Gừng dù thường được coi là gia vị nấu ăn, nhưng cũng là một loại dược liệu trong y học cổ truyền trong suốt hàng ngàn năm qua. Hiện nay, người ta đã chứng minh được gừng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như chống oxy hóa, chống buồn nôn và giúp giảm cân.

Lợi ích y học của gừng đến từ hai loại hợp chất hoạt tính sinh học chính: gingerol (có trong gừng tươi), shogaol (có trong gừng đã được phơi, sấy khô hoặc xử lý nhiệt).

củ gừng, giảm cân
(Ảnh: Joseph Mucira / Pixabay)

Dưới đây là kết quả của những nghiên cứu tìm hiểu về mức độ hiệu quả của gừng trong việc giảm cân, duy trì cân nặng và quá trình trao đổi chất:

1. Giúp cảm thấy no lâu hơn

Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2012, 10 người đàn ông được yêu cầu tiêu thụ 2 gam bột gừng khô hòa tan trong nước nóng sau bữa sáng. Kết quả cho thấy các đối tượng cảm thấy no lâu hơn sau khi uống đồ uống có gừng. Ngoài ra, so với chỉ uống nước thì đồ uống chứa gừng giúp họ tăng đốt cháy nhiệt lượng lên đến 43 kcal sau bữa ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu này còn rất hạn chế vì chỉ là thí nghiệm cấp tính, tức là các phép đo được thực hiện ngay sau khi uống gừng 1 lần, khác hoàn toàn với một nghiên cứu dài hạn cần sự quan sát lâu dài. 

Marie-Pierre St-Onge (Tiến sĩ, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Đại học Columbia và đồng tác giả của nghiên cứu) cho biết những kết quả này chỉ ra rằng gừng có thể có tác động đến khả năng giảm cân của một người nếu họ uống đồ chứa gừng (không đường) thay cho các món uống nhiều đường.

Lưu ý: Karli Burridge, giám đốc về cân nặng y tế tại LifeWeigh Baries and Wellness cho biết một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy gừng có thể gây tác động giới hạn đến trọng lượng cơ thể, nhưng không thể làm cân nặng giảm đột ngột (hoặc giảm nhiều). 

Hầu hết các nghiên cứu về lợi ích giảm cân của gừng đều được thực hiện trên mô hình động vật. Các nghiên cứu trên người chủ yếu là các nghiên cứu nhỏ.

2. Có thể giúp đốt cháy chất béo

Một nghiên cứu năm 2019 ở Hàn Quốc đã quan sát trên 80 đối tượng bị béo phì (chia thành 2 nhóm). Họ được yêu cầu tiêu thụ chiết xuất gừng (dùng ethanon) có hàm lượng shogaol mạnh hơn gừng thông thường, hoặc giả dược để xem liệu gừng có giúp giảm mỡ trong cơ thể hay không. Cả hai nhóm đều ăn theo chế độ quen thuộc hàng ngày của họ nhưng nhóm uống chiết xuất gừng lại giảm được nhiều mỡ trong cơ thể hơn so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy bổ sung gừng có thể giúp giảm cân cho dù chúng ta không thay đổi chế độ ăn uống.

củ gừng, giảm cân
(Ảnh: silviarita / Pixabay)

3. Có thể làm giảm tiết insulin

Một đánh giá năm 2018 cho thấy gừng không có khả năng tác động đến mức insulin nhưng lại có thể làm giảm tình trạng kháng insulin. Đây có thể là một nhân tố giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2. Cũng có bằng chứng cho thấy duy trì chế độ giảm cân có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin.

4. Có thể giúp kiểm soát cân nặng

Một đánh giá năm 2018 cho thấy tiêu thụ gừng có liên quan đến việc giảm trọng lượng cơ thể, tỷ lệ vòng eo trên hông và chỉ số đường huyết khi đói, nhưng chỉ số BMI thì không thay đổi.

giam can
(Ảnh: Pixabay)

5. Có thể giúp giảm viêm

Gừng có thể hiện đặc tính chống viêm trong các thí nghiệm trên động vật nhưng với các thử nghiệm lâm sàng trên người vẫn cần quan sát kỹ hơn. Nhưng có một nghiên cứu nhỏ cho thấy những người dùng gừng ít bị đau do viêm sau khi tập thể dục hơn so với nhóm dùng giả dược. 

Bà Burridge, chuyên gia cân nặng tại Trung tâm LifeWeigh Baries nhận định rằng béo phì là một tình trạng sưng viêm mãn tính, tiêu thụ gừng có thể giúp thúc đẩy hiệu quả của việc tập thể dục để hỗ trợ người béo phì giảm cân.

Bà Burridge cũng lưu ý rằng lượng gừng được dùng trong các nghiên cứu chỉ có vài gam nên trong thực tế, mọi người cần thận trọng với liều lượng sử dụng. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe của mình nếu quyết định bổ sung gừng vào chế độ ăn uống hoặc chữa bệnh. 

Minh Minh (Theo Insider)

Xem thêm: