Tưởng chừng như chỉ có thể xuất hiện trong các bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng, tuy nhiên, ý tưởng về thành phố nổi sắp trở thành hiện thực ở Busan, Hàn Quốc. Vào năm 2021, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch hợp tác với Liên Hợp Quốc để xây dựng thành phố nổi nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới. Nhưng gần đây, những hình ảnh về bản thiết kế của thành phố độc đáo này mới được hé lộ. Dự án mang tên OCEANIX nằm gần cảng Busan và có đủ không gian cho 12.000 dân. Theo ước tính, chi phí xây dựng thành phố là 200 triệu USD và sẽ hoàn thành vào năm 2025.

thành phố nổi
(Ảnh minh họa: Stock for you/Shutterstock)

Được biết, dự án cũng nhằm mục đích hỗ trợ những người dân sống ở các khu vực ven biển, những cộng đồng có nguy cơ bị “xóa sổ” khi mực nước biển dâng cao. Theo OCEANIX, cứ 5 người trên thế giới, có tới 2 người sống cách bờ biển 100 km. Thiên tai, lũ lụt hàng năm đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Thiết kế mới của thành phố nổi được công bố ngay sau khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo rằng mực nước biển toàn cầu đang tăng 0,3 cm mỗi năm.

Ông Bjarke Ingels, nhà sáng lập và Giám đốc sáng tạo của BIG-Bjarke Ingels Group, nhóm kiến ​​trúc sư chính của dự án, cho biết: “Mô hình phố biển OCEANIX sẽ trở thành nguyên mẫu cho các thành phố bền vững”.

Theo thiết kế, các đảo lục giác của thành phố được kết nối với nhau bằng hệ thống cầu cọc neo có thể tháo rời. Đây là các bệ nổi lục giác được gia cố bằng lớp đá vôi hoặc đá nhân tạo, cứng hơn bê tông gấp 2 tới 3 lần. Thành phố sẽ được chia thành các khu vực khác nhau, bao gồm khu nhà ở, khu nghiên cứu, trường học nhà hát. Các tòa nhà cao không quá 7 tầng sẽ sử dụng nhiều vật liệu nhẹ, bền vững như gỗ và tre. Thành phố được cho là có khả năng đối phó với bão lớn và nước biển dâng trong 100 năm.

Bên cạnh đó, người dân sống tại OCEANIX cũng có thể tự sản xuất lương thực, năng lượng và nước ngọt. Các tòa nhà sẽ được lắp đặt các tấm pin Mặt Trời tạo điện năng, trong khi lồng bè bên dưới được sử dụng để nuôi sò điệp, tảo bẹ, hoặc các loại hải sản khác, chất thải từ cá có thể được sử dụng để bón cây.

“Các hệ thống được kết nối với nhau này sẽ tạo ra 100% năng lượng hoạt động cần thiết tại chỗ thông qua các tấm pin quang điện nổi và trên mái nhà”, phía OCEANIX cho hay trong một tuyên bố.

Dẫu vậy, thời tiết mùa hè ở Busan thường nóng và ẩm ướt. Do đó, các khiến trúc sư của toà nhà cũng sẽ tích hợp thiết kế phần mái giúp làm mát, qua đó mang lại sự thoải mái và giảm chi phí tiêu thụ điện năng.

OCEANIX cho biết người dân sinh sống tại đây sẽ phải sống với chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật, điều này giúp giảm áp lực về không gian, năng lượng và tài nguyên nước. Theo các nhà phát triển, trong tương lai, thành phố có thể được mở rộng chứa hơn 100.000 người.

Oceanix Busan gồm 6 hệ thống tích hợp: không chất thải và hệ thống khép kín, hệ thống nước khép kín, thực phẩm, năng lượng thuần bằng không, giao thông sáng tạo và tái tạo môi trường sống ven biển. Mỗi khu phố sẽ được thiết kế để phục vụ một mục đích cụ thể của cư dân trong tương lai.

Theo Daily Mail,

Phan Anh

Điều mà chúng ta thấy và Điều mà chúng ta không thấy