Ngành giáo dục có cả chục, thậm chí cả trăm cuộc thi lớn nhỏ trong và ngoài trường, chính thức và bán chính thức nhưng hình như chưa có một cuộc thi nào là “Thi điểm sách”, “Thi giới thiệu sách”, “Thi bình luận về sách”, “Thi hùng biện về sách”, “Thi cảm nhận về sách” ở quy mô ngành-quốc gia.

Cuộc thi về sách đáng kể nhất hiện nay ở quy mô quốc gia là “Đại sứ văn hóa đọc” là cuộc thi do bộ Văn-Thể-Du chủ trì.

Có lần trò chuyện với một bác lãnh đạo địa phương, bác cho tôi biết khi thực hiện cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” có nhiều trường không tham gia hoặc tham gia không nhiệt tình vì họ cho nó là “việc của bên văn hóa”.

Thế có buồn không cơ chứ!

Ở Nhật, không có thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi chính ngạch (các tổ chức tư nhân hay hiệp hội muốn thi gì thì thi trên tinh thần tự nguyện) nhưng họ có một cuộc thi rất… khủng cả về quy mô, tầm cỡ, vai trò và… giải thưởng.

Đó là cuộc thi “Viết cảm nhận về sách”. Cuộc thi này do Bộ Giáo dục, văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản phối hợp với Báo Mainichi, công ty Suntory tổ chức ở quy mô quốc gia (tất nhiên là chia thành các cấp học với giải thưởng tương đương).

Nội dung chính là người tham gia viết một bài cảm nhận về cuốn sách mình đã đọc, mình thích với dung lượng tầm 600-1000 chữ.

Giải thưởng rất to. Có các giải thưởng chính sau:

1. Giải thưởng của thủ tướng chính phủ.

2. Giải thưởng của Bộ trưởng bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Công nghệ.

3. Giải thưởng của Tổng biên tập báo Mainichi (đơn vị đồng tổ chức, bảo trợ truyền thông).

4. Giải thưởng của Công ty Suntory (Đơn vị tài trợ).

Hi vọng trong thời gian ngắn tới, ở ta sẽ có nhiều giải thưởng khuyến đọc, cuộc thi cảm nhận về sách, hùng biện về sách, giới thiệu sách… do nhiều cơ quan ban ngành tổ chức để cả xã hội thay đổi cách nhìn về sách và các hoạt động trí tuệ, lao động liên quan tới sách.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: