Nếu đã từng đi du lịch Ấn Độ, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những người ăn xin trên đường phố, họ xin tiền bạn một cách rất đáng thương, họ khóc lóc than thở cuộc sống khó khăn ra sao, còn phải nuôi bao nhiêu người đang đói ở nhà như thế nào v.v… Những người này đôi khi bị khách du lịch nước ngoài xem là những kẻ “chuyên moi tiền” khách du lịch.

Tuy nhiên, một giảng viên đại học địa phương ở Ấn Độ đã không quay đầu bỏ đi khi nhìn thấy những người ăn xin. Anh cho biết, điều mà anh từng trải qua cách đây 6 năm đã thay đổi cách nhìn của anh về những người ăn xin này, từ đó anh quyết định giúp họ ngừng ăn xin trên đường phố, tìm việc làm và sống bình thường trở lại.

vo gia cu
(Ảnh: Atchayam Trust for Beggar Free India)

Anh Naveen Kumar (26 tuổi) là một giảng viên đại học trẻ. Vào năm 2014, khi đang theo học năm thứ ba ngành cơ khí, có một lần anh đến thăm ngôi chùa tên là “Erode”, anh gặp một bà lão vô gia cư đang ăn xin. 

Anh nói với tờ The Better India rằng: “Bà ấy xin tôi tiền và nói rằng mình đã bị người thân xua đuổi và cần tiền để về nhà.”

Khi đó, anh đã không bỏ đi mà đưa cho bà cụ toàn bộ số tiền cơm tối ngày hôm đó của mình.

Anh cho biết: “Khi đó tôi nghĩ rằng so với bà cụ thì tôi vẫn còn nước để uống và nơi để ngủ.”

Hai ngày sau đó, anh Naveen lại bắt gặp một người đàn ông tên Rajsekar và lại một lần nữa dùng tiền túi của mình để giúp đỡ vì cảm thấy tội nghiệp sau khi nghe câu chuyện của ông ấy, còn chính anh thì lại chịu đói cả đêm.

Anh chia sẻ rằng: “Bố tôi bị người ta bắt cóc, mẹ tôi thì nằm liệt giường, vì thế tôi biết cái cảm giác đói nghèo, không một đồng xu dính túi là như thế nào.”

Thế nhưng  vài ngày sau đó, khi anh Naveen gặp lại người đàn ông tên Rajsekar đang ăn xin ở chỗ cũ thì anh biết rằng mình đã bị lừa.

giang vien
Anh Naveen Kumar. (Ảnh: Atchayam Trust for Beggar Free India)

Anh Naveen nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi bước tới và hỏi ông Rajsekar về những gì đang xảy ra và tại sao ông ấy không thể kiếm sống bằng chính phẩm giá và nhân phẩm mà phải ăn xin trên phố.”

Ông Rajsekar không trả lời câu hỏi của anh Naveen. Tuy nhiên, anh đã không bỏ cuộc. Dù ông Rajsekar có thốt ra những ngôn từ khó nghe như thế nào, anh cũng nhất quyết truy hỏi suốt 22 ngày. 

Và cuối cùng, anh Naveen đã có được câu trả lời.

Anh kể rằng: “Vào một buổi tối, lúc 11 giờ, chúng tôi đang uống trà với nhau thì ông ấy đã chịu mở lời. Ông ấy nói rằng ông ấy nghiện rượu và rất thất vọng về cuộc sống nên quyết định đi ăn xin.”

Lúc này, chàng kỹ sư trẻ đã hiểu rằng điều mà nhiều người ăn xin cần không chỉ là một ít tiền trong một lúc mà là sự giúp đỡ lâu dài về tinh thần. 

Tuy nhiên, khi anh Naveen nói với gia đình và bạn bè về suy nghĩ của mình về những người ăn xin thì phản ứng mà anh nhận được đều là sự phản đối, mọi người đều nói rằng hãy tập trung vào việc học tập và công việc của mình thay vì giúp đỡ những người ăn xin. 

Gia đình và bạn bè của Naveen đã nói với anh rằng: “Đến cả chính phủ mà còn phải bất lực trong việc giải quyết vấn đề người ăn xin. Một mình anh thì làm được gì?”

Dù vậy, anh Naveen vẫn quyết tâm thực hiện.

Sau khi tốt nghiệp, người ăn xin đầu tiên mà anh Naveen giúp đỡ chính là ông Rajsekar, anh đã giúp người đàn ông này tìm được công việc làm bảo vệ khu phố.

Sau đó, trong lúc học lên cao hơn, anh Naveen đã thành lập một tổ chức phi chính phủ có tên là “Atchayam Trust for Beggar Free India” với mục tiêu là cứu trợ từ thiện để Ấn Độ không còn người ăn xin.

Anh Naveen cho biết, ban đầu khi vận động vốn từ gia đình và bạn bè thì câu trả lời mà anh nhận được đều là không ủng hộ, họ còn nói anh “xin tiền cứ như ăn xin”.

Sau khi hoàn thành việc học, anh Naveen trở thành giảng viên đại học và bắt đầu dùng lương và số tiền quyên góp được để thực hiện dự án cứu trợ người ăn xin. Hiện nay, anh đã tập hợp được một đội với hơn 400 tình nguyện viên rải khắp 18 khu vực ở bang Tamil Nadu phía Nam Ấn Độ và đã giúp đỡ tìm việc làm cho 572 người ăn xin cũng như hỗ trợ hơn 5.000 người vô gia cư.

vo gia cu 1
Một người vô gia cư trước và sau khi được tổ chức của anh Naveen giúp đỡ. (Ảnh: Atchayam Trust for Beggar Free India)

Các tình nguyện viên tham gia vào tổ chức cứu trợ của anh Naveen có những sinh viên học ngành tâm lý học và ngành y, họ giúp đỡ những người ăn xin khắc phục vấn đề khó khăn về tâm lý như xấu hổ, sợ sệt v.v… để họ liên lạc lại với gia đình, tìm lại công việc và tự lập trở lại.

Tổ chức từ thiện này của anh Naveen cũng hỗ trợ những người ăn xin cần được chữa bệnh cũng như hướng dẫn cho họ cách chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh tật.

vo gia cu 2
Một người vô gia cư tìm được việc làm với sự giúp đỡ của anh Naveen. (Ảnh: Atchayam Trust for Beggar Free India)

Vì tình yêu thương và những đóng góp của mình, anh Naveen đã giành được nhiều giải thưởng từ các cơ quan tư nhân và chính phủ, bao gồm cả Giải thưởng Thanh niên Xuất sắc Quốc gia do chính phủ Ấn Độ cấp hai lần vào năm 2018 và 2019.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: