Trên đường phố, những em học sinh mặc trang phục truyền thống khoanh tay cảm ơn mọi người trong khi băng qua đường. Đây có phải là trẻ em Nhật Bản không? Không phải, đây là trẻ em Hà Nội, Việt Nam…

Hình ảnh lính Pháp và người dân Hà Nội đứng chờ các em học sinh qua đường dưới đây là những bức ảnh cuối cùng trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Robert Capa (1913-1954), vài ngày trước khi ông mất vì bẫy mìn chiến tranh tại Thái Bình.

Trẻ em Nhật cúi đầu khi qua đường, 100 năm trước trẻ em Việt Nam cũng thế
(Ảnh: Robert Capa)
Khoanh tay xin qua đường đã từng là văn hóa giao thông của trẻ em Việt
(Ảnh: Robert Capa)

Còn nhớ mấy năm trước, cư dân mạng từng rất bất ngờ khi xuất hiện một clip ngắn, quay cảnh một nhóm học sinh tiểu học Nhật Bản đồng loạt cúi đầu cảm ơn những người lái xe đã dừng lại nhường đường. Lúc bấy giờ, nhiều người Việt đã bày tỏ lòng thán phục trước nền giáo dục toàn diện và sâu sắc của Nhật Bản. Họ nói rằng nhân cách của con người Nhật Bản bắt đầu bằng việc biết “xin lỗi” và biết “cảm ơn”. Kỳ thực văn hóa ứng xử này xuất phát từ lễ nghi của Nho gia, và việc áp dụng những giá trị văn hóa truyền thống ấy vào trong đời sống đã tạo nên một bản sắc “Tân Nho gia” đáng ngưỡng mộ tại Nhật Bản.

Việt Nam cũng từng là một đất nước mà Nho giáo được xưng là “chính đạo độc tôn” (Trần Trọng Kim) trong hàng nghìn năm. Nhưng giờ đây, khi nghĩ về “ngày xưa” “người xưa”, có không ít người Việt mang quan niệm thiên kiến về sự “cổ hủ”, “phong kiến”, “lạc hậu”… Vậy mà chỉ hai bức ảnh của Robert Capa ở một thời “chưa phải là xưa lắm” đã cho chúng ta thấy rằng người Việt của mấy chục năm về trước còn văn minh hơn hẳn bây giờ.

Hãy cứ thử nhìn lại cách sang đường “liều chết” của người Việt hiện đại mà xem: Có vạch kẻ đường cho người đi bộ không sang, có cầu đường bộ trên cao không dùng, người đi bộ sang đường bất cứ nơi đâu họ muốn, bất chấp khu vực cấm hay trèo rào phân cách… Người Việt nói chung, chứ không riêng gì trẻ em, tham gia giao thông với một tâm lý tiện là chen, thích là lấn, không có cảnh sát là vượt, vội là leo lên vỉa hè, mà không vội thì cũng leo lên vỉa hè. Trong sự bức xúc, đã có lần một cư dân mạng so sánh rằng người Việt tham gia giao thông kém hơn cả… đàn trâu, vì chúng đi đường rất có hàng có lối.

Cuối năm 2016, cư dân mạng được một lần ngượng ngùng thán phục trước hình ảnh một cậu bé lớp 2 đứng lại lễ phép khoanh tay xin lỗi khi đi xe đạp tông trúng taxi. Và người ta còn cảm thấy thật lạ lùng hiếm có vì sau khi sự việc được đưa lên báo, cha mẹ của cậu bé đã hẹn bác tài đi uống cà phê và dẫn cậu bé đến để xin lỗi một lần nữa.

Trước đó 1 tháng, một cậu học sinh lớp 11 cũng khiến cư dân mạng bất ngờ khi để lại một mảnh giấy cho chủ xe ô tô với lời nhắn: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại … để cháu đền ạ (Do cháu không biết chủ ô tô là ai).” Người chủ ô tô sau đó đã gọi điện để bỏ qua và hỏi thăm cậu bé vì hành động “rất đáng quý mến” này.

Mặc dù cảm thấy vui vì những “hành động đẹp” ấy, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng ở Nhật Bản hiện tại và ở Việt Nam trước những năm 1950, việc “cảm ơn”, “xin lỗi” khi qua đường chỉ là hành động bình thường, là chuẩn mực lễ nghi của xã hội. Trong một xã hội giàu tính truyền thống như vậy, chúng không phải là thứ gì hiếm có, không phải là “hành động đẹp”, và không đáng để khen.

Đi đường cúi đầu chào, trẻ em biết lễ độ, người Việt quả thật đã từng rất trọng “Lễ”.

tre em Viet van hoa giao thong 01

Vậy chúng ta đã đánh mất bản sắc đó như thế nào?

Mấy chục năm trước, chúng ta đã nhổ bật nền văn hóa ngàn xưa, xóa bỏ bản sắc truyền thống. “Thưa ông”, “thưa bà”, “không dám” hay “xin phép“… nhất loạt trở thành tàn dư của phong kiến và tư sản. Cũng từ đó, chuyện xếp hàng chen ngang, lấy nước mất chậu,… chỉ trích tố cáo và cái gọi là “tác phong quần chúng” đã trở thành “chuẩn mực mới”. Và người ta không chỉ không chấp nhận lòng kính ngưỡng Thần Phật mà còn lấy “vô Thần” làm trọng tâm của một cuộc “trường chinh”. Đánh mất đức tin, con người không biết sợ và có thể làm bất cứ chuyện gì.

Nay nhìn lại, làm thế đúng chăng?

Có rất nhiều người thắc mắc, vì sao ngày nay không thiếu các bậc cha mẹ Việt chú ý dạy trẻ em cách “xin lỗi”, “cảm ơn”, nhưng bộ mặt tinh thần của xã hội không hề cải thiện. Có phải là “lễ nghi” không còn có tác dụng trong xã hội hiện đại không?

Không phải. Kỳ thực cái gọi là “lễ nghi” chỉ là một biểu hiện bề mặt của văn hóa mà thôi. Khổng Tử giảng rằng: “Người không có lòng Nhân thì Lễ để làm gì?” Con người ta nếu không chú trọng quy phạm đạo đức, không chú trọng tới đức tin vào Thần Phật, không tôn sùng các giá trị phổ quát như Chân, Thiện, Nhân, Nghĩa, thì “lễ nghi” mà làm gì?

Ngẫm ra, các phong trào khôi phục hoặc tôn sùng cái gọi là “đời sống văn mình” của ta thường đi vào ngõ cụt chính là bởi điều đó.

Hy Vọng

Xem thêm:

Mời xem video: