Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không ít người nói rằng trong gia đình, ngoài mối quan hệ mẹ chồng con dâu là khó hòa hợp ra thì mối quan hệ giữa chị dâu em chồng cũng khó hòa hợp. Kỳ thực người xưa cũng nhìn nhận vấn đề này, và rất chú trọng giáo dục đức hạnh của người phụ nữ sao cho có thể đối đãi hòa hợp trong mối quan hệ chị dâu em chồng. Dưới đây là một số câu chuyện được ghi chép lại khiến hậu thế cảm động.

Một số câu chuyện về cách đối đãi giữa chị dâu em chồng thời xưa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Âu Dương Thị nuôi em chồng thay cha mẹ

Vào thời nhà Tống, có một người đàn ông tên là Liêu Trung Thần lấy vợ là con gái của gia đình Âu Dương. Hơn một năm sau khi Âu Dương Thị về nhà chồng thì cha mẹ chồng của cô đều qua đời vì dịch bệnh. Họ để lại cô con gái Nhuận Nương vừa mới chào đời được vài tháng và vẫn còn đang bú mẹ. Lúc đó, Âu Dương Thị cũng vừa mới sinh một cô con gái, vì vậy cô đã cho hai đứa bé cùng bú. Sau vài tháng như vậy, sữa của Âu Dương Thị không đủ cho cả hai đứa trẻ, vì vậy cô đã giao con gái ruột của mình xin nhờ một người hàng xóm nuôi nấng, còn bản thân chuyên tâm nuôi dưỡng em chồng.

Hai đứa trẻ xấp xỉ tuổi nhau dần dần lớn lên, tình thương của Âu Dương Thị dành cho em chồng còn nhiều hơn cả cho con gái ruột của mình. Con gái ruột rất không hiểu nên đã hỏi mẹ nguyên nhân vì sao. Âu Dương Thị nói: “Con là con gái của mẹ, cô của con là con gái của bà nội con, con còn có mẹ, nhưng cô của con đã không còn mẹ, mẹ đối với hai người sao có thể giống nhau được?” Nói xong, Âu Dương Thị rơi nước mắt. Con gái của Âu Dương Thị cũng hiểu được dụng tâm của mẹ nên từ đó phàm là việc gì cũng sẽ nhún nhường với cô, không tranh giành hay đố kỵ gì nữa.

Sau đó, Liêu Trung Thần đến huyện Thanh Hà làm quan. Hai bé gái cũng đã đến tuổi cập kê, các gia đình giàu có và quyền quý ở địa phương lần lượt cử bà mối đến dạm hỏi con gái của Liệu Trung Thần. Âu Dương Thị nói với bà mối: “Em chồng tôi còn chưa xuất giá, con gái tôi sao dám gả cho người ta trước được?”

Bởi vì Âu Dương Thị có cách nghĩ như vậy, cuối cùng một gia đình quyền quý đã cầu hôn em chồng cô. Âu Dương Thị chuẩn bị của hồi môn đầy đủ cho em chồng, bao gồm rất nhiều thứ, tất cả đều được đóng gói trong những chiếc hộp tinh mỹ để em chồng mang theo. Sau này, khi con gái ruột đi lấy chồng, của hồi môn mà Âu Dương Thị chuẩn bị cho con gái không bằng của Nhuận Nương.

Cả đời Âu Dương Thị đều luôn luôn đối xử tốt với em chồng. Em chồng cũng thường hay nói với mọi người rằng: “Chị dâu chính là mẹ ruột của tôi!”

Sau khi Âu Dương Thị qua đời, em chồng rất đau lòng, thậm chí đã khóc nhiều đến mức nôn cả ra máu. Cũng bởi vì quá đau lòng mà Nhuận Nương đã lâm bệnh suốt hơn một năm. Tiếng khóc thương chị dâu của Nhuận Nương khiến cho những người nghe thấy đều rơi nước mắt. Tình cảm của Nhuận Nương đối với người chị dâu Âu Dương Thị cũng thật sự khiến người ta phải vô cùng cảm động.

Văn học gia nổi tiếng triều nhà Minh, Lã Khôn đã bình luận trong cuốn “Khuê Phạm” của mình rằng: “Trên đời, có chị dâu hiền đức như Âu Dượng Thị thì em chồng cũng sẽ như Nhuận Nương”.

Trâu Anh đối tốt với chị dâu

Vào thời nhà Tống, có một người tên là Trâu Anh. Mẹ của cô là Trâu Thị, là vợ kế. Trâu Anh có một người anh là con của bà cả, lấy vợ họ Kinh. Bởi vì con trưởng không phải con ruột mình, nên Trâu Thị không thích cô con dâu họ Kinh. Vì thế bà thường xuyên gây khó dễ cho con dâu, thậm chí không cho con dâu được ăn no.

Trâu Anh không đồng ý với cách đối xử của mẹ, vì vậy cô thường bí mật đưa thức ăn của mình cho chị dâu. Nếu mẹ phạt chị dâu làm việc, Trâu Anh sẽ làm cùng với chị dâu. Khi Kinh Thị mắc lỗi, Trâu Anh luôn nhận lỗi về mình, không để mẹ trách tội chị.

Một lần, khi Trâu Thị định đánh con dâu, Trâu Anh đã quỳ trước mặt mẹ khóc và nói: “Sau này con cũng sẽ được gả làm dâu nhà khác, nếu gặp phải một người mẹ chồng như vậy thì mẹ có vui không? Sao mẹ có thể khiến bố mẹ chị dâu ngày ngày phải lo lắng cho chị ấy mà buồn rầu được chứ?” Người mẹ nghe nói vậy thì càng tức giận, muốn đánh cả Trâu Anh, Trâu Anh nói: “Con nguyện ý chịu đòn thay chị dâu. Chị dâu căn bản không có tội, xin mẹ soi xét.”

Về sau, Trâu Anh được gả cho một thư sinh. Cha mẹ chồng, chị dâu và các em chồng nghe nói cô là người hiền đức, đều vô cùng kính trọng. Cả nhà trên dưới đều sống hòa thuận với nhau.

Một hôm, Trâu Anh bế đứa con mới vài tháng tuổi trở về nhà mẹ đẻ chơi. Chị dâu đặt đứa bé lên giường, nhưng trong lúc không để ý, đứa bé bị ngã xuống đất, bị bươu trán. Mẹ cô rất tức giận, nhưng Trâu Anh đã biện giải cho chị dâu: “Là do con đang nằm nghỉ trên giường của chị dâu, không cẩn thận đã để cháu lăn xuống đất. Chị dâu không biết chuyện gì cả.”

Không ngờ, đứa trẻ sau đó đã nhanh chóng qua đời. Chị dâu của Trâu Anh vô cùng bi thương hối hận, đến mức không ăn không uống. Trâu Anh nén bi thương và nước mắt vào trong, dùng lời lẽ ân cần an ủi chị dâu.

Trâu Anh một lần lâm bệnh nặng, Kinh Thị vì cảm động và biết ơn tình nghĩa của em chồng nên đã ăn chay trong ba năm. Mẹ của Trâu Anh cũng rất xúc động khi biết con gái mình được nhà chồng tôn trọng, sau này đã chuyển tâm, trở thành một người mẹ hiền từ.

Có một người mẹ hiền đức như Trâu Anh nên các con trai của cô cũng đều xuất sắc. Trong số năm người con trai của Trâu Anh thì có tới bốn người con đỗ đạt tiến sĩ, còn Trâu Anh thì sống thọ, 93 tuổi mới qua đời.

Lã Khôn nhận xét về Trâu Anh rằng: “Người được sống lâu và sinh nhiều quý tử như vậy là do hành thiện được ông trời ban phúc báo”. Xác thực là như thế.

Trần Đường Tiền rộng lượng, cao thượng

Vào thời nhà Tống, ở huyện Lạc, Hàn Châu có một cô gái họ Vương, là người rất có tiết tháo, rộng lượng và trọng nghĩa. Khi Vương Thị 18 tuổi thì kết hôn với Trần An Tiết, người cùng quận với mình. Không may, chỉ sau kết hôn một năm thì Trần An Tiết qua đời, để lại cho Vương Thị một đứa con thơ, bố mẹ chồng già và cô em gái nhỏ.

Cảm nhận được áp lực của cuộc sống, Vương Thị nói với bố mẹ chồng trong nước mắt: “Người ta nuôi dưỡng con trai, vốn là hy vọng con có thể phụng dưỡng cha mẹ, gánh vác gia đình, bây giờ tình cảnh đã thế này, con nguyện ý giống như khi con trai của cha mẹ còn sống, chèo chống gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy em và con trai con.” Bố mẹ chồng mừng tủi nói: “Thực sự, giống như thể con trai của cha mẹ vẫn còn sống vậy!”

Sau khi chôn cất cho chồng, Vương Thị ngoài việc phụng dưỡng bố mẹ chồng ra thì còn đích thân giáo dục con trai và cô em chồng. Khi em chồng kết hôn, Vương Thị đã chuẩn bị của hồi môn đầy đủ cho em.

Khi con trai lớn hơn, Vương Thị thuê một danh Nho ở địa phương để dạy dỗ con. Khi con trai 20 tuổi, Vương Thị cho con nhập thái học để học tập, nhưng không ngờ con trai bà đột ngột qua đời ở tuổi 30. Vương Thị vẫn kiên cường đối mặt, tiếp tục nuôi dạy hai đứa cháu là Trần Cương, Trần Phất của mình. Về sau, cả hai cháu đều chuyên tâm học hành và có danh vọng.

Sau khi bố mẹ chồng qua đời, cô em chồng dù đã kết hôn vẫn yêu cầu phân chia tài sản trong gia đình mà phần lớn là do Vương Thị làm lụng vất vả kiếm được. Nhưng Vương Thị không hề tính toán hay tiếc nuối mà giao phần lớn tài sản của gia đình cho em chồng.

Chưa đầy 5 năm, toàn bộ tài sản mà em chồng có được đều bị chồng phá hết, em chồng chỉ còn cách ôm con về nhà đẻ, trong lòng tràn đầy hối hận. Đối với việc em chồng ôm con về nhà, Vương Thị vẫn rất đại lượng, mua đất xây nhà cho em, cũng giúp đỡ em nuôi nấng các cháu, coi em chồng như con ruột. Từ đầu đến cuối, bà không có bất kỳ phàn nàn nào.

Vương Thị cũng mở rộng vòng tay với những người nghèo khổ trong họ hàng thân thích, tận lực giúp đỡ họ, có khoảng 30 đến 40 người đã nhận được sự giúp đỡ của bà. Thậm chí có một người họ hàng họ Cam ở cách xa trăm dặm, vì nghèo khó mà phải bán cô con gái út của mình cho một quán rượu, khi Vương Thị biết chuyện đã bỏ tiền chuộc lại cô con út của họ Cam.

Những việc làm thiện nghĩa của Vương Thị đã khiến mọi người cảm động và kính trọng, mọi người không gọi bà bằng họ nữa mà gọi bà với tôn xưng là “Đường Tiền”. “Đường Tiền” trở thành cách trẻ con gọi mẹ ở nhà thời xưa, điều này thể hiện lòng kính trọng của người dân đối với Vương Thị.

Những việc làm của Vương Thị đã có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau này. Sau khi bà mất, con cháu đã theo di huấn của bà, năm thế hệ sinh sống hòa thuận cùng nhau, nổi tiếng là dòng họ hiếu thảo, hiếu học ở địa phương. Triều đình cũng biết sự tình của Vương gia, đặc ý hạ lệnh treo biển khen thưởng.

Lã Khôn đánh giá là: “Đường Tiền hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cháu, giúp đỡ họ hàng, tích nhiều âm đức, giữ gìn danh tiết, không làm điều gì bất thiện, tình cảm chị dâu em chồng cũng hiếm thấy trên đời”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: