Trở nên giàu có là ước mơ của tất cả mọi người. Nếu bạn đang muốn phát triển công việc kinh doanh hoặc bắt đầu trở thành một nhà đầu tư thì có lẽ kinh nghiệm từ Warren Buffett, Jeff Bezos, Oprah Winfrey sẽ giúp được bạn.

Trở thành một triệu phú (USD) là một thành tựu ấn tượng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là khi bạn tự làm tất cả. Có rất nhiều người hài lòng với danh hiệu triệu phú nhưng cũng có những người muốn hướng tới cột mốc quan trọng tiếp theo – tỷ phú. Nếu bạn đang chạy theo mục tiêu lớn đó thì dưới đây là những lời khuyên hữu ích dành cho bạn.

1. Warren Buffett 

tỷ phú
Tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Kent Sievers/ Shutterstock)

Không có danh sách tỷ phú nào được gọi là đầy đủ nếu không nhắc đến Warren Buffett, người giàu thứ năm trên thế giới với tổng tài sản trị giá 104 tỷ USD tính theo báo cáo mới nhất. Buffett là một người tự lập 100%. Ông kiếm được khối tài sản đáng kinh ngạc này hoàn toàn là nhờ kỹ năng đầu tư tuyệt vời của mình.

Đầu tư là một kỹ năng không thể thiếu nếu bạn thực sự muốn tài sản của mình tăng lên. Cho dù bạn đang kinh doanh hay là một nhà đầu tư cơ bản thì việc biết nên cho tiền vào đâu và làm thế nào để nhận được lợi nhuận tốt nhất vẫn là con đường duy nhất giúp bạn tiến lên phía trước.

Dưới đây là một số lời khuyên từ Warren Buffett để bạn tham khảo:

“Quy tắc số 1 là không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2 là không bao giờ quên Quy tắc số 1”

Quy tắc đầu tư quan trọng nhất đối với Warren Buffett hóa ra lại mâu thuẫn với quy tắc chung của ngành. Không có gì bất ngờ khi các khoản đầu tư hứa hẹn lợi nhuận tốt nhất thường đi kèm với rủi ro lớn. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư trẻ vì muốn nhận về một khối lợi nhuận siêu lớn nên đã chọn cách nhảy vào các kế hoạch hoặc cổ phiếu rủi ro mà không cân nhắc kỹ về những tổn thất có thể xảy ra.

Buffett có cách suy nghĩ hoàn toàn trái ngược: Ông tin rằng nguyên tắc đầu tiên để kiếm tiền là bảo vệ danh mục đầu tư của bạn không bị thua lỗ. Ví dụ: Nếu hôm nay bạn có 1000 USD thì việc tăng con số đó thành 10.000 USD sẽ dễ dàng hơn là bạn đi đầu tư và chịu lỗ thêm 4000 USD. Cuối cùng giấc mơ 10.000 USD của bạn sẽ trở thành “bay” mất 15.000 USD. 

Đầu tư không phải lúc nào cũng có rủi ro. Vì vậy, khi xem xét một kế hoạch mới, bạn hãy lưu ý đề phòng cả những tổn thất chứ chỉ đừng nhìn vào phần lợi nhuận. 

“Cơ hội không đến thường xuyên. Khi có cơ hội, hãy nắm lấy ngay”

Nhiều người trong chúng ta cho rằng cuộc đời luôn có rất nhiều cơ hội nên thường chần chừ hoặc bỏ lỡ, nhưng Buffett thì lại nghĩ khác. Ông tin rằng những cơ hội tuyệt vời nhất chỉ đến vài lần trong đời. Vì vậy, khi điều đó xảy ra, bạn hãy nắm lấy nó bằng cả hai tay và đừng tỏ ra keo kiệt. 

Ví dụ: Nếu bạn thấy giá cổ phiếu của một công ty có triển vọng giảm trong giây lát, hãy suy nghĩ kỹ càng và nhanh chóng và đầu tư ngay khi có thể. Các công ty như Amazon hay Google có thể phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm nhẹ sau những vấn đề nhỏ. Nhưng nếu xét đến thị phần và thành tích dịch vụ trong quá khứ thì chắc chắn họ sẽ luôn tăng trưởng trở lại.

“Nếu bạn muốn dành 6 đến 8 giờ mỗi tuần để đầu tư, hãy làm điều đó. Nếu không, hãy tính trung bình chi phí bằng USD vào các quỹ chỉ số”

Khi nói đến việc kiếm tiền thông qua đầu tư, mọi người thường chỉ nghĩ đến cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu là một lĩnh vực có rất nhiều rủi ro và bạn sẽ phải đọ sức với những nhà đầu tư giỏi nhất trên thế giới. Tin vui cho bạn là chứng khoán không phải là cách duy nhất để làm giàu. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một lựa chọn đầu tư dễ dàng và đầy hứa hẹn, hãy thử các quỹ chỉ số. Các quỹ chỉ số rẻ hơn, an toàn hơn và không biến động nhiều như cổ phiếu công ty. Ngoài ra, đầu tư vào thị trường chứng khoán đòi hỏi bạn phải biết chọn và nghiên cứu từng loại cổ phiếu riêng lẻ, còn đầu tư vào quỹ chỉ số thì đã có sẵn danh mục cổ phiếu được đa dạng hóa mặc định.

Câu hỏi thường gặp: Bạn nên đầu tư tiền vào đâu?

Đầu tư vào nền kinh tế ngày nay dễ dàng hơn bạn nghĩ. Bạn không chỉ có nhiều lựa chọn mà còn có khá nhiều phương thức để tiếp cận, ví dụ như các ứng dụng đầu tư trực tuyến. Nếu bạn thực sự muốn kiếm tiền, hãy dấn thân vào những trò chơi lớn và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Nếu muốn có lợi nhuận tốt hơn, bạn cũng có thể cân nhắc việc chuyển sang làm nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp hoặc các quỹ cổ phần tư nhân.

2. Jeff Bezos

shutterstock 1399561367
Tỷ phú Jeff Bezos (Nguồn: lev radin/Shutterstock)

Jeff Bezos – ông chủ của Amazon – là một trong những người giàu nhất trên thế giới với tài sản ròng trị giá 110 tỷ USD. Phần lớn tài sản của ông đến từ các hoạt động kinh doanh mạo hiểm.

Nếu bạn đang muốn phát triển công việc kinh doanh của mình thì 3 lời khuyên này từ Jeff có thể giúp ích cho bạn: 

Quan tâm đến suy nghĩ của đám đông

Dù kinh doanh trong ngành nghề nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải quan tâm đến yếu tố con người. Tất nhiên, công việc của bạn cần phản ánh rõ sở thích, đam mê, quan điểm cá nhân của bạn. Nhưng chỉ như thế thì sẽ không đủ để đưa doanh nghiệp đi đến thành công. Bạn cần phải hiểu rõ đối tượng bạn sẽ phục vụ là ai nữa.

Amazon có thể gặt hái thành công lớn như vậy là vì nó đáp ứng được những nhu cầu sâu sắc của khách hàng. Ví dụ: Rất nhiều người lo lắng về vấn đề an ninh tài chính khi thanh toán hoặc mua sắm trực tuyến, vậy nên Amazon luôn đảm bảo việc trả lại và hoàn tiền liền mạch, giúp mọi người cảm thấy an tâm khi sử dụng ứng dụng. Những người không quen mua sắm trực tuyến thường nghĩ hàng hóa trên mạng rất đắt đỏ. Amazon đã phá vỡ định kiến này bằng cách bán các sản phẩm với giá cả hợp lý.

Tạm hoãn những khoản mua sắm lớn

Nếu bạn đang chuẩn bị thực hiện một giao dịch mua lớn đến mức chiếm gần hết khoản tiền tiết kiệm của mình thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại về mặt thời điểm. Ngoài những chi phí không thể tránh khỏi về y tế hoặc giáo dục, không có gì đáng để bạn phải mắc nợ cả. Khoản mua sắm quá lớn sẽ khiến bạn phải thay đổi thói quen sống. Bạn không thể thoải mái mua sắm như trước. Bạn sẽ phải vật lộn với các hóa đơn. Nếu mọi chuyện chuyển biến tệ đến mức khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần thì rõ ràng việc mua hàng đó là không có giá trị.

Theo Bezos, trước khi thực hiện một khoản đầu tư lớn, việc đánh giá tác động của nó đến sự ổn định tài chính lâu dài của bạn là rất quan trọng.

Tạo một quỹ khẩn cấp

Với Jeff Bezos, không mắc nợ là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn độc lập về tài chính và thậm chí trở nên giàu có. Warren Buffett đồng tình với nguyên tắc này. Bạn không bao giờ có đủ khả năng phát triển tài sản của mình nếu cứ suốt ngày vật lộn với các khoản nợ và thua lỗ. Đó là lý do tại sao Jeff Bezos khuyến nghị rằng một trong những trụ cột quan trọng nhất của tài chính cá nhân là phải có quỹ khẩn cấp dùng cho những cuộc khủng hoảng không lường trước được. Thay vì đi vay và trả thêm tiền lãi, bạn chỉ cần dựa vào tiền của chính mình.

3. Oprah Winfrey

Oprah Winfrey
Tỷ phú Oprah Winfrey. (Ảnh: Shutterstock)

Oprah Winfrey không phải là người giàu nhất thế giới nhưng bà là một nữ tỷ phú tự thân đáng nể. Hiện tại, giá trị tài sản ròng của bà được ước tính trên 3 tỷ USD. 

Dưới đây là 3 lời khuyên tài chính cá nhân của Oprah Winfrey:

Lý thuyết khăn tắm

Lý thuyết khăn tắm của Oprah có thể được giải thích như sau: Nếu cứ mỗi khi thu nhập của bạn tăng, bạn lại phung phí vào những thứ xa xỉ không cần thiết thì cuối cùng bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Lý thuyết này xuất phát từ sai lầm tài chính cá nhân của chính Oprah trong quá khứ. Thời còn nghèo khó, với mức lương 12.000 USD, bà chỉ mua khăn tắm ở Target. Nhưng khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, bà bắt đầu chuyển sang dùng những chiếc khăn đắt tiền của Saks Fifth Avenue. Nếu chi phí sống cứ tiếp tục tăng lên như vậy thì khoản lương tăng thêm của bà cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Cuối cùng, Oprah vẫn bị mắc kẹt ở vị trí trước đây.

Nếu bạn thực sự muốn phát triển, đừng lãng phí tiền bạc vào những thứ vốn dĩ đã tốt rồi. Thay vào đó, bạn hãy đầu tư vào nó để kiếm được nhiều tiền hơn.

Đa dạng hóa thu nhập và kiếm tiền ngay cả khi đang ngủ

Chương trình truyền hình dài tập “The Oprah Winfrey Show” đủ thành công để mang đến cho Oprah một cuộc sống thoải mái nhưng bà vẫn muốn mở rộng công việc của mình. Sau khi rời khỏi chương trình, bà đã viết và xuất bản một số cuốn sách, ra mắt kênh phát thanh riêng, thành lập một tạp chí và công ty truyền thông. Đa dạng hóa các nguồn thu nhập là cách giúp Oprah luôn đứng vững (ngay cả khi một trong các công việc kinh doanh của bà gặp trắc trở). Ngoài ra, sách là một nguồn thu nhập thụ động có thể mang đến nhiều tiền cho Oprah ngay cả khi bà đang ngủ. 

Nếu bạn là một nhà đầu tư mới và bạn lại gặp may với một loại hình đầu tư nhất định ngay từ đầu thì rất có thể bạn sẽ muốn gắn bó với nó mãi mãi. Đây là sai lầm mà hầu hết chúng ta đều mắc phải. Nếu muốn giảm thiểu tổn thất, bạn nhất định phải đa dạng hóa nguồn vốn của mình. Ví dụ như đầu tư vào cổ phiếu của các ngành khác nhau, mua trái phiếu, bất động sản hoặc đầu tư vào các công ty nhỏ hơn. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, một khoản đầu tư bị lỗi sẽ không khiến bạn rơi xuống đáy vì bạn vẫn còn các khoản đầu tư ở ngành khác. 

Đầu tư vào tài sản tăng giá

Oprah Winfrey hiểu rõ tầm quan trọng của một danh mục đầu tư bất động sản tốt. Những ngôi nhà của bà ở California, Washington, Hawaii và một số nơi khác đã chứng minh điều đó. Không giống như những tài sản (như ô tô) chỉ mất giá trị, giá trị của các ngôi nhà thường tăng theo năm tháng.

Cùng với giá trị của tài sản, bạn cũng có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách cho thuê chúng. Trên thực tế, rất nhiều người sử dụng tiền thuê nhà để trả nợ mua nhà hoặc đầu tư vào một bất động sản mới. Dù bằng cách nào, đầu tư chỉ nên được thực hiện trên tài sản đang phát triển.

Minh Minh/ Theo Due