Cựu Phó tổng thư ký của Đảng Demosistō (đã giải thể) Chu Đình, đã đăng bài bài viết vào ngày sinh nhật thứ 27 của mình hôm 3/12, thông báo rằng đã đến Canada để học thạc sĩ vào tháng 9 năm nay, không muốn cơn ác mộng xảy ra lần nữa nên sẽ không quay lại Hồng Kông. Chu Đình rất nổi tiếng ở Hồng Kông và nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản, vậy tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn luôn tàn ác và tàn nhẫn lại để cô thoát khỏi nanh vuốt của mình?

Chu Dinh
Chu Đình, cựu thành viên của Liên đoàn Hồng Kông (đảng Demosistō), hiện đang ở sau song sắt. (Ảnh: Lý Thiên Chính/ Vision Times Tiếng Trung)

Tội danh của Chu Đình liên quan đến an ninh quốc gia, được tại ngoại 3 năm và không bị truy tố

Chu Đình tuy còn trẻ nhưng đã có 10 năm kinh nghiệm tham gia các phong trào xã hội, từ chống tôn giáo nhà nước, đến Phong trào Ô dù, cho đến chống Dự luật Dẫn độ. Các phong trào chính trị lớn ở Hồng Kông trong 10 năm qua đều có bóng dáng của cô. Cô gái mảnh mai, yếu đuối và nói thông thạo tiếng Nhật này đã thể hiện dũng khí đáng kinh ngạc ngay cả khi bị cảnh sát bắt giữ và đàn áp.

Tuy nhiên, trong bài đăng lần này trên mạng xã hội của mình, Chu Đình thừa nhận rằng những cáo buộc về an ninh quốc gia trong 3 năm qua đã khiến cô do dự, lo lắng, sợ hãi, bất lực và rơi rất nhiều nước mắt. Cô lo lắng mình sẽ phải sống dưới cái bóng của ĐCSTQ như thế này trong suốt quãng đời còn lại, và lo lắng cả đời sẽ không cách nào có thể bước ra khỏi Hồng Kông. Các bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Vào tháng 8/2020, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ Chu Đình vì tội liên quan đến an ninh quốc gia, Chu Đình sau đó được tại ngoại. Vào tháng 11 cùng năm, cô bị giam giữ vì tội “bao vây trụ sở cảnh sát” trong thời gian diễn ra phong trào chống dẫn độ năm 2019, sau đó cô bị kết án 10 tháng tù, tháng 6/2021 cô ra tù.

Dù đã giành lại được tự do, nhưng cáo buộc về an ninh quốc gia vẫn luôn là bóng đen đeo bám. Cô phải đến đồn cảnh sát 3 tháng 1 lần, hộ chiếu của cô bị tịch thu và cô không thể xuất cảnh. Ngoài ra, cô còn bị an ninh quốc gia giám sát 24/24, trong thời gian này, chính quyền tiếp tục gây áp lực và cảnh báo cô: Nhà cô sẽ bị lục soát, bắt giữ, kết án, mất tự do và trở thành tù nhân bất cứ lúc nào…

Đã hơn 3 năm kể từ khi Chu Đình bị bắt vì tội an ninh quốc gia vào tháng 8/2020. Cảnh sát vẫn chưa chính thức cáo buộc cô tội an ninh quốc gia, cho thấy chính quyền không có bằng chứng chắc chắn nào để truy tố cô vì tội thông đồng với thế lực nước ngoài, lật đổ chính quyền trung ương và chính quyền Hồng Kông. Cho dù là bịa đặt không dựa vào cái gì thì cũng không hề dễ dàng.

Chu Đình cuối cùng đã rời khỏi ĐCSTQ và đi đến tự do

Vào ngày 3/12, Chu Đình đã phá vỡ 2 năm im lặng vào ngày sinh nhật thứ 27 của mình, và đăng lên mạng xã hội thông báo: Theo điều kiện tại ngoại, ban đầu cô dự kiến ​​trở lại Hồng Kông vào tháng 12 năm nay để trình diện với cảnh sát. Cô đã mua vé rồi nhưng lại lo gặp ác mộng lặp lại, nên quyết định sống lưu vong và không bao giờ quay lại Hồng Kông!

Sau khi bài viết tuyên bố sống lưu vong của Chu Đình được công bố, tin tức này đã nhận được sự chú ý của nhiều kênh truyền thông lớn trên thế giới, Reuters, Globe and Mail của Canada, BBC của Anh, France 24 của Pháp, Deutsche Welle của Đức, NHK của Nhật Bản, v.v, đều đưa tin.

Phản ứng trước thông tin này, ngày 4/12, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lên án mạnh mẽ hành vi thách thức pháp quyền một cách trắng trợn của Chu Đình, nói điều này chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng phạt. Cùng ngày, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông cũng đưa ra lời lên án mạnh mẽ, kêu gọi cô hãy “quay đầu trước vực thẳm”, không nên chọn con đường không thể quay lại và mang danh “kẻ đào thoát” suốt đời.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông không trả lời lý do tại sao họ đưa Chu Đình sang Trung Quốc trong chuyến đi “tái giáo dục” một ngày tới Thâm Quyến, cũng như tại sao họ lại yêu cầu Chu Đình viết thư ăn năn, thư đảm bảo, thư cảm ơn, v.v. Chính quyền vẫn chưa đưa ra lời giải thích hợp lý về lý do tại sao họ cho phép “kẻ trọng phạm liên quan đến an ninh quốc gia” rời khỏi Hồng Kông.

Có âm mưu nào đằng sau việc ĐCSTQ thả Chu Đình?

ĐCSTQ thủ đoạn độc ác, muốn để cho họ có sự nhượng bộ thì về cơ bản đều phải có điều kiện, đều có cái giá phải trả. Đánh giá từ những bài đăng của Chu Đình, cô ấy phải chịu áp lực rất lớn, kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần nên đã im lặng suốt 2 năm. Trong mắt ĐCSTQ, Chu Đình đã trở thành kẻ thù bại trận dưới tay mình. Âm mưu nào của ĐCSTQ đằng sau việc thả cho Chu Đình đi du học, cũng đáng để phân tích.

Chu Đình cho biết trong bài đăng rằng sau khi được nhận vào một trường đại học Canada năm nay, cô đã nộp đơn xin xuất cảnh cho Cục An ninh Quốc gia (cô không nêu rõ thời gian cụ thể). Trong quá trình nộp đơn, ngoài việc yêu cầu cô cung cấp thông tin chi tiết về việc học tập và sắp xếp cuộc sống, cơ quan an ninh quốc gia còn yêu cầu cô tự tay viết một “thư sám hối”, yêu cầu cô nói rằng rất hối hận vì đã tham gia chính trị trong quá khứ, và hứa sau này sẽ không tham gia nữa, cũng không liên lạc với bất kỳ nhà hoạt động xã hội nào.

Đầu tháng 7 năm nay, Cục An ninh Quốc gia nói với Chu Đình rằng nếu cô muốn du học ở Canada, cô phải đến Đại Lục cùng họ. Một ngày trong tháng 8, Chu Đình đến Trung Quốc Đại Lục cùng với 5 nhân viên an ninh quốc gia Hồng Kông. Hành trình bao gồm chuyến tham quan “Triển lãm Cải cách và Mở cửa” để tìm hiểu về sự phát triển của Trung Quốc và ĐCSTQ, cũng như “những thành tựu rực rỡ” của các nhà lãnh đạo trong quá khứ; sau đó cô được sắp xếp đến thăm trụ sở của Tencent để tìm hiểu về “sự phát triển khoa học công nghệ của tổ quốc”.

Trong chuyến đi, Chu Đình không bị tra tấn hay thẩm vấn, nhưng cô cảm thấy mình liên tục bị giám sát – cánh sát từ Cục An ninh Quốc gia Hồng Kông và những nhân viên an ninh địa phương đang thì thầm với nhau. Ngoài ra, cô còn được yêu cầu chụp ảnh check-in với hộp đèn và logo của triển lãm, các tài xế Đại Lục đi cùng cũng liên tục chụp ảnh cô. Có vẻ như họ muốn coi đây là bằng chứng cho lòng “yêu nước” của cô.

Sau khi trở về Hồng Kông, cô một lần nữa được cơ quan An ninh Quốc gia yêu cầu viết thư “Cảm ơn cảnh sát đã sắp xếp để tôi có thể hiểu được sự phát triển vượt bậc của tổ quốc”. Chu Đình miễn cưỡng nói rằng trong những tháng đó cô đã thỏa hiệp và viết rất nhiều lá thư tay như vậy.

Vào giữa tháng 9, cô nhận được hộ chiếu 1 ngày trước khi rời Hồng Kông và có thể rời Hồng Kông để đến Toronto, Canada học tập.

Âm mưu 1: Lợi dụng Chu Đình để xách động những ‘thủ túc’ đang bị giam cầm?

ĐCSTQ là một tổ chức tà giáo “kỷ luật nghiêm minh”, cái gọi là “kỷ luật nghiêm minh” có nghĩa là những người ở dưới khó có được ý chí tự do và không thể đưa ra quyết định, phải báo cáo lên từng cấp và chờ chỉ đạo của cấp trên. Có lẽ đơn xin rời khỏi Hồng Kông của Chu Đình cũng đã được Bộ An ninh Quốc gia Hồng Kông báo cáo với Bộ trưởng An ninh Đặng Bính Cường, sau đó tới Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu, Ủy ban An ninh Quốc gia Hồng Kông, Văn phòng Liên lạc Trung ương, rồi  đến Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao.

Cuối cùng liệu có phải ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong), Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, là người đã cho phép Chu Đình rời khỏi Hồng Kông? Trong con mắt của ĐCSTQ, Chu Đình, một cô gái yếu đuối dễ bị tổn thương tinh thần, không thể đứng một mình và tập hợp sức mạnh để phát động cuộc tấn công chống lại ĐCSTQ ở nước ngoài. Hơn nữa, chính tay cô viết “thư ăn năn”“thư đảm bảo”, sau đó được kiểm tra tại một cơ sở giáo dục yêu nước…, cho thấy “phần tử phản động này đã chân thành đầu hàng đảng ta”, trở thành lứa “phần tử bạo lực, xã hội đen”“thanh niên phản động” đầu tiên ở Hồng Kông được đảng ta giáo dục và chuyển hóa thành công.

Vụ án của Chu Đình có thể trở thành một vụ án sách giáo khoa để ĐCSTQ đoàn kết hơn nữa thế hệ tiếp theo của Hồng Kông: “Những người thuận theo đảng sẽ được trả tự do, những người nổi dậy chống lại đảng sẽ bị bỏ tù”.

“Thư ăn năn”, “thư đảm bảo” của và ảnh check-in ở Thâm Quyến của Chu Đình cũng có thể được sử dụng để kích động những người biểu tình phản kháng bị cầm tù và lừa dối họ rằng Chu Đình đã đầu hàng ĐCSTQ, các người nên thành thật càng sớm càng tốt, như vậy có thể sẽ bị phạt nhẹ hơn. 

Âm mưu 2: Lợi dụng Chu Đình để xoa dịu quan hệ Trung-Mỹ?

Quan trọng hơn, Chu Đình đã tới Canada vào tháng 9, ngay trước khi ông Tập Cận Bình tới Mỹ dự APEC vào tháng 11. Nói cách khác, Chu Đình đã trở thành con tốt của ngoại giao con tin, ĐCSTQ đã ra hiệu cho Mỹ và phương Tây rằng Luật An ninh Quốc gia không phải là cứng nhắc và ĐCSTQ “giơ cao đánh khẽ” khi cần thiết.

Điều buồn cười là ông Lý Gia Siêu không thu được lợi ích gì từ vụ việc này. Tháng 6 năm nay, ông mạnh mẽ tuyên bố sẽ sang Mỹ tham gia APEC, tháng 7 tờ Washington Post đưa tin ông không thể đi. Mặc dù sau đó ông đã lên án mạnh mẽ và phản đối kịch liệt, nhưng cuối cùng vẫn không thể sang Mỹ cùng ông Tập.

Một sự kiện khác đáng chú ý là trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào ngày 14/11, Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao – ông Hạ Bảo Long – đã tới Thâm Quyến để gặp Giám đốc điều hành của Swire Pacific – Merlin Swire. Trong chuyến đi này, ông Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương Trịnh Nhạn Hùng, và Lưu Quang Nguyên cùng tháp tùng. Ông Hạ Bảo Long rõ ràng xuất hiện với tư cách là “gia trưởng” của Chính quyền Đặc khu hành chính, gặp gỡ các “thế lực nước ngoài” với quy cách cao, và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, hy vọng họ sẽ không rút tiền đầu tư và tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và Hồng Kông.

Vậy việc thả Chu Đình có phải là một dấu hiệu thiện chí đối với giới chính trị phương Tây?

Âm mưu 3: ĐCSTQ thực sự cho rằng Chu Đình đã ăn năn?

Có lẽ trong 2 năm qua, tâm trạng của Chu Đình rất sa sút nên ĐCSTQ không còn cảnh giác với cô nữa, thậm chí còn thật lòng tin rằng cô đã bị chuyển hóa thành “người yêu nước” và thậm chí còn mong cô giúp “kể hay câu chuyện về Trung Quốc”.

Nếu đúng như vậy thì lần này Chu Đình tuyên bố sẽ không bao giờ quay trở lại Hồng Kông, đó là một cái tát thẳng vào mặt chính quyền và khiến ĐCSTQ tự biến mình thành kẻ ngốc. Bởi vì Chu Đình không bày tỏ lòng biết ơn của mình với Chủ tịch Tập, Trưởng Đặc khu Lý và chính quyền trung ương đã cho cô cơ hội tái sinh, thay vào đó, cô nói trong các cuộc phỏng vấn với “Globe and Mail” của Canada và NHK của Nhật Bản rằng cô “không hối tiếc về những hành động chính trị trong quá khứ của mình”,tin chắc rằng những gì tôi đang làm là đúng đắn”.

Hơn nữa, Chu Đình còn vạch trần những phương pháp bẩn thỉu mà Cục An ninh Quốc gia sử dụng để buộc cô phải đến Đại Lục để được giáo dục tẩy não. Là một công ty tư nhân, danh tính “cơ sở giáo dục yêu nước” của Tencent cũng bị lộ, điều này được cho là sẽ khiến nhiều vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc hơn. Đây là lý do tại sao chính quyền Hồng Kông tức giận đến mức ra lệnh truy nã Chu Đình vào đêm ngày 4/12.

Nói tóm lại, nếu không có những thỏa thuận và đàm phán bí mật của các chính phủ nước ngoài, tình hình của Chu Đình khi đó có lẽ đã phù hợp với nhu cầu của ĐCSTQ nên cô may mắn thoát khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ. Hy vọng Chu Đình có thể tiếp tục sống kiên cường ở vùng đất tự do Canada.

Lý Tử Nhâm
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả.)