Người ta nói rằng ánh sáng xanh có thể gây hại cho da giống như tia cực tím, thậm chí một số nhà sản xuất còn tung ra thị trường các sản phẩm chăm sóc da trước ảnh hưởng của chúng. Ánh sáng xanh có thực sự gây hại cho da? Hãy xem các chuyên gia nói gì.

ánh sáng xanh
(Ảnh: eungchopan/ Shutterstock)

Như chúng ta đã biết, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính có thể cản trở giấc ngủ nên cần tránh sử dụng trước khi đi ngủ.

Theo báo cáo của thời báo “HuffPost”, một số bác sĩ da liễu Mỹ đã đưa ra những ý kiến ​​có giá trị về tác động của ánh sáng xanh lên da, và liệu các sản phẩm chăm sóc da chống ánh sáng xanh trên thị trường có hiệu quả hay không.

Ánh sáng xanh là loại ánh sáng nhìn thấy được có bước sóng từ 450 – 495 nanomet (một phần tỷ mét). Trong khi tia cực tím là loại ánh sáng vô hình có bước sóng từ 280 – 400 nanomet, ngắn hơn ánh sáng xanh.

Cô Connie Yang, bác sĩ da liễu thẩm mỹ y tế cho biết, mặt trời là nguồn phát ra ánh sáng xanh chính nhưng TV, máy tính xách tay, điện thoại di động và đèn LED cũng tạo ra ánh sáng xanh. Đối với làn da, ánh sáng xanh không gây hại như tia cực tím.

Bác sĩ da liễu David Kim cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng nhìn thấy được có thể gây tăng sắc tố da, và ánh sáng xanh có nhiều khả năng gây tăng sắc tố hơn ánh sáng đỏ.

Ông cũng nói rằng ánh sáng xanh làm tăng hắc tố melanin, có thể góp phần làm tăng sắc tố.

ánh sáng xanh
(Ảnh: insta_photos/ Shutterstock)

Một bác sĩ da liễu khác, ông Hamdan Abdullah Hamed, cho biết ánh sáng xanh cũng có thể tạo ra các loại oxy phản ứng, có thể kích hoạt quá trình oxy hóa và gây lão hóa sớm, gây ra nếp nhăn và phân bố sắc tố không đồng đều.

Ông Connie Yang cho biết thêm, ánh sáng xanh cũng có thể khiến collagen và đàn hồi bị thoái hóa (làm lão hóa da).

Tuy nhiên, ánh sáng xanh không phải là không có giá trị, mà nó còn có những công dụng tích cực. Ví dụ, ông Hamed cho biết, ánh sáng xanh chủ yếu được sử dụng để điều trị các vấn đề về da, như mụn trứng cá và tế bào da tiền ung thư.

Ông Connie Yang cũng cho biết, ánh sáng xanh cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh chàm và bệnh vẩy nến.

Có cần ngăn chặn ánh sáng xanh gây hại cho làn da của mình không?

Các chuyên gia này lưu ý rằng không phải ai cũng cần bảo vệ khỏi ánh sáng xanh, nhưng nó cần thiết với những người muốn cải thiện các vấn đề về sắc tố hoặc nám.

Điều đáng chú ý là những người có tông màu da từ trung bình đến tối có nhiều khả năng bị tăng sắc tố hoặc nám hơn.

Ông Hamed khuyên rằng nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh hoặc ánh sáng nhân tạo, bạn cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chống ánh sáng xanh. Hiệu quả của sản phẩm này phụ thuộc vào độ tuổi của người dùng, độ đàn hồi của da và các yếu tố khác.

Về việc liệu các sản phẩm chăm sóc da chống tia cực tím được dán nhãn yếu tố chống nắng (SPF) có hiệu quả trong việc chống lại ánh sáng xanh hay không, các chuyên gia cho rằng chúng có thể không hiệu quả. Vì những sản phẩm này chủ yếu được sử dụng để chống lại tia UV, chứ không phải ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Ông Hamed khẳng định chỉ sử dụng kem chống nắng là chưa đủ để chống lại ánh sáng xanh.

ánh sáng xanh
(Ảnh: DIProduction/ Shutterstock)

Thành phần giúp chống lại ánh sáng xanh

Các chuyên gia này cho rằng nếu bạn quyết định sử dụng các sản phẩm chăm sóc da để chống lại ánh sáng xanh, bạn nên tìm những sản phẩm có chứa các thành phần sau:

  • Chất chống oxy hóa: Dùng các sản phẩm có chứa vitamin C và E, chiết xuất trà xanh và quả việt quất, tất cả đều chứa hàm lượng polyphenol cao. Polyphenol là chất chống oxy hóa.

  • Nicotinamide: Là vitamin B3, giúp chống lại stress oxy hóa và tổn thương do ánh sáng xanh gây ra, đặc biệt là khi dùng chung với polyphenol.

  • Licochalcone A: Đây là chiết xuất cam thảo có tác dụng chống lại ánh sáng xanh.

  • Sắt oxit: Hợp chất này thường được sử dụng trong kem chống nắng khoáng chất để bảo vệ khỏi tác hại của ánh sáng nhìn thấy, đặc biệt khi sử dụng với oxit kẽm và titan dioxide, hai loại khoáng chất tự nhiên.

Ttheo Tuấn Thôn/ Epoch Times