100 năm trước, người Trung Quốc nghiện thuốc phiện, quan chức hút, dân thường cũng hút. Hiệu thuốc phiện lớn có mặt khắp mọi nơi, họ hút đến nỗi ngân khố trống rỗng, người dân yếu nhược, và được mệnh danh là con bệnh của Đông Á. Điều này đã dẫn đến lệnh cấm hút thuốc của Lâm Tắc Từ, một vị quan nhà Thanh, khiến những chiến thuyền kiên cố và những cỗ đại bác mạnh mẽ dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Nhà Thanh cuối cùng cũng diệt vong trong đống tro tàn.

Bài viết của Trương Kiệt thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

chu nghia dan toc trung cong 3
Dòng người đi lại trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

100 năm sau, người Trung Quốc lại yêu thích giả dược. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng chúng, các quan chức dùng chúng và những người bình thường cũng dùng chúng. Họ dùng tới mức bị ảo giác, không biết tự lượng sức mình, tưởng mình là thiên hạ đệ nhất, là một cường quốc hùng mạnh, thời thế trên thế giới hết thảy đều nghiêng về Trung Quốc. Nhưng phương Tây thịnh vượng, phương Đông ắt phải lui bước là xu hướng lịch sử không thể đảo ngược.

Nếu ngày xưa thuốc phiện làm cho con người gầy gò, ốm yếu, thì thuốc phiện của thời hiện đại lại khiến con người ngang tàn, hiếu chiến. Không có gì lạ khi vào ngày 1/3, ông Tập Cận Bình đã nói về đấu tranh trong lớp đào tạo cán bộ trẻ và trung niên tại Trường Đảng Trung ương, với tổng cộng 14 lần nhắc tới từ “đấu tranh”.

Giả dược là gì? Nói một cách đơn giản, chính là đưa cho bệnh nhân một loại thuốc giả không có tác dụng gì và đánh lừa rằng đó là một thứ biệt dược. Bệnh nhân sẽ nghĩ rằng mình đã được cứu sống, vì vậy họ sinh ra những cảm xúc tích cực và bệnh tình dần thuyên giảm. Hiệu ứng giả dược được đề xuất bởi Tiến sĩ Henry K. Beeche tại Hoa Kỳ vào năm 1955.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton đã làm một thí nghiệm. Họ chọn ngẫu nhiên hai nhóm bệnh nhân. Một nhóm đưa ra chẩn đoán rõ ràng và nói với bệnh nhân rằng họ sẽ sớm khỏi bệnh. Nhóm còn lại được đưa ra một chẩn đoán mơ hồ và cho biết về kết quả không chắc chắn. Các thí nghiệm cho thấy 64% bệnh nhân trong nhóm đầu tiên có chuyển biến tốt, trong khi chỉ có 39% bệnh nhân nhóm thứ hai tình hình sức khỏe được cải thiện. Liệu pháp giả dược này có thể nói là một cách ứng dụng của tinh thần AQ trong lĩnh vực y tế.

Sau khi lý thuyết giả dược xuất hiện, nó đã nhanh chóng được áp dụng vào mọi mặt của xã hội. Trong thời Bạc Hy Lai ca ngợi đảng, đánh đổ các thế lực hắc ám ở Trùng Khánh, cuối tháng 9/2010, ông đã tổ chức 140.000 buổi biểu diễn ca ngợi đảng, tổng cộng có 84 triệu người tham gia. Tính đến tháng 2/2012 đã có 251.600 buổi biểu diễn và 182 triệu người tham gia. Hãng truyền thông Trùng Khánh cho rằng hát nhạc đỏ cách mạng có tác dụng chữa bệnh ung thư. Một số bệnh nhân ung thư đã đến giai đoạn cuối, nhưng ngày nào cũng hát vang những bài nhạc đỏ. Kết quả như cá gặp nước, những bệnh ung thư này không chữa mà khỏi. Tất nhiên đây chỉ là một loại giả dược mà thôi.

Đầu tiên, biểu hiện của Trung Quốc dưới tác dụng của giả dược

Sau năm 1989, Trung Quốc lại rơi vào tình trạng bị cô lập về chính trị. Qua cuộc tuần tra về phía Nam và cải cách, mở cửa lần thứ hai, ông Đặng Tiểu Bình đã khiến người dân Trung Quốc chạy theo tiền bạc và quyền lực, đưa Trung Quốc tiến tới một xã hội tư bản hùng mạnh. Lý luận phát triển cứng rắn và lý luận về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của ông Đặng Tiểu Bình là một loại giả dược.

Người dân tin rằng kinh tế phát triển, họ sẽ trở nên giàu có, mà nền tảng kinh tế quyết định kiến ​​trúc thượng tầng, nên nền dân chủ hợp hiến đương nhiên sẽ đến. Người Trung Quốc cho rằng tới nay sự phát triển của Hoa Kỳ đã trải qua 200 năm đấu tranh, và Trung Quốc cũng không thể tách khỏi giai đoạn lịch sử này, không thể nóng vội. Vì vậy cần phải chờ thời cơ, nếu không sẽ gây ra bất ổn xã hội. Dân tộc Trung Hoa đã phải chịu đựng quá nhiều khổ nạn, đất nước này không thể hỗn loạn thêm nữa.

Nhưng vấn đề là dân tộc Trung Hoa đã nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ tự do và chủ nghĩa hợp hiến dân chủ suốt 100 năm qua. Trong quá trình này, nhiều nước độc tài đều đã hiện thực hóa chính quyền hợp hiến dân chủ.

Giá trị phổ quát không phải là bằng sáng chế của người phương Tây, mà là tài nguyên chung của nhân loại. Trung Quốc không thể hỗn loạn, nhưng chẳng phải chế độ toàn trị vẫn luôn tạo ra sự hỗn loạn đó sao? Chẳng phải hệ thống đa đảng và các cuộc bầu cử dân chủ ở Hoa Kỳ đã biến những người đầy tham vọng thành những vị anh hùng phục vụ đất nước hay sao?

Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và chính sách diệt chủng của ĐCSTQ. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương, đến nay đã có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan bị giam giữ bất hợp pháp.

Nhiều người Đại Lục nghĩ rằng việc này không liên quan gì đến họ. Bởi một số người Duy Ngô Nhĩ đã tin vào chủ nghĩa khủng bố và các chính sách của Tân Cương sẽ không được thực hiện tại Đại Lục, lại càng không thể rơi vào bản thân họ. Nhưng hóa ra quan điểm này chỉ là một loại giả dược.

Ngày 1/4, quy định mới của Thượng Hải về việc bắt buộc thu thập thông tin người đến từ bên ngoài đã có hiệu lực. Những người đến thành phố này chữa bệnh, đi du lịch, công tác, thăm người thân, bạn bè, … đều phải nộp thông tin cá nhân nếu lưu trú trên 24 giờ, và người vi phạm sẽ bị phạt đến 5.000 NDT (tương đương 17.000.000 VNĐ).

Dư luận cho rằng động thái này của cơ quan chức năng là nhằm thu thập thông tin cá nhân. Chính sách “Tân Cương hóa” của Thượng Hải có thể được thúc đẩy trên toàn quốc. Một số học giả chỉ ra rằng thành phố cởi mở nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc này nên quay trở lại mô hình quản lý khép kín nhất như Luật của Thương Ưởng.

Một tín đồ Cơ đốc tại Đại Lục tiết lộ trên kênh truyền thông nước ngoài rằng năm 2018, ông đã bị chính quyền giam giữ hình sự, khi tham gia vào một hoạt động của nhà thờ tại địa phương và sau đó bị đưa đến một “cơ sở cải tạo”. Ông nói rằng vì cảnh sát địa phương không thể truy tố các tín đồ Cơ đốc theo “Luật Hình sự”, nên họ sẽ bị đưa đến các căn cứ bí mật để tẩy não.

Ông ấy bị giam trong một căn phòng không có cửa sổ gần 10 tháng. Trong thời gian này, ông bị đánh đập, mắng mỏ và tra tấn tinh thần, thậm chí ông còn nhiều lần tự tử bằng cách đập vào tường để kết liễu cuộc đời.

Trên thực tế, các trại tập trung tại Đại Lục đã xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với Tân Cương. Vào thời đại của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ từng giam giữ một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công và thành lập Phòng 610, tổ chức chuyên thực thi các hoạt động bức hại.

Thứ hai, biểu hiện của Hồng Kông dưới tác dụng của giả dược

ĐCSTQ là một đảng toàn trị, lừa dối và khủng bố là thủ đoạn thống trị của họ. Khi Hồng Kông trở về với Đại Lục vào năm 1997, ngoài một số ít giới tinh hoa di cư ra nước ngoài, còn lại hầu hết người Hồng Kông đều tin tưởng vào lời hứa hẹn “Một quốc gia hai chế độ” của ông Đặng Tiểu Bình. Họ tin rằng “thể chế xã hội của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong vòng 50 năm.”

Hiện giờ mới chỉ có 23 năm trôi qua, nhưng “Tuyên bố chung Trung-Anh” và thể chế “Một quốc gia, hai chế độ” đã bị bãi bỏ. ĐCSTQ đã cưỡng chế thông qua Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, thực hiện việc sửa đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông và bắt giữ hàng loạt các nhà dân chủ. Hồng Kông ngày nay đã hoàn toàn thay đổi.

Ông Hồ Bình, một học giả chính trị, chỉ ra rằng: Việc Đại hội Đại biểu Nhân dân ĐCSTQ sửa đổi thể chế bầu cử lần này là sự phản bội hoàn toàn với lời hứa đảm bảo quyền phổ thông đầu phiếu kép trong “Luật cơ bản”. Đây là sự vi phạm chưa từng có đối với hệ thống bầu cử hiện tại, và là một đòn giáng chí mạng vào nền dân chủ của Hồng Kông nói chung.

Nhưng tại sao người Hồng Kông không đấu tranh ngay từ lúc đầu? Suy cho cùng, họ đã dùng giả dược, đến nay thì hối hận cũng đã muộn.

Thứ ba, biểu hiện của xã hội quốc tế dưới tác dụng của giả dược

Sau khi chính quyền Biden nhậm chức, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong hai ngày 18-19/3. Trong cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì sinh sự và phẫn nộ chỉ trích Hoa Kỳ. Câu nói đáng ngạc nhiên nhất của ông ấy là: “Bây giờ tôi sẽ nói câu này, từ địa vị thực lực của các ông mà xét, các ông không đủ tư cách nói chuyện với Trung Quốc ngay trước mặt Trung Quốc. Các ông đã không có tư cách này từ 20, 30 năm trước, bởi người Trung Quốc không thích như vậy.”

Câu nói của ông Dương Khiết Trì đã gây chấn động trong cộng đồng quốc tế. Vẻ khiêm nhường, ôn hòa, lịch thiệp của Trung Quốc trước kia đã biến mất, một Trung Quốc gớm ghiếc và hiếu chiến hiện ra trước mắt thế giới. Kỳ thực Trung Quốc không hề thay đổi sắc mặt, họ vẫn luôn mang bộ mặt này. Chỉ là các nước phương Tây đã uống giả dược và sinh ra ảo giác, như thể người yêu trong mắt kẻ si tình bỗng chốc hóa thành Tây Thi.

Như ông Robert C. O’Brien, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, đã nói vào tháng 6 năm ngoái: Khi Trung Quốc trở nên giàu mạnh hơn, chúng tôi tin rằng ĐCSTQ sẽ tự do hóa, nhằm đáp ứng nguyện vọng dân chủ ngày càng tăng của người dân. Đây là một ý tưởng táo bạo và điển hình của người Mỹ. Nó đến từ sự lạc quan bẩm sinh và kinh nghiệm đánh bại chủ nghĩa cộng sản Xô Viết của chúng tôi. Thật không may, điều này cũng được chứng minh là rất ngây thơ. Đánh giá sai lầm này là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ những năm 1930. ĐCSTQ là một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, và ông Tập Cận Bình tự coi mình là người kế thừa của Stalin.

Nhưng thị trường khổng lồ của Trung Quốc khiến các nước phương Tây khó lòng bỏ qua. Cách đây không lâu, ông Dave Calhoun, Giám đốc điều hành Boeing, cũng thúc giục Hoa Kỳ tách giao dịch thương mại với Trung Quốc khỏi vấn đề nhân quyền và các vấn đề khác tại một diễn đàn kinh doanh trực tuyến.

Đồng thời cảnh báo rằng nếu Boeing bị loại khỏi thị trường Trung Quốc, thì Airbus, tập đoàn đối thủ châu Âu sẽ thành ngư ông đắc lợi. 1/4 số máy bay chở khách do Boeing và Airbus sản xuất được bán cho Trung Quốc. Nhưng thị trường Trung Quốc chỉ là một giả dược, nếu không có thương mại công bằng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các công ty phương Tây cuối cùng cũng sẽ mất cả chì lẫn chài.

Thứ tư, biểu hiện của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ dưới tác dụng của giả dược

Niềm vui của giả dược không chỉ hướng đến người dân Trung Quốc, người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng vui mừng không kém.

Ông Đặng Tiểu Bình cũng thích giả dược. Ông Đặng tin rằng nếu không thay đổi thể chế chính trị và sử dụng chế độ kinh tế tư bản thì Đảng Cộng sản có thể nắm quyền lâu dài. Nhưng ngày nay, mâu thuẫn xã hội đang đối lập gay gắt, hệ tư tưởng bị chia rẽ mạnh mẽ, và tính chính danh của Đảng Cộng sản đang cầm quyền cũng bị thách thức.

Khi thể chế của ĐCSTQ rơi vào tay ông Tập Cận Bình, nó đã ở trạng thái vô cùng nghiêm trọng, và rơi vào thế cưỡi hổ khó xuống. Vì vậy, ông Tập Cận Bình đã sử dụng phong trào chống tham nhũng để đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và tập trung quyền lực nhà nước.

Tư tưởng của ông Tập Cận Bình, được chắp nối bởi giấc mơ Trung Hoa, 4 tự tin (gồm “tin vào con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, tin vào lý luận, tin vào hệ thống, tin vào văn hóa”), 2 bảo vệ (gồm bảo vệ vị trí cốt lõi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng của Tập Cận Bình, vị trí cốt lõi của toàn đảng, và bảo vệ quyền lực, sự lãnh đạo tập trung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng), cùng với sự lãnh đạo của đảng. Thực ra đây cũng chỉ là một loại giả dược.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã bị trúng độc sâu của loại giả dược này, nên kiêu ngạo đến mức muốn định hướng sự phát triển của thế giới, thậm chí cùng Mỹ phân chia và thống trị thế giới.

Chính sự ngạo mạn của ông Tập Cận Bình đã khiến thế giới phương Tây thức tỉnh, Liên minh Dân chủ do Hoa Kỳ đứng đầu hiện đang bao vây Trung Quốc. Chỉ 3 năm kể từ Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 đến nay, ông Tập Cận Bình đã phá hỏng 30 năm nỗ lực ngoại giao của ông Đặng Tiểu Bình.

Ông Vương Kỳ Sơn, người anh em của ông Tập Cận Bình cũng yêu thích giả dược. Họ tin rằng thông qua phong trào chống tham nhũng, loại bỏ những người bất đồng chính kiến, tập trung quyền lực, củng cố nhóm lợi ích của thế hệ đỏ thứ 2 và hy sinh to lớn cho ngọn cờ của Mao sẽ có thể cứu vãn chế độ đỏ.

Ông Vương Kỳ Sơn khuyến nghị các quan chức nên đọc cuốn “Chế độ cũ và cuộc cách mạng vĩ đại” của Tocqueville vì ông đánh giá cao kết luận của Tocqueville rằng: Dưới một chế độ độc tài, xã hội càng cởi mở, thì người dân càng dễ sinh ra sự bất mãn; càng cai trị chuyên quyền một cách ôn hòa, lại càng dễ truyền cảm hứng cho một cuộc cách mạng.

Ông Vương Kỳ Sơn muốn nói với giới quan chức rằng: Đừng coi nhẹ cải cách, và đừng dễ dàng tiến hành cải cách. Lòng căm thù của người dân đối với chế độ cũ vượt quá khát vọng tự do của họ. Sau Cách mạng Pháp là một cuộc trả thù đẫm máu, không chỉ nhà vua, các quý tộc cũng, và nhân vật đại diện cho thế lực cũ bị chặt đầu, ngay cả nhiều nhà lãnh đạo cách mạng và các nhà cách mạng cũng bị chặt đầu.

Cuốn sách của Tocqueville đã trở thành giả dược của ông Vương Kỳ Sơn. Nghĩa là, cải thiện thể chế chính trị hiện có, đồng thời giám sát và cải tạo bản thân. Ông Tập Cận Bình lại nhấn mạnh vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, hy vọng rằng đảng sẽ kiểm soát hoàn toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, cả ông Vương Kỳ Sơn và ông Tập Cận Bình đều không hoặc không muốn nhận ra rằng sự hủ bại và xung đột xã hội của Trung Quốc lại nằm chính trong bản thân thể chế của Đảng Cộng sản. Đảng độc chiếm quyền lực tuyệt đối, dẫn đến sự hủ bại gây sốc. Chủ nghĩa tư bản quyền quý đang ký sinh trên ung nhọt của thể chế này. Nếu thể chế chính trị không được cải cách, sẽ chỉ có thể là nuôi ong tay áo, nuôi cáo chuồng gà. Nhưng mọi người lại không biết rằng: “Người diệt 6 nước, là bản thân 6 nước, chứ không phải nước Tần; Người diệt nước Tần, là bản thân nước Tần, chứ không phải người trong thiên hạ.”

Tựu chung, ngày nay, Trung Quốc đã là nơi giả dược đang tràn ngập. Người Trung Quốc dùng giả dược và cho rằng với sự phát triển của nền kinh tế cùng sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, sẽ khiến Trung Quốc dần tiến tới nền dân chủ hợp hiến. Nhưng sau 40 năm cải cách, mở cửa, người dân Trung Quốc đã thu được những gì?

Ngoài việc quần chúng bàng quan theo dõi các cuộc tranh giành đấu đá quyền lực, chỉ là việc cấm tự do ngôn luận, sùng bái cá nhân, duy trì sự ổn định mạnh mẽ, mài kiếm giành quyền độc lập tư pháp, đảng lãnh đạo chính trị và tất cả. Cải cách thể chế chính trị là điều vô vọng, bóng ma của Cách mạng Văn hóa Mao Trạch Đông đang tái hiện.

Người Hồng Kông dùng giả dược và tin vào những lời dối trá “Một quốc gia, hai chế độ”, “Người Hồng Kông cai trị người Hồng Kông” và mức độ tự trị cao. Kết quả là ngày nay họ bị ĐCSTQ đàn áp bằng bạo lực.

Cộng đồng quốc tế dùng giả dược, khi tưởng tượng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc dân chủ hóa. Thậm chí họ còn dại dột đẩy Trung Quốc gia nhập WTO. Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã phá tan ảo tưởng của họ, và họ đành phải hợp lực để bao vây Trung Quốc.

Giờ mới thấy hối hận cớ chi ban đầu lại làm vậy? Nhưng điều thú vị là các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ cũng dùng giả dược. Họ nghĩ rằng miễn là thực thi chế độ độc tài trong nước và mở cửa với thế giới bên ngoài, thì ĐCSTQ sẽ có thể cai trị mãi mãi, các thế hệ đỏ sẽ nối tiếp truyền đời.

Nhưng tác dụng của giả dược là ngắn hạn và khó có thể kéo dài. Khi người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và cộng đồng quốc tế thức tỉnh khỏi giả dược, chế độ dường như áp đảo của ĐCSTQ sẽ chao đảo và biến mất một đi không trở lại.

Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện lập trường và quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: