Sự kiện hỗn loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 diễn ra khi các nghị sĩ đang tổ chức xác nhận phiếu Đại cử tri, khiến cuộc họp bị gián đoạn và buộc phải sơ tán. Vì sao các nghị sĩ có thể “biến mất thần tốc” như vậy? Lời giải nằm ở con đường ngầm dưới Điện Capitol.

1024px Capitol Hill Building
(Ảnh: Lars Di Scenza/ Wikimedia)

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây một số phương tiện truyền thông Mỹ đã tiết lộ về lối thoát hiểm của Điện Capitol, cho biết có ít nhất 19 đường hầm nằm dưới Điện Capitol, không chỉ người dân có thể đi mà cả tàu điện ngầm cũng có thể đi trực tiếp vào được.

Theo trang tin quân sự The War Zone của Mỹ, trên thực tế chuyện có nhiều đường hầm rộng lớn dưới Điện Capitol và toàn bộ Washington DC không có gì là chuyện bí mật. Trong đó nhiều đường được các nhân viên làm việc sử dụng hàng ngày nhằm thuận tiện qua lại giữa các khu trong tòa nhà Chính phủ mà không cần phải đi ra ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp vào ngày 6/1 Quốc hội Mỹ bị đột nhập thì những đường hầm này đã cho thấy giá trị nổi bật đặc biệt của việc “thoát hiểm”.

Truyền thông Mỹ tiết lộ rằng “mê cung dưới lòng đất” của Đồi Capitol bao gồm ít nhất 19 tuyến đường, con đường hầm tại Tòa nhà Cannon và Điện Capitol và các tòa nhà lân cận chỉ là một phần trong số đó, những đoạn đường hầm này cho phép cả người và phương tiện xe cộ đi qua.

Đường hầm đầu tiên tới Điện Capitol là đường hầm nối Tòa nhà Cannon và tòa nhà văn phòng Thượng viện Russell ở phía bắc. Đã từ lâu, những tòa nhà văn phòng vệ tinh này là nơi nhiều dân biểu Mỹ thực sự làm việc. Tòa nhà Cannon được mở cửa vào năm 1908, còn Tòa nhà Russell được hoàn thành vào năm sau đó. Ngay từ ban đầu, Tòa nhà Russell đã có hệ thống tàu điện ngầm, khi đó chỉ dựa vào xe điện để chở các thượng nghị sĩ và những người khác đến Điện Capitol.

Kể từ đó, khi tầm ảnh hưởng của Điện Capitol đối với Đồi Capitol không ngừng mở rộng, số lượng đường hầm cũng tăng lên. Các con đường hầm này không ngừng được mở rộng và cải tiến. Ví dụ đường Cannon đã phát triển thành “thành phố dưới lòng đất”, có cửa hàng giày dép, bưu điện và quán ăn tự chọn. Hệ thống tàu điện ngầm của Điện Capitol cũng được nâng cấp và cải tiến, từ đường ray đơn tuyến thành đường sắt nhẹ.

Bắt đầu từ năm 1960, nhiều tuyến tàu điện ngầm hơn đã được tăng cường tại khu tầng trệt của các văn phòng quốc hội khác bên ngoài Tòa nhà Russell. Hệ thống này có kết nối với tòa nhà văn phòng Dirksen và Hart (Dirksen and Hart) của Thượng viện, và tòa nhà văn phòng Rayburn. Tòa nhà Rayburn cũng có một phòng tập thể dục được chuẩn bị đặc biệt cho các dân biểu và một trường tập bắn súng cho cảnh sát Quốc hội.

Ngoài việc lưu thông hàng ngày, giá trị quan trọng nhất của những đường hầm này là trong trường hợp khi có nguy hiểm xảy ra, chúng giúp mọi người bên trong có thể thoát ra các tòa nhà xung quanh, và cũng có thể giúp ẩn thân.

Theo “Dự án Đường hầm Washington”, năm 1958 Chính phủ Mỹ đã chỉ định đường hầm giữa Điện Capitol và Tòa nhà Russell làm nơi trú ẩn bụi phóng xạ. Năm 1998, một người bị bệnh tâm thần đã bắn chết hai cảnh sát quốc hội, dẫn đến việc đóng cửa công chúng tại nhiều đường hầm mở cửa.

Vào đầu thế kỷ 21, với sự mở rộng quy mô lớn của quần thể tòa nhà Capitol thì công trình ngầm quy mô lớn xung quanh Đồi Capitol cũng theo đó được khởi công. Một phần mở rộng ngầm 3 tầng, rộng khoảng 54.000 mét vuông đã được đào về phía đông, lối đi ngầm mới này được kết nối với các tòa nhà văn phòng xung quanh.

Dự án mở rộng này bao gồm một đường hầm lớn kéo dài khoảng 93 mét về phía tây bắc. Lối đi này có bề ngoài là tuyến đường dành cho các xe chở rác, cho phép các nhân viên an ninh thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo những xe rác này không bị biến thành vũ khí tạm thời trong khoảng cách an toàn với cơ quan lập pháp Mỹ.

Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 21 sau khi dự án đường hầm Washington hoàn thành, các nhà thiết kế của Điện Capitol đã xóa thông tin xây dựng liên quan. Điều này dường như cho thấy rằng chúng có các chức năng nhạy cảm, chẳng hạn như trong trường hợp có nguy cơ sẽ dùng để các thành viên Quốc hội và những nhân vật quan trọng khác sơ tán khỏi Điện Capitol.

Trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, Phó Tổng thống Mỹ Pence và một số thành viên Quốc hội đã vội vã ra khỏi tòa nhà qua đường hầm nào đó không rõ. Sau đó, dân biểu đảng Dân chủ bang California là Pete Aguilar tiết lộ với giới truyền thông: “Khi đó chúng tôi ở dưới tầng hầm và đi bộ qua đường hầm, không biết các nhân viên an ninh muốn chúng tôi đi đâu”.

Có thông tin cho rằng sau khi thoát khỏi Điện Capitol, một số quan chức quan trọng đã được chuyển đến căn cứ Pháo đài McNair (Lesley J. McNair) ở Washington. Pháo đài này là một phần trong kế hoạch an ninh của Chính phủ Mỹ nhằm đảm bảo Chính phủ có thể luôn hoạt động tốt trong các trường hợp khẩn cấp nếu xảy ra. Chí ít “đường hầm rác” này có thể cung cấp con đường rất rõ ràng cho các phương tiện cứu hộ chạy thẳng vào Điện Capitol, đón các quan chức chính phủ quan trọng đưa thẳng đến Pháo đài McNair, cách đó 1,6 km.

Đáng chú ý là đường hầm phức hợp Điện Capitol không phải là con đường duy nhất để kết nối tòa nhà Chính phủ Washington DC và các tòa nhà quan trọng khác. Dù sao thì để bảo mật và an toàn, không phải tất cả các đường hầm đều được công khai. Có thông tin cho rằng Nhà Trắng cũng có một mê cung các đường hầm dưới lòng đất.

Việc xây dựng lối đi ngầm của Nhà Trắng bắt nguồn từ cuộc tấn công Trân Châu Cảng của quân Nhật năm 1941. Để ngăn chặn các cuộc tấn công ngẫu nhiên trên không, nhà chức trách Mỹ đã bố trí một đường hầm giữa Nhà Trắng và Bộ Tài chính. Đường hầm này có thể hỗ trợ cho các phương tiện qua lại, có tin đồn rằng lối vào nằm sau khu nhà phụ của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Nhà Trắng còn xây dựng một boongke để làm Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Tổng thống. Thời chính quyền Obama, một boongke lớn đã được xây dựng dưới bãi cỏ của Nhà Trắng.

Hàn Giang Tuyết, Vision Times tiếng Trung

Xem thêm: