh hoạt giáo dục, luôn có giá trị của đời sống giáo dục. Chính phương trình quan hệ-sinh hoạt-đời sống được giáo lý Việt hiểu rất nghiêm minh: Nuôi con không dạy là cha có lỗi, dạy không nghiêm ấy tội của thầy, câu chuyện này có cha có lỗi và tội của thầy, mà tội thì nặng hơn lỗi, và lỗi thì ta có thể tha, được chớ tội thì thật khó tha.
Đây cũng là câu chuyện vừa hài kịch, vừa bi kịch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay trong chế độ độc đảng gây ra bao độc hại trong giáo lý. Trước hết là hài kịch của trò man trá học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, để giả học vị rồi gian trong học hàm, ung thư hóa không gian giáo dục, hoạn bịnh hóa môi trường học đường, giờ lại được học trò gọi là «thầy»! Nhưng vì học (giả) nên chưa bao giờ thực sự gặp thầy thật, được nghe thầy thật giảng, được chia sẻ từ kiến thức tới đạo lý, từ tri thức tới luân lý, từ nhận thức tới đạo đức với thầy thật, nên trọn kiếp chỉ là thầy giả (mạt giáo trong điếm nghiệp). Thầy giả thì cho tới hết nhân kiếp cũng không sao hiểu được phương trình nội dung-ý nghĩa-giá trị của chữ thầy, luôn song hành để song kiếp với quan hệ-sinh hoạt-đời sống của giáo dục thật. Bi kịch của giáo dục hiện nay của Việt Nam ngày càng tràn lan: với bạo lực học đường, với thầy cô bạo hành học trò, với học sinh bạo động với thầy cô, tất cả đều bị điếm nhục hóa khi học đường bị quan hệ man trá hóa đột nhập, với học sinh phải bán thân trong không gian giáo lý, với những tên thầy giả hãm hiếp học sinh… Với tên Bộ trưởng Bộ giáo dục câm kiến thức, ngọng tri thức, chột ý thức, què nhận thức khi ra thông lệnh «Nếu bán dâm quá bốn lần, thì sẽ bị đuổi học!» (tà nghiệp trong điếm lộ).
(Còn tiếp)
Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Chú thích:
1. Éloge du lointain , Paris, Gallimard.
2. Nhân Luận và Nhân Việt, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa)
3. Lê Hữu Khóa, Tri Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).
Xem thêm:
Từ khóa Thầy trò Lê Hữu Khóa tôn sư trọng đạo Giáo dục