Nhớ được những gì xảy ra ở trong bụng mẹ dường như là một điều không tưởng nhưng Rebecca Sharrock lại có thể thực hiện việc này một cách dễ dàng.

Rebecca Sharrock, 34 tuổi, mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm (HSAM) nên có thể ghi nhớ chi tiết 95% cuộc đời của mình. Cả thế giới chỉ có 62 người mắc chứng bệnh hiếm gặp này và Sharrock là một trong số đó.

Sharrock được chẩn đoán mắc bệnh HSAM khi cô 21 tuổi, vào ngày 23 tháng 1 năm 2011.

Năm 16 tuổi, cô từng chẩn đoán bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vì có dấu hiệu bị ám ảnh với những trải nghiệm trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là một chẩn đoán nhầm.

Những ký ức thời thơ ấu như bị bạn lấy mất đồ chơi hay kẹo mút ở trường tiểu học – mặc dù rất bình thường – nhưng lại khiến cô vô cùng bực bội.

“Tôi thường nghĩ những hồi tưởng của mình là biểu hiện của chứng OCD. Khi nhớ lại những việc trong quá khứ, cảm xúc của tôi cũng sẽ quay lại. Tôi thường nhớ lại những chuyện xảy ra khi tôi còn rất nhỏ”, cô nói.

Sharrock vẫn nhớ bức ảnh đầu tiên cô được chụp là vào ngày 23/12/1989 – khi cô mới được 12 ngày tuổi.

“Tôi đã kể cho mẹ những trải nghiệm của mình trong suốt nhiều năm”, cô nói.

Cô không thể xác định ngày tháng cho một số ký ức vì lúc đó cô còn quá nhỏ để hiểu về khái niệm lịch. Ký ức được cho là sớm nhất đối với cô là khi cô còn trong bụng mẹ hoặc vài phút sau khi được sinh ra.

“Tôi có ký ức về việc tôi bị co rúm lại, đầu bị kẹp giữa hai chân. Các nhà nghiên cứu nói với tôi rằng điều này có thể xảy ra khi tôi ở trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi tôi được sinh ra”, cô nói.

Chứng HSAM mang đến cho Sharrock rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Cô thường xuyên phải vật lộn với chứng mất ngủ và thậm chí còn gặp bác sĩ để điều trị chấn thương và lo lắng.

“Có rất ít nhà trị liệu có thể xử lý tình trạng của tôi. Họ phải mượn nhiều thứ từ liệu pháp PTSD. Mọi thứ hầu như đều mang tính thử nghiệm”, cô nói.

Để giảm bớt chứng mất ngủ, cô thường nghe nhạc cổ điển vào ban đêm và dùng thuốc valium có kê đơn.

“Về cơ bản thì trí nhớ siêu việt của tôi là một tình trạng bệnh lý. Vậy nên, nó gây ra rất nhiều tác hại cho cuộc sống hàng ngày của tôi. Những hồi tưởng diễn ra liên tục trong tâm trí khiến tôi không thể ngủ được. Tâm trí của tôi không bao giờ được tĩnh lặng”, cô nói.

Sharrock không muốn chỉ nhìn vào mặt tiêu cực nên cô đang cố gắng tận dụng trí nhớ của mình để học tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Cô đã phát triển từ cấp độ người mới đến gần như thành thạo chỉ trong vòng hai tháng.

“Giáo viên tiếng Pháp của tôi đến từ Marseilles và bây giờ tôi có thể trò chuyện với cô ấy bằng tiếng Pháp. Tôi có thể xem các chương trình tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp mà không cần phụ đề”, cô nói.

Sharrock có thể hiểu mọi thứ được dạy trong lớp nhưng cô vẫn cần cải thiện phần phát âm. Mục tiêu tiếp theo của cô là chinh phục tiếng Ý.