Lỗ Ban được coi là sư tổ của nghề thủ công. Truyền thuyết kể rằng cuộc đời của ông có rất nhiều điều thần kỳ, khi sinh ra hương thơm khắp phòng, hạc bay tới tụ tập quanh nhà, đến lúc tuổi già qua đời lại thành Tiên. Sách Mặc Tử ghi rằng Lỗ Ban chế tạo ra con đại bàng bằng gỗ có thể bay và chở người lên không trung, vượt qua kỹ thuật của người cổ đại. Trong suốt các thế hệ sau, khắp nơi đều có lưu lại truyền thuyết về những thần tích của Lỗ Ban, vì vậy ông được coi là “Xảo Thánh Tiên Sư”, sánh ngang với cả “Chí Thánh Tiên Sư” Khổng Tử.

Vài truyền thuyết về Lỗ Ban
(Ảnh minh họa: AlexelA, Shutterstock)

Lỗ Ban sống vào cuối thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc, ông và Khổng Tử không những đều là người nước Lỗ, mà còn sống trong cùng một thời đại. Năm 15 tuổi, ông tôn học trò của Khổng Tử là Đoan Mộc làm thầy, sau vài tháng có thể thông hiểu đạo lý mọi mặt. Thế rồi Lỗ Ban cũng đi nhiều nước du thuyết như Khổng Tử, hy vọng chư hầu sẽ hiểu được đạo nghĩa, nhưng cũng giống như Khổng Tử, ông không thành công. Lỗ Ban quy ẩn ở núi Thái Sơn. Sau khi ẩn cư 13 năm, ông được một cao nhân chỉ bảo, ngộ được thiên mệnh của mình là truyền kỹ thuật thủ công, từ đó Lỗ Ban dốc lòng nghiên cứu về gỗ và đá, chứng ngộ ra rất nhiều phương pháp và công cụ ảo diệu, rồi truyền thụ cho đệ tử.

Nếu như Khổng Tử sau khi chu du liệt quốc thất bại mà ngộ ra rằng thiên mệnh của mình là lấy phương thức giáo dục mà tuyên dương giáo hoá đạo đức, thì Lỗ Ban lại đi theo một con đường khác. Ông lấy kỹ năng thủ công mà bách tính khắp thiên hạ cần nhất để truyền thụ “quy tắc” và “tiêu chuẩn” làm người, lấy phương thức triển hiện thần tích để điểm ngộ cho hậu nhân sự tồn tại của thiên đạo, khiến cho bách tính dân gian không ngừng sử dụng công cụ và kỹ nghệ mà ông lưu lại, đồng thời tế bái ông, hiểu được việc kính thiên trọng đức, không quên con đường trở về với bản nguyên của sinh mệnh. Ông lấy kỹ thuật để tạo phúc cho bách tính, lấy kỹ thuật tuyên dương giáo hoá đạo đức, bước đi trên một con đường khác tương phụ tương thành với Khổng Tử.

Dân gian cho rằng cưa, bào, xẻng, thước thợ, quy củ, ống mực… dùng cho thợ thủ công; hay cối đá xay lúa, bàn tính dùng cho thương gia; thang mây, móc câu dùng trong quân sự, v.v., tất cả đều do Lỗ Ban phát minh ra. Suốt từ thời cổ đại đến nay, đại đa số các công trình dân dụng, động thổ xây nhà, thì đều cúng tế Lỗ Ban, hoặc sử dụng thước Lỗ Ban… để cầu được bảo hộ và chỉ dẫn.

Lỗ Ban cũng để lại nhiều truyền kỳ, nổi tiếng nhất là Điện Thánh Mẫu trong Từ đường của nhà Tấn ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, cao 19 mét, toàn bộ đại sảnh nguy nga và tráng lệ. Nhưng điều kỳ diệu là trong điện rộng rãi như thế, không có một cột trụ nào để chống đỡ.

Truyền thuyết kể rằng vào thời nhà Tống, triều đình muốn xây dựng Điện Thánh Mẫu, bên trong điện còn muốn đặt 43 bức tượng. Thời hạn của triều đình đến gần mà những người thợ thủ công lại không nghĩ ra được phương án để giải quyết. Một hôm có một cụ già tóc bạc phơ đi đến công trường, loay hoay bắt đầu với những mảnh gỗ vụn trên mặt đất, bắc bên trái, bắc bên phải, cuối cùng một mô hình cung điện thu nhỏ đã được xây dựng, trong điện không có một cột trụ nào, hóa ra cụ già đã thật khéo léo đặt điểm chịu lực của toàn bộ cung điện lên các cột mái hiên và cột hành lang xung quanh.

Những người thợ thủ công thấy đây chính là Điện Thánh Mẫu mà họ muốn xây dựng, sau khi định thần lại để tìm cụ già đó, thì không thấy bóng dáng cụ đâu nữa. Có người chợt hiểu ra cụ già chính là Lỗ Ban hiển linh. Để tưởng nhớ Lỗ Ban đã hóa thân thành cụ già để hướng dẫn những người thợ thủ công, người ta đã xây một ngôi miếu Lỗ Ban cách Điện Thánh Mẫu không xa.

Những truyền thuyết như vậy có ở khắp mọi nơi, nhiều không kể xiết. Chúng ta đều biết về truyền thuyết rằng Thần tạo ra con người, rồi lại bảo hộ con người đi qua thời kỳ mông muội, truyền cho con người văn hóa và đạo đức, dạy cho con người cách sinh sống, truyền cho con người kỹ thuật. Thiên mệnh của Lỗ Ban là không ngừng để cho mọi người hiểu rằng kỹ thuật là do Thần truyền, con người nhất định phải biết kính trọng và cảm tạ Trời đất, Thần linh.

Trích đăng từ “Ấu học Quỳnh Lâm bút đàm: Thiên mệnh của Lỗ Ban
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như

Xem thêm:

Mời xem video: