Đám đông chỉ nhìn thấy được những gì họ có thể nhìn thấy ngay bằng mắt. Mà đó thông thường lại chỉ là một nửa sự thật.

Có một chuyện ngụ ngôn được kể lại rằng, một thằng bé lêu lổng đã liệng một hòn đá vào cửa sổ tiệm bánh mì. Ông chủ tiệm giận dữ lao ra ngoài, song thằng bé đã chạy biến mất.

Một đám đông xúm lại xem lỗ hổng toang hoác trên cửa và trầm tư nhìn những mảnh kính vương vãi trên các khay bánh. Sau vài phút, họ cảm thấy cần phải có suy tư triết học và bắt đầu thảo luận về sự việc.

Vài người nói với nhau, thậm chí còn quay sang ông chủ tiệm bánh, nói rằng đây chưa hẳn đã hoàn toàn là một chuyện xấu, vì nó sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người thợ kính.

Và rồi mọi người bắt đầu thảo luận hăng say hơn, mổ xẻ ý tưởng này càng lúc càng chi tiết. Tấm kính mới sẽ mất chừng bao nhiêu tiền nhỉ? Chắc là khoảng 50 đô la? Đó cũng là một khoản kha khá đấy! Song nếu cửa sổ không bao giờ vỡ thì những người thợ kính sẽ thất nghiệp hết cả hay sao? Câu chuyện cứ thế dây cà ra dây muống, dường như mãi không có hồi kết!

Người thợ kính sẽ kiếm được 50 đô la và sẽ dùng khoản tiền đó để mua những hàng hóa khác, rồi những chủ hàng kia sẽ có 50 đôla để mua những gì họ cần từ những người bán hàng khác nữa, và khoản tiền đó sẽ luôn được luân chuyển tiếp như thế.

Một thằng bé lêu lổng ném đá vỡ kính cửa sổ tiệm bánh, vốn tưởng là chuyện xấu, hóa ra lại tạo ra vốn và việc làm cho ngày càng nhiều người!

Cuối cuộc thảo luận, đám đông đưa ra kết luận cuối cùng có được từ lập luận logic của họ như sau: Đứa trẻ đã liệng hòn đá không phải là tên phá hoại mà là một người đóng góp cho xã hội.

Thật đáng kinh ngạc phải không? Nhưng chúng ta hãy thử nhìn kỹ lại sự việc này.

Đám đông có lý trong kết luận đầu tiên của mình: Hành vi ném vỡ cửa sổ nhà người khác đúng là sẽ tạo ra việc làm cho người thợ kính.

Người thợ kính, khi nghe về sự việc này sẽ chẳng cảm thấy có chút đau buồn nào; thế nhưng người chủ tiệm bánh mì sẽ bị mất đi 50 đôla mà ông ta định dùng để mua một bộ vest mới.

Bây giờ ông ấy sẽ phải dùng khoản tiền đó để lắp lại kính cửa sổ và không có được bộ vest. Thay vì có cả cửa sổ nguyên vẹn và bộ vest mới, giờ đây ông ta đành phải hài lòng với cái cửa sổ được sửa lại.

Nếu chúng ta coi ông chủ tiệm bánh là một phần của cộng đồng, thì cộng đồng đó đã mất một bộ vest đáng lẽ sẽ được tạo ra, và nghĩa là nó đã trở nên nghèo hơn.

Nói tóm lại, người thợ kính có được việc làm cũng có nghĩa là người thợ may đã mất đi việc làm. Không có một công việc mới nào thực sự được tạo ra. Những người trong đám đông thảo luận đã chỉ nghĩ đến hai bên trực tiếp liên quan đến sự việc này: ông chủ hiệu bánh mỳ và người thợ kính. Họ đã quên mất bên thứ ba cũng có liên quan đến sự việc, đó là người thợ may áo vest.

Họ không nghĩ đến người thợ may chính là vì ông ta không hiện diện trong bối cảnh này. Trong vài ngày nữa, mọi người sẽ nhìn thấy cửa sổ được thay kính mới, nhưng họ sẽ không bao giờ nhìn thấy bộ vest mới bởi nó không bao giờ được may trong buổi chiều hôm ấy, vì ông chủ tiệm bánh mì phải dùng tiền để thay kính cửa.

Đám đông chỉ nhìn thấy được những gì họ có thể nhìn thấy ngay bằng mắt. Mà đó thông thường lại chỉ là một nửa sự thật.

Câu chuyện ngụ ngôn này được nhà kinh tế học người Pháp Frédéric Bastiat lần đầu tiên đưa ra trong tiểu luận “Điều mà chúng ta thấy và Điều mà chúng ta không thấy” vào năm 1850; sau đó được nhà báo Henry Hazlitt kể lại dưới hình thức một câu chuyện có đôi chút thay đổi như trên.

Bastiat
Nhà kinh tế học Frédéric Bastiat (1801-1850)

Niềm tin rằng sự phá hủy là tốt cho nền kinh tế được gọi là ngụy biện cửa kính vỡ hoặc ngụy biện thợ lắp kính. Đây là một ví dụ minh họa ở dạng đơn giản nhất về những ngụy biện kinh tế; khi chỉ một nửa sự thật được bày ra trước mắt.

Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự bất hợp lý của nó sau vài phút suy nghĩ chín chắn. Song chính ngụy biện cửa kính vỡ này, dưới muôn vàn vỏ bọc khác nhau, là sai lầm hay cố ý sai lầm xuất hiện nhiều và thường xuyên nhất trong lịch sử kinh tế học.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ về ngụy biện này: nhiều giáo sư kinh tế học hàng đầu tin tưởng vào lợi ích của sự phá hủy, đã đưa ra dẫn chứng về việc chiến tranh có thể dẫn đến những cái gọi là “phép màu trong sản xuất”: Họ cho rằng thế giới trở nên thịnh vượng hơn nhờ lượng nhu cầu được “tích tụ” sau chiến tranh.

Đây chính là người bạn cũ – ngụy biện kinh tế cửa kính vỡ – trong một bộ trang phục mới, và người bạn này đã phát tướng đến mức chúng ta không nhận ra nổi nữa.

Lần này nó được hỗ trợ bởi một loạt những ngụy biện có liên quan khác: đánh tráo khái niệm giữa “nhu cầu sử dụng” và “cầu kinh tế”.

Đúng là chiến tranh càng phá hủy và gây nhiều đói nghèo thì nhu cầu sử dụng sau chiến tranh càng lớn. Nhưng nhu cầu sử dụng không phải là cầu kinh tế. Cầu kinh tế thật là sự kết hợp của hai yếu tố: nhu cầu sử dụng của con người và lượng sức mua tương ứng với nhu cầu sử dụng đó. Để có thể hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa nhu cầu sử dụng và nhu cầu kinh tế, ta có thể nhìn vào Ấn Độ và Mỹ: Nhu cầu sử dụng của Ấn Độ lớn hơn Mỹ rất nhiều lần, song sức mua của Ấn Độ lại nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Chính vì thế, cầu kinh tế của Ấn Độ và hoạt động kinh doanh mới mà cầu này có thể tạo ra, nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.

Và cũng giống như ngụy biện về cửa kính vỡ, luận điểm về cầu được “tích tụ” sau chiến tranh chỉ đúng một nửa.

Tương tự như chiếc cửa sổ vỡ tạo ra công ăn việc làm cho người thợ kính, sự tàn phá của chiến tranh tạo ra công việc cho những nhà sản xuất một số hàng hóa nhất định không có điều kiện sản xuất trước đó, như xe hơi hay tủ lạnh. Nhà cửa và đường phố bị phá hủy cũng tạo ra công việc cho ngành xây dựng.

Tại châu Âu [sau Thế chiến], người ta đã xây dựng rất nhiều nhà cửa, bởi họ bắt buộc phải làm thế. Nhưng khi họ tập trung vào xây nhà, họ sẽ có ít nguồn lực hơn để làm việc khác.

Cũng như khi họ dành tiền mua nhà, sức mua của họ để mua các thứ khác sẽ giảm đi. Đây là những điều không được nhìn thấy trực tiếp; người ta sẽ chỉ thấy được những ngôi nhà được xây lên.

Bất kỳ khi nào hoạt động kinh tế tăng lên trong một lĩnh vực nhất định, nó sẽ làm giảm đi một mức tương đương trong các lĩnh vực khác (trừ trường hợp có sự gia tăng năng suất lao động do động lực cá nhân đặc thù hay hoàn cảnh cấp thiết thúc đẩy).

Tây Đức đã có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh sau Thế chiến II. Điều này một phần bởi nước này có chính sách kinh tế hợp lý, phần khác bởi những nhu cầu cấp bách về nhà ở hay các điều kiện cơ bản khác đã khiến người dân của quốc gia này nỗ lực nhiều hơn. Họ cũng đã sử dụng hoàn cảnh hòa bình của mình rất tốt, vì còn không phải dùng nguồn lực để đầu tư nhiều cho quân sự và quốc phòng.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là việc phá hủy tài sản sẽ đem lại lợi ích cho những người có tài sản bị phá hủy. Không ai tự đốt nhà mình vì tin rằng nhu cầu phải xây lại ngôi nhà sẽ khiến mình nỗ lực nhiều hơn.

Không một người nào muốn tài sản của mình bị phá hủy, trong thời bình cũng như trong chiến tranh. Điều gì gây tổn hại với một cá nhân, chắc chắn cũng gây tổn hại cho cộng đồng các cá thể tạo nên quốc gia ấy.

Nhiều ngụy biện thường gặp trong kinh tế học xuất phát từ xu hướng tư duy trừu tượng hóa – xu hướng đang trở nên rất phổ biến ngày nay. Họ nghĩ về số đông, về cộng đồng, về quốc gia, mà quên mất hay cố tình lờ đi những cá nhân vốn chính là những người tạo nên cộng đồng hay quốc gia ấy. Nếu chúng ta nghĩ trước hết về những người có tài sản bị phá hủy trong chiến tranh, chúng ta sẽ không thể cho rằng, sự phá hủy của chiến tranh là một lợi ích kinh tế.

Tất nhiên cũng có ngoại lệ nhỏ, ấy là tình huống một ông chủ đang chuẩn bị xây dựng lại nhà máy và mua trang thiết bị mới, khi đó nếu nhà máy cũ bị ném bom phá hủy, ông ta có thể sẽ có được lợi ích kinh tế, thể hiện qua việc không cần phải thuê đội tháo dỡ mà vẫn đạt được kết quả công việc tương tự. Nghĩa là, việc nhà máy bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh không bao giờ đem lại lợi thế về kinh tế trừ khi giá trị thực của nhà máy đó vốn đã bằng 0 (không), hoặc âm do khấu hao và hư hỏng từ trước.

Nhưng đấy là chúng ta đã lý tưởng hóa tình huống mà chưa nói đến những phá hủy khác của chiến tranh, như về sinh mạng, nguồn vốn tích lũy… có thể khiến người chủ thực tế sẽ không thể thay mới được nhà máy hay trang thiết bị của ông, trong khi nhà máy cũ đã trở thành đống gạch vụn trong bom đạn.

Phong Vân (t/h)

Video và bài viết có tham khảo nội dung từ:

  • Economics in one Lesson, 1946 (Henry Hazlitt). Bản dịch tiếng Việt: Hiểu kinh tế qua một bài học, Nxb Trí Thức (2008), Phạm Việt Anh dịch.