Hiện nay, ngày càng nhiều bậc cha mẹ bắt đầu quan tâm đến việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc (EQ) của trẻ. Nếu chỉ số thông minh xác định hướng đi của một người thì trí tuệ cảm xúc xác định họ có thể đi được bao xa theo hướng đó.

trí tuệ cảm xúc
(Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Hơn nữa, trí tuệ cảm xúc có thể được trau dồi, đặc biệt là ở trẻ em, việc trau dồi trí tuệ cảm xúc của một người có hiệu quả và quan trọng nhất giai đoạn thơ ấu.

Thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc” đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Trí tuệ cảm xúc cao có nghĩa là gì? Làm thế nào để cải thiện trí tuệ cảm xúc? 

Bây giờ chúng ta hãy xem xét các tình huống khác nhau tạo nên trí tuệ cảm xúc thấp cho trẻ: 

  • Cha mẹ chỉ nghĩ đến việc làm thế nào con mình có thể thông minh, đạt điểm cao, làm thế nào để vào được một ngôi trường lý tưởng mà không chú ý đến việc của bồi dưỡng trí tuệ trẻ
  • Cha mẹ chỉ chú trọng đến việc truyền thụ văn hóa cho trẻ mà bỏ qua việc dạy trẻ cách để chấp nhận bản thân, được người khác chấp nhận, nuôi dưỡng tình bạn, bồi dưỡng giá trị quan và nhân sinh quan đúng đắn. 

Những điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy không thể vui vẻ, hạnh phúc mà còn dần dần trở nên thờ ơ, ích kỷ, lo âu, ương ngạnh…

Nói chung, trước 18 tuổi là “thời kỳ vàng” để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ. Trí tuệ cảm xúc nên được trau dồi như thế nào? Cha mẹ nên dạy trẻ 4 điều sau đây trước khi 18 tuổi:

1. Kỹ năng sinh tồn và tự lập

Có 1 câu chuyện kể về một nhóm trẻ em bị lạc trong một chuyến dã ngoại trên núi và phải trải qua một đêm kinh hoàng dưới trời ẩm ướt và đói khát. Chúng khóc trong vô vọng: “Mọi người sẽ không bao giờ tìm thấy chúng ta”. Một đứa trẻ đã khóc một cách tuyệt vọng: “Chúng ta sẽ chết ở đây”.

Tuy nhiên, cô bé Eveleigh 11 tuổi đứng dậy nói: “Em không muốn chết!”, cô bé nói một cách kiên quyết: “Cha em nói rằng chỉ cần chúng ta đi dọc theo khe suối nhỏ, nó sẽ đưa chúng ta đến một con sông lớn hơn, và cuối cùng chúng ta nhất định sẽ gặp một thị trấn nhỏ. Em sẽ đi dọc theo khe suối, mọi người có thể đi cùng em.”

Kết quả là, dưới sự dẫn dắt của Eveleigh, bọn trẻ đã thành công vượt qua khu rừng. 

Có thể mọi người cho rằng những cô bé như Eveleigh sinh ra đã thông minh. Thực ra, sự sáng ý này không phải bẩm sinh đã có sẵn, mà được hưởng từ sự giáo dục của gia đình.

Hiện nay, các nước phương Tây, trong đó có Nhật Bản ở Đông Á rất coi trọng giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ em. Ngay từ khi trẻ hiểu biết sẽ dạy trẻ học cách sinh tồn, tự lập, khi vấp ngã thì trẻ học cách tự đứng dậy, học cách tự ăn, tự sắp xếp đồ đạc của mình và biết những tình huống cụ thể thì bảo vệ mình ra sao…

2. Sự đồng cảm

Người có lòng đồng cảm là người có thể cảm nhận sâu sắc niềm vui nỗi buồn của người khác, có mối quan hệ tốt giữa với mọi người, mối quan hệ tốt cũng lại sẽ khiến người đó hạnh phúc. Đây là người biết nghĩ cho người khác, như vậy người ấy phải là người có đạo đức, mà không phải là người ích kỷ nhỏ nhen, kiến ​​thức sáo rỗng. Đồng thời, người có sự đồng cảm chính là người có lòng nhân ái, đó là nền tảng để làm người.

Nhiều bậc cha mẹ luôn phàn nàn: Suốt ngày vất vả nhưng không ngờ lại phải nuôi một đứa con chẳng biết thông cảm cho cha mẹ chút nào.

Tại sao chuyện này lại xảy ra? Trên thực tế, đó là do chúng ta thường không chú ý đến việc nuôi dưỡng sự đồng cảm cho trẻ, dẫn đến trẻ không biết cách suy nghĩ vấn đề từ góc độ của cha mẹ. 

Một cách tốt để nuôi dưỡng sự đồng cảm ở trẻ là bày tỏ cảm xúc của bạn với trẻ thường xuyên hơn, sau đó hỏi: Nếu con trong tình huống đó thì con sẽ làm như thế nào? 

3. Trách nhiệm

trí tuệ cảm xúc
(Ảnh: myboys.me/ Shutterstock)

Những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao có sự hiểu biết rõ ràng về các quy tắc mà chúng nên tuân thủ và những nghĩa vụ mà chúng phải thực hiện. Khi mắc sai lầm, trẻ có thể dũng cảm đối mặt với nó và tự chịu trách nhiệm thay vì khóc lóc hay nói dối.

Những đứa trẻ có giáo dưỡng thường là những đứa trẻ có trách nhiệm, khi đã đồng ý với cha mẹ chuyện gì thì sẽ cố gắng hết sức để thực hiện lời hứa của mình, thay vì tùy ý nuốt lời và khóc lóc chỉ vì bản thân mình còn nhỏ.

Trẻ con rất tò mò, muốn chạm và thử làm mọi thứ, tuy nhiên, chúng rất ngẫu hứng và luôn làm việc “đầu voi đuôi chuột” hoặc không kiên trì đến cùng.

Vì vậy, cha mẹ nên kiểm tra, thúc giục, đánh giá kết quả những việc được giao cho con, dù là việc nhỏ, nhằm rèn luyện cho con những thói quen tốt về tính kiên trì, nghiêm túc và trách nhiệm. 

Ví dụ, khi trẻ muốn trồng một số loại hoa, cây cối và nuôi động vật, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ hứa tưới nước thường xuyên cho cây hoặc cho các con vật nhỏ ăn trước khi đáp ứng yêu cầu của trẻ.

Tất nhiên, trong quá trình chăm sóc không thể tránh khỏi việc trẻ lúc nhớ lúc quên làm nhiệm vụ. Lúc này cha mẹ nên giám sát con, cho trẻ biết hậu quả của việc bỏ bê chăm sóc cây cối và thú cưng để trẻ chủ động đứng ra chịu trách nhiệm.

4. Quản lý cảm xúc

Một đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không khoe khoang điểm 10 của mình trước mặt những bạn cùng lớp đã trượt bài kiểm tra, bởi vì điều này rất gây tổn thương và không mang lại lợi ích gì. Tương tự như vậy, một đứa trẻ có giáo dưỡng sẽ không trút những bất bình phải chịu ở trường lên cha mẹ mình, bởi vì chúng ta không thể để những người vô tội phải trả giá cho những cảm xúc tồi tệ của mình. 

Quản lý cảm xúc bao gồm 2 khía cạnh. Đầu tiên là có thể bộc lộ trọn vẹn cảm xúc của mình mà không cần kìm nén chúng. Khía cạnh thứ hai là phải giỏi kiềm chế cảm xúc và thể hiện cảm xúc của mình một cách đúng lúc và phù hợp. 

Hãy lấy biểu hiện tức giận của một đứa trẻ làm ví dụ. 

Khi một số cha mẹ chỉ trích và trừng phạt con cái, họ không cho phép con mình bào chữa, khóc lóc hoặc thậm chí bày tỏ cảm xúc bất mãn. 

Dần dà, những đứa trẻ như vậy sẽ trở nên phục tùng một cách chán nản hoặc kìm nén, hoặc ngoài mặt có thể ngoan ngoãn nhưng lại trút giận sau lưng bằng cách vi phạm kỷ luật, phá hoại đồ đạc một cách cực đoan. Những điều này đều không có lợi cho việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ.

Cách làm phù hợp là khi phê bình trẻ, hãy để trẻ tự bào chữa và nói lên cách nghĩ của chính mình, khi trẻ bị phạt cũng cần cho phép trẻ được khóc hay được phép bất mãn, tức giận. 

Hãy để trẻ thể hiện đầy đủ cảm xúc của mình mà không kìm nén. Chúng ta không phải muốn con mình không giận dữ, mà là cần dạy chúng cách thể hiện cảm xúc một cách thích hợp. 

Nếu chúng ta có thể giáo dục và hướng dẫn trẻ với lòng bao dung nhiều lơn, chúng có thể dần dần học cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Khi gặp chuyện vui, trẻ sẽ không trở nên vui tột độ; khi gặp chuyện buồn, trẻ sẽ không cảm thấy tuyệt vọng, bất lực; khi gặp chuyện tức giận, trẻ sẽ không bốc đồng; trẻ có thể giải quyết những cảm xúc tiêu cực bằng cách chờ đợi, rời đi và điều chỉnh bản thân. 

Trước 18 tuổi, tức là trước khi trẻ trưởng thành, cha mẹ cần bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cao cho trẻ. Sau 18 tuổi, sự phát triển tâm lý của trẻ về cơ bản đã hoàn thiện, việc trau dồi sẽ khó khăn hơn. 

Đối với một người sắp phải tự mình bước vào đời sống xã hội, EQ quan trọng hơn IQ. EQ cao có thể giúp trẻ có nhân cách lành mạnh, thích nghi với xã hội và tránh được các vấn đề về tâm lý, tinh thần sau này. EQ cao còn có thể giúp con bạn trở nên hòa đồng và duyên dáng. Nó cũng có thể khiến con bạn trở nên mạnh mẽ, dũng cảm và bình tĩnh trước mọi áp lực, khó khăn.