Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới thời ông Tập Cận Bình đến nay đã hoàn thành thay đổi mang tính bước ngoặt, mở ra một biến thể khác của mô hình chính trị hoàng đế. Tác giả Phúc Thần Kỳ có bài viết thể hiện góc nhìn về vấn đề này trên RFA.

57f3dd4fb27e58decca85aba109a8a28
Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 của ĐCSTQ (Ảnh: Cắt từ video trực tiếp của CCTV)

[Cố lãnh tụ Trung Hoa Dân Quốc/Đài Loan] Tôn Trung Sơn hy vọng Trung Quốc sẽ bước vào kỷ nguyên dân quyền sau khi kết thúc kỷ nguyên Hoàng quyền thời phong kiến. Nhưng đáng buồn là dòng lịch sử quanh co khó đoán. Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc trải qua những rối ren tại Đại Lục, giai đoạn đó chỉ là thời kỳ chưa trưởng thành về kinh nghiệm dân chủ, một thời kỳ hành trình dân chủ bấp bênh và cuối cùng lại kết thúc bằng một mô hình phi dân chủ.

Với hỗ trợ về mọi mặt của Liên Xô, ĐCSTQ khi đó đã đánh bại lực lượng chính của quân đội quốc gia [Trung Hoa Dân Quốc] khi đó vốn vừa bị suy yếu sau cuộc kháng chiến chống Nhật và buộc chính phủ quốc gia phải rút lui về Đài Loan. Mảnh đất Đại Lục bắt đầu một triều đại quyền lực mới dưới chế độ độc tài độc đảng.

Sau khi Tập Cận Bình lên đến vị trí quyền lực cao nhất tại Trung Quốc, đã tiến tới kết thúc mô hình chính trị quả đầu [quyền lực thuộc một nhóm người thống trị quyền lực một đảng toàn trị] khởi đầu từ Mao Trạch Đông, mở ra mô hình mới chính trị hoàng đế [quyền lực thuộc một cá nhân cầm đầu một đảng toàn trị], như ông [trùm bất động sản] Nhậm Chí Cường từng mỉa mai tham vọng làm hoàng đế của ông Tập. Đáng tiếc là không có lực lượng nào trong toàn xã hội Trung Quốc hay trong nội bộ ĐCSTQ có thể kiềm chế và ngăn chặn Tập Cận Bình thực hiện trò hề giấc mộng hoàng đế. Tại Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Tập đã hoàn thành giấc mơ biến ĐCSTQ thành Đảng Tập Cận Bình, theo đó các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ đều là tiểu đệ của đại ca Tập. Ông Tập Cận Bình mượn cái gọi là “lưỡng hội” (hai kỳ họp Chính hiệp và Nhân đại của ĐCSTQ diễn ra hàng năm) để hợp pháp hóa tham vọng đó. Cái gọi là “cải cách thể chế” hiện đang được thực hiện tóm lại là bỏ hoàn toàn hình thức tách biệt giữa Đảng và Chính phủ hình thành trong thời chính trị quả đầu, để xây dựng thể chế cá nhân trị thao túng một đảng toàn trị được tự tung tự tác thực thi quyền lực.

Xem qua nội dung chính của cải cách thể chế là thấy rõ. Mở đường cho chính quyền trung ương trực tiếp can thiệp vào các lĩnh vực kinh tế, tài chính và công nghệ bằng cách: (1) Thành lập Ban Tài chính Trung ương; (2) Thành lập Ban Công tác Tài chính Trung ương; (3) Thành lập Ban Khoa học – Công nghệ Trung ương. Mở đường để trung ương trực tiếp quản lý các tổ chức phi chính phủ thông qua (4) Thành lập Ban Công tác xã hội Trung ương. Và (5) thành lập Ban Công tác Đại biểu Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc để làm cho con dấu cao su của hệ thống này trơn tru hơn. Còn trung ương giờ đây chỉ có một cái đầu, một tiếng nói là của Hoàng đế Tập Cận Bình. Có thể thấy, sau khi cải cách thể chế thì quyền lực của Hoàng đế Tập sẽ không bị cản trở.

Ông Tập Cận Bình không hài lòng với việc trở thành hoàng đế ở Cửu Châu (tức 9 vùng hành chính của Trung Quốc), mà còn muốn vạch ra hướng đi cho toàn nhân loại và trở thành hoàng đế của toàn thế giới. Đảng Tập Cận Bình đã công bố cái gọi là “Văn kiện về Sáng kiến ​​An ninh toàn cầu” với mục tiêu thúc đẩy an ninh chung của nhân loại, chỉ ra rằng an ninh dựa trên đạo lý và tư tưởng đúng đắn mới là an ninh có nền tảng vững chắc và có tính bền vững. Thế nhưng Đảng Tập Cận Bình có tư cách gì nói “đạo lý” và “tư tưởng đúng đắn”, khi coi Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc như giấy vụn, chà đạp lên phẩm giá cơ bản của con người và tước bỏ các quyền con người cơ bản của người dân Trung Quốc? Đảng Tập Cận Bình có tư cách gì nói “đạo lý” khi dựa vào thâm nhập sâu rộng và kiểm soát nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc, qua đó dùng chiêu bài “kiên định tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc” để quảng bá quyền lực toàn trị ra thế giới, có thể thấy “Văn kiện về Sáng kiến ​​An ninh toàn cầu” chồng chất vô số lời hoa mỹ chỉ để lừa bịp cộng đồng quốc tế. Bản chất vấn đề là để chế độ độc tài độc đảng coi thường nhân phẩm và tước đoạt các quyền cơ bản của con người sẽ được an toàn trước những tiếng nói phản đối, để một ngày nào đó cả thế giới sẽ thống nhất theo khái niệm của chế độ độc tài đảng, và cả nhân loại sẽ chia sẻ sự an toàn này. Dù nhiều chính trị gia ở các nước dân chủ vẫn chưa nhận ra hiểm họa nghiêm trọng của Đảng Tập Cận Bình, nhưng vương triều Tập – kẻ thù của lương tâm và đạo lý cơ bản của loài người – đã được ấn định chỉ là một giai đoạn xấu xí trong lịch sử văn minh nhân loại.

Hoàng đế Tập Cận Bình rốt cuộc chỉ là một tên hề của lịch sử sống trong ảo mộng.

Phúc Thần Kỳ
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên RFA.)