Không giống như những thông tin tuyên truyền từ truyền thông trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giới quan sát bên ngoài phổ biến cho rằng năm 2022 là năm rất “nhạy cảm” đối với Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ sụp đổ chế độ vì những dấu hiệu cho thấy thực trạng tương tự như sự sụp đổ của Liên Xô cũ 30 năm trước.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov/Shutterstock).

Dường như đầu năm 2022 này không có mấy cơ quan truyền thông nước ngoài nào đưa tin tốt về Trung Quốc. Ngay cả khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cao giọng đe dọa thống nhất Đài Loan, nhưng tâm trạng cũng đầy lo lắng. Vì thế, bài này hình dung nhà lãnh đạo này đang đứng trên mũi dao. Tất nhiên, ông Tập nên lo lắng, vì khả năng ĐCSTQ tái diễn bài học lịch sử từ 30 năm trước khi chính thể cộng sản Liên Xô cũ sụp đổ là luôn hiện hữu! Nhiều nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc dự đoán chế độ ĐCSTQ sẽ không vượt qua năm nay.

Nhìn chung, nhiều người nghĩ rằng người Trung Quốc vốn đã quen làm thân nô lệ nên khó có thể dũng cảm đứng lên làm cuộc cách mạng, nhưng cục diện thế giới thường là cách mạng vô hình cuốn từng người vào, chứ không phải muốn hay không muốn mà được. Một khi lòng dân bất mãn tích tụ đến giới hạn có thể chịu đựng thì lẽ đương nhiên là một cuộc cách mạng sẽ xảy ra, và chính hoàn cảnh đó sẽ đẩy tất cả vào đường ray.

Nhà phân tích cấp cao Shaman của tổ chức tài chính lớn nhất của thế giới Morgan Stanley (Mỹ) chỉ ra những tín hiệu không tốt cho Trung Quốc vào năm nay: không còn là công xưởng của thế giới, khả năng gây sức ép chính trị không còn mấy, cộng đồng quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, suy sụp hình ảnh nước lớn, luật sư Thổ Nhĩ Kỳ được nhóm người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ủy thác kiện Tập Cận Bình và đã hoàn tất hồ sơ lên ​​tòa án Istanbul. Nhưng điều mà ông Tập phiền nhất chính là nước Litva (Lithuania) nhỏ bé đã đứng lên chống lại nước lớn với 1,4 tỷ dân, dù ĐCSTQ đã hết sức cố gắng nhưng vẫn không giải quyết được. Gần đây, hải quan Trung Quốc từ chối thông quan rượu rum của Litva nhưng Đài Loan lại làm ĐCSTQ “đỏ mặt” khi mua lại toàn bộ 20.000 chai rượu, vấn đề nhỏ này lại cuốn cả các nước châu Âu vào cuộc. Năm 2022, Trung Quốc sẽ thành nước cô độc trên trường quốc tế.

Nhưng điều khiến Tập Cận Bình lo lắng hơn cả là tình trạng nền kinh tế Trung Quốc vào thời kỳ suy thoái không thể tránh khỏi, có nhiều khả năng là mồi lửa nạn thất nghiệp sẽ làm sụp đổ chế độ.

