Hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới ở miền Bắc Ấn Độ – Majuli – luôn khô cằn và đầy cát trước khi một người bán sữa quyết định nỗ lực thay đổi cảnh quan và môi trường nơi đây bằng cách tự trồng cả một khu rừng.

Năm 16 tuổi, người đàn ông tên Jadav Payeng đã chứng kiến ​​rất nhiều rắn chết rải rác dọc bờ đảo Majuli, một hòn đảo trên sông Brahmaputra do nắng nóng và thiếu bóng mát.

Sau khi tận mắt chứng kiến ​​sự việc đó, Jadav đã quyết tâm hồi sinh hòn đảo cằn cỗi đầy cát này. Ông quyết tâm trồng một cây mỗi ngày và biến nơi đây thành một khu rừng tươi tốt đến khó tin.

Khởi đầu như một lời hứa và một giấc mơ vào năm 1979, vùng đất khô cằn này đã biến thành Rừng Mulay 40 năm sau đó. Với diện tích lớn hơn Công viên Trung tâm và gấp 12 lần Thành Vatican, Rừng Mulay tồn tại nhờ nỗ lực không ngừng của Jadav trong việc hồi sinh nơi này.

Khu rừng đã giúp bảo tồn hệ sinh thái địa phương và động vật hoang dã bản địa. Hiện đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã như hổ Bengal, hươu, tê giác, kền kền, voi và rắn. Bên cạnh đó, trồng rừng cũng đã giúp bảo vệ đảo Majuli khỏi sự xói mòn.

Món quà Jadav dành cho thiên nhiên sẽ vẫn là một bí mật đối với tất cả chúng ta nếu không có phóng viên ảnh người Ấn Độ – Jitu Kalita, người đã phát hiện ra khu rừng vô danh trong chuyến đi chụp ảnh các loài chim vào năm 2007. Jitu đã vinh danh công sức của Jadav trong bộ phim tài liệu “Forest Man” (Người rừng).

Nỗ lực của Jadav thậm chí còn được cựu Tổng thống Ấn Độ chú ý và ông đã được tặng danh hiệu ‘Người rừng của Ấn Độ’.

Xem bộ phim tài liệu Forest Man tại đây:

Ngọc Chi