Những bậc cha mẹ thông minh sẽ không để lại cho con cái vài căn biệt thự, vài chiếc ô tô hay hàng trăm triệu tiền tiết kiệm mà quan trọng hơn là dạy dỗ chúng trở thành một người có năng lực, trách nhiệm và phẩm cách. Do đó, việc dạy dỗ và bồi dưỡng con cái quan trọng hơn điểm số ở trường rất nhiều.

dạy con
Tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con là dạy con cái cách để sống trọn vẹn và ý nghĩa trong cuộc đời. (Ảnh: Rawpixel.com/ Shutterstock)

Tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con cái là gì? Không phải là tiền tài của cải mà là hướng dẫn trẻ để sống hết mình. Cha mẹ cần dạy con cái cách để sống trọn vẹn và ý nghĩa trong cuộc đời. “Sống hết mình” cũng có thể hiểu là sự biểu hiện của sức sống từ bên trong.

Sức mạnh của một hạt giống nảy lên khỏi mặt đất là sức sống. Hoa sen tuyết nở trên vách đá cheo leo lạnh lẽo của núi Thiên Sơn cũng là sức sống. Đối với con người chúng ta, tiếng khóc đầu tiên khi đứa trẻ chào đời, là sức sống. Trí tuệ và kinh nghiệm trong cuộc sống của những người đi trước cũng có sức sống vô cùng to lớn. Cuộc sống thật kỳ diệu, vạn vật không thể phát triển nếu thiếu đi sức sống.

Sức sống thật tuyệt vời như vậy, vừa rộng lớn vừa sâu sắc, cũng là một loại sức mạnh kiên cường giúp con người có thể lạc quan và can đảm đối diện với những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Cha mẹ cho con cái sinh mệnh và cũng cần hướng dẫn con sống một cách trọn vẹn từng khoảnh khắc trên đời. Điều này đòi hỏi cha mẹ cần bồi dưỡng tâm hồn và tài năng của trẻ mà không phải chỉ là cung cấp kiến ​​thức khô khan.

Giáo dục để trẻ sống hết mình là quá trình mà cha mẹ và con cái khám phá thông qua việc cùng nhau thực hành và rút kết ra kinh nghiệm. Cụ thể, cần nỗ lực trau dồi những khía cạnh chính sau đây. 

Khả năng lắng nghe: Rèn luyện trẻ kiên nhẫn lắng nghe 

Lắng nghe thực sự rất quan trọng, nhiều người hiện đại thiếu sự kiên nhẫn, không biết cách lắng nghe những lời giải thích của người khác, họ luôn cho rằng những gì mình nói là hợp lý nhất. Kỳ thực, trong nhiều trường hợp, bởi vì con người có điểm mù, quên mất việc lắng nghe và thấu hiểu góc nhìn của người khác nên thường đưa ra những quyết định hay phán đoán sai lầm. Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái là cách rèn luyện khả năng lắng nghe tốt nhất. Trước tiên, cha mẹ cần buông bỏ quan niệm bản thân và lắng nghe nội tâm của con mình. Dần dần trẻ cũng có thể học cách lắng nghe ý kiến ​​của người khác một cách tinh tế. 

Kiến thức: Thói quen chăm chỉ đọc sách

Trẻ em không có thói quen chăm chỉ đọc sách chắc chắn sẽ không có sự phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, cần hình thành thói quen đọc sách khi có thời gian rảnh, dù gặp khó khăn đến đâu cũng duy trì thói quen này. Đọc sách không chỉ là để tiếp thu thông tin hay kiến thức, mà còn cần đào sâu để rèn luyện tư duy và khả năng phán đoán, phân tích vấn đề. Việc đọc tài liệu và thói quen chăm chỉ đọc sách có thể mang đến cho trẻ những lợi ích không ngờ trong lương lai. Vì vậy, cha mẹ nên chia sẻ và khuyến khích con đọc sách nhiều hơn.

shutterstock 1918643366
Mỗi cuốn sách hay mang đến cho con cả một vùng trời rộng lớn về kiến thức và kinh nghiệm sống. (Ảnh: Jorm Sangsorn/ Shutterstock)

Kỹ năng sống: Có khả năng tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống 

Nhiều trẻ em không có kỹ năng sống, không biết nấu ăn, giặt quần áo, không biết dọn phòng, không biết chăm sóc bản thân,…Năng lực đối mặt và giải quyết vấn đề một cách độc lập là khả năng sinh tồn mà mỗi người cần phải có, đồng thời nó cũng là khả năng cơ bản mà mỗi cá nhân phải có khi đối mặt với cuộc sống và sự nghiệp. 

Trong gia đình, cùng nhau làm việc nhà là cách nhanh nhất để rèn luyện tinh thần trách nhiệm và kỹ năng sống cho trẻ. 

Nghiêm khắc : Nuôi dưỡng thói quen kỷ luật bản thân cho trẻ

Thói quen kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân dù trong cuộc sống hay công việc là đức tính cơ bản nhất để sau này đứa trẻ được người khác tôn trọng và đánh giá cao. Những người có thể nghiêm khắc với bản thân lại là những người giỏi nhất trong mọi công việc. Bởi vì họ có thể khắc chế sự lười biếng của bản thân, kiên trì đến cùng với mục tiêu ban đầu. Do đó, nuôi dưỡng đức tính kỷ luật sẽ giúp trẻ có một nền tảng tốt để phát triển trong tương lai.

Tôn trọng: Biết tôn trọng lẫn nhau và biết phê bình phù hợp

Để người khác tôn trọng mình, trước tiên phải biết tôn trọng người khác. Ý nghĩa rất rõ ràng, chỉ có tôn trọng người khác mới có thể được người khác tôn trọng, đây là bài học mà mọi đứa trẻ lớn lên đều phải trải qua. Ngoài ra còn có sự tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

Bảo vệ môi trường: Nuôi dưỡng khái niệm bảo vệ môi trường 

Môi trường sống hay tự nhiên không chỉ có vai trò to lớn đối với cuộc sống của chúng ta, mà còn ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ tương lai. Chỉ cần những thói quen nho nhỏ như để rác đúng nơi quy định, phân loại rác, di chuyển bằng xe đạp, chăm sóc cây xanh xung quanh mình… sẽ dần dần giúp trẻ học được cách yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên và xây dựng ý thức cộng đồng.

làm việc tốt
Dạy con làm những việc nhỏ để hình thành nên nhân cách lớn. (Ảnh: Daniel Chetroni/ Shutterstock)

Khiêm tốn: Dưỡng thành đức tính khiêm tốn

Giỏi tiếp nhận thế giới bên ngoài, giỏi tiếp thu cái mới, giỏi khám phá, học hỏi cái mới và không ngừng tiếp thu là một năng lực rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Những điều này đều bắt nguồn từ sự khiêm tốn học hỏi từng chút một trong cuộc sống. Đồng thời, sự khiêm tốn của cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho con cái. 

Tài sản lớn nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cái không phải là của cải mà là sự lắng nghe, kiến ​​thức, kỹ năng sống, kỷ luật, tôn trọng, bảo vệ môi trường, tính khiêm tốn, đây đều là những điều cần được nuôi dưỡng và học hỏi từng chút một từ cuộc sống hằng ngày.