Gần đây, tờ South China Morning Post (SCMP) Hồng Kông tiết lộ: thanh trừng chính trị của Tập Cận Bình vào năm ngoái khiến Trung Quốc có đến hơn 4 triệu doanh nghiệp nhỏ bị phá sản do bị những doanh nghiệp lớn sụp đổ “đè vào”. Evergrande là một ví dụ, không thể đếm được số công ty hợp tác vây quanh “gã khổng lồ” này bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Evergrande, ngoài ra kéo theo vết thương khác là cảnh “vườn không nhà trống” tại các tòa nhà do họ xây dựng. Khu Đông Hoản, Phật Sơn tỉnh Quảng Đông vốn là nơi giới doanh nhân Đài Loan tập trung và hàng loạt công xưởng bám vùng tam giác sông Trường Giang đã bị đào thải, khiến các cửa hàng xung quanh dựa theo cũng suy sụp làm vô số người bị mất việc làm. Nhưng ĐCSTQ chỉ nêu công khai mặt tích cực khiến số liệu thống kê thường rất đẹp, mức tăng trưởng kinh tế chói lọi, nhưng thực tế không đơn giản vậy. ĐCSTQ tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng năm 2021 có thể được đảm bảo là 6 [%], nhưng thậm chí cả Ngân hàng Thế giới (WB) cũng phải nghi ngờ con số này. Trước đây, Ngân hàng Thế giới thường là đồng phạm trong những số liệu giả tạo của ĐCSTQ nhưng giờ cũng nghi ngờ, chỉ còn lại nhà kinh tế học nô tài Lâm Nghị Phu (Justin Yifu Lin) là ngày ngày khoe khoang: kinh tế Trung Quốc sắp vượt qua Anh và đuổi kịp Mỹ.

Năm 2022, người dân Trung Quốc đang hoan nghênh luật thuế mới, hô vang khẩu hiệu “cùng giàu lên” bằng cách lấy của người giàu chia cho người nghèo. Đúng là khi đang hấp hối thì lại bị chém thêm nhát dao từ quy định của luật thuế mới; hủy bỏ thuế cố định đối với tất cả người nộp thuế và doanh nghiệp, thay vào là xem xét sổ sách để tính thuế, như vậy khoản thanh toán vốn khoảng 10.000 nhân dân tệ thì trong tương lai có thể là 50.000 nhân dân tệ…

Tập Cận Bình chỉ muốn làm hoàng đế, nhưng thực tế ​​hình ảnh quốc tế Trung Quốc bị hủy hoại, kinh tế sa sút, ĐCSTQ từng thương hại toàn thế giới vì dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhưng nay virus này đang lây lan trở lại Trung Quốc. Ngày 23/12 năm ngoái đã phong tỏa Tây An, khi đó Tập Cận Bình ra lệnh hạn “xóa sổ” virus vào ngày 4/1, và quả nhiên quan chức Tây An tuyên bố “xóa sổ” theo cách bi hài: chính quyền tỉnh Thiểm Tây thông báo sự cố hệ thống y tế khiến dữ liệu người nhiễm về 0.

Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ chỉ ra, COVID-19 rải rác truyền nhiễm trong các tỉnh thành ở Trung Quốc, mãi mãi không thể biết được số liệu thực; giả sử so sánh với Mỹ về số ca nhiễm và số ca tử vong được xác nhận do ĐCSTQ công bố, và sau đó dựa trên tỷ lệ dân số để tính thì mức độ dịch tại Mỹ bị nặng gấp 800 lần Trung Quốc; chỉ trong một ngày mà Mỹ có cả triệu trường hợp nhiễm được xác nhận, trong khi Trung Quốc chỉ có vài trăm ca thì có tin được? Không lẽ dịch vụ chăm sóc y tế của Mỹ đi sau Trung Quốc 800 năm? Nhìn vào cách phòng chống dịch bệnh đầy bạo lực của ĐCSTQ với những biện pháp phong tỏa làm đảo lộn mọi thứ thì có ai tin trình độ y tế Trung Quốc vượt qua Mỹ?

Số phận của người dân Tây An trong phong tỏa hiện nay cũng không khác gì người Vũ Hán thời đầu đại dịch bị ĐCSTQ phong tỏa, không thể biết người dân đói khổ còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Dù Tập Cận Bình vẫn đang mơ làm Hoàng đế nhưng trong lòng ông ta biết rõ: nguy cơ ĐCSTQ sụp đổ đã hiện hữu trước mắt, liệu có thể vượt qua được năm nay không là điều Tập Cận Bình đang lo ngại.

Hồng Bác Học
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được People News Đài Loan trao quyền cho Vision Times đăng lại.)

Xem thêm: