“Viên thị thế phạm” là một bộ gia huấn do tiến sĩ Viên Thải thời Nam Tống biên soạn. Tên gọi “thế phạm” của nó mang ý nghĩa là truyền lại cho đời sau, làm điều tốt cho thiên hạ và trở thành hình mẫu cho thế gian. “Viên thị thế phạm” quả thật có địa vị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian thời xưa, có ảnh hưởng rộng rãi và tích cực đến các thế hệ sau. Trong sách “Nhẫn kinh” có tuyển chọn một số nội dung của “Viên thị thế phạm” về chữ “nhẫn”.

Vài gia huấn trong sách "Viên thị thế phạm"
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

“Viên thị thế phạm” viết rằng:

Người ta thường nói, cách căn bản để một gia đình có thể chung sống hòa thuận lâu dài là phải nhẫn nhượng (nhẫn nại và nhường nhịn). Nhưng biết là phải nhẫn nhượng mà không biết nhẫn nhượng như thế nào thì sai lầm sẽ càng nhiều hơn. Cùng là nhẫn, nhưng có người lại ghi nhớ ở trong lòng, người khác xúc phạm ta, ta đem căm phẫn giấu kín trong lòng không nói ra. Điều này bất quá chỉ được một hoặc hai lần mà thôi. Nếu như sự căm phẫn được tích lũy lại rất nhiều rồi thì sẽ đến ngày bộc phát ra, nó sẽ giống như hồng thủy phá vỡ con đê, không thể cản trở nổi. Như vậy thì không bằng việc kịp thời làm tiêu tan tức giận, không lưu giữ nó ở trong lòng nữa. Không đem người khác đặt ở trong tâm của mình, cho dù một ngày nào đó họ mạo phạm mình gấp mười lần, mình cũng không thể hiện ra sự tức giận trong lời nói, thần sắc không thể hiện ra không vui, hiệu quả của nhẫn như vậy mới rõ rệt. Đây mới thực sự là nhẫn nhượng.

Nhẫn là nguyên tắc cơ bản để các gia đình chung sống hòa thuận lâu dài và biết như thế nào là nhẫn thì càng quan trọng hơn. Nén giận mà nhẫn thì chính là đang tích góp từng chút một căm phẫn, một khi nó bùng nổ ra thì sẽ không thể ngăn cản được. Chỉ có dùng lòng bao dung khiến phẫn nộ tiêu tan đi thì công hiệu của nhẫn mới to lớn. 

“Viên thị thế phạm” viết:

Từ xưa đến nay, nhân loại chính là người tài đức và người ngu đần chung sống cùng nhau; có nhà không thể cả cha và con đều là người tài đức sáng suốt; có nhà không thể tất cả các anh em đều thành người tài đức được; có nhà có người chồng không chịu làm gì cả, phóng túng ngỗ ngược; có nhà lại có người vợ hung hãn, thô bạo. Rất hiếm có gia đình nào không gặp phải vấn đề này, vấn đề kia. Cho dù là thánh hiền thì đối với những tình huống như thế này cũng không có cách nào được. Cũng giống như những vết loét và mụn cóc mọc trên cơ thể, dù rất không thích cũng không thể cắt bỏ được. Chỉ có thể dùng tâm thái thoải mái rộng mở để đối đãi. Nếu mọi người có thể hiểu được đạo lý này thì lòng dạ sẽ bình thản, tự tại.

Làm người nên phải khoan dung, không có ai là người hoàn hảo cả, mỗi một người đều có khuyết điểm này khuyết điểm khác, không nhiều thì ít, cho nên đừng yêu cầu sự trọn vẹn. Người nghĩ được như vậy thì trong tâm sẽ rộng mở, khoáng đạt, xử thế cũng bình tĩnh thản nhiên.

“Viên thị thế phạm” bàn rằng:

Con người sống trên đời, từ khi có tri thức, kiến thức thì sẽ có phiền não đau khổ và sự tình không như ý. Một đứa trẻ khóc lóc ầm ĩ cũng là bởi vì có những sự tình không đạt được yêu cầu của nó. Từ trẻ thơ đến thiếu niên, từ tráng niên đến lão niên, những sự tình hài lòng như ý là rất ít còn sự tình không như ý thì có rất nhiều. Cho dù là người đại phú đại quý, người trong thiên hạ đều hâm mộ họ, cho rằng họ như sống cuộc sống của Thần Tiên đi nữa thì trong tâm họ cũng đều có những phiền não riêng và những điều không được hài lòng, cũng giống như những người bần cùng khác, chẳng qua là những phiền lo khác nhau mà thôi. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi thế giới này là thế giới khiếm khuyết. Không ai trên đời này có thể có được mọi thứ mình muốn và mọi thứ đều hoàn hảo. Nếu người nào có thể hiểu được sự thật này và bình tĩnh chấp nhận nó, thì họ sẽ cảm thấy sống thoải mái hơn.

Con người sống trên đời luôn có những hoạn nạn và khổ cực và rất nhiều những sự tình không như ý muốn, những chuyện như ý thì rất ít, từ xưa đến nay đều như thế cả. Vô luận là người phú quý hay người nghèo hèn thì đều có phiền não của riêng mình. Cho nên mọi người nên bình tĩnh, thấu hiểu lý lẽ và học cách chấp nhận, điều này sẽ giúp một người tăng thêm lòng nhẫn nại, mở rộng lòng bao dung.

“Viên thị thế phạm” viết:

Nếu một người giỏi nhẫn nhượng và dần dần quen với điều đó thì họ sẽ có thể đối xử với những người vô lý không thể chấp nhận được như những người bình thường khác. Còn nếu một người không thể nhẫn nhượng được và dần dần quen với điều đó thì họ sẽ căm phẫn ngay cả những điều nhỏ nhất không đáng quan tâm, cũng sẽ dẫn đến cãi vã, tranh chấp, thậm chí kiện cáo cho đến khi giành được phần thắng. Họ không biết rằng những gì họ đã mất còn nhiều hơn rất nhiều những gì họ đã đạt được. Nếu một người có chính kiến, quan điểm vững vàng và không bị thúc đẩy bởi sự tức giận do những nguyên nhân bên ngoài gây ra thì họ sẽ rất bình yên cả về thể chất và tinh thần.

Điều quan trọng là phải nhẫn nại, phải có chính kiến ​​vững chắc, biến nhẫn nhượng thành thói quen và không để sự tức giận chi phối mình. 

Ngoài những nội dung về công phu chữ “Nhẫn” ra thì “Viên thị thế phạm” còn đề cập đến rất nhiều khía cạnh chi tiết của cuộc sống, là một cuốn sách hay để giáo dục con cháu, khuyến khích lòng tốt, có thể có tác động tích cực đến tâm trí con người, đáng giá để hậu nhân học tập.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tần Sơn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: