Hôm thứ Tư (20/12), trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết rằng robot trí tuệ nhân tạo (AI) không được hưởng quyền sáng chế, vì nó “không phải là con người” và không có quyền nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

robot
(Ảnh: Blue Planet Studio/ Shutterstock)

Năm 1996, nhà phát triển kiêm nhà khoa học máy tính người Mỹ Stephen Thaler thành lập Công ty mạng thần kinh nhân tạo cao cấp Imagination Engines, có trụ sở đặt ở Saint Charles, bang Missouri. Năm 2008, ông được cấp bằng sáng chế đối với một hệ thống AI có tên gọi DABUS.

Thaler muốn cấp bằng sáng chế cho hai phát minh ở Anh mà ông cho rằng chúng được thiết kế bởi “cỗ máy ý tưởng” DABUS của ông.

Ông đã cố gắng đăng ký bằng sáng chế, nhưng bị Văn phòng Sở hữu trí tuệ Anh (IPO) từ chối, với lý do nhà phát minh phải là một người, hoặc một công ty chứ không phải một cỗ máy.

Tòa án Tối cao và Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết này vào tháng 7/2020 và tháng 7/2021.

Ông Thaler đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Anh. 5 thẩm phán của Tòa án Tối cao đã nhất trí bác bỏ đơn kháng cáo của ông vào thứ Tư (20/12). Vì theo luật sáng chế hiện hành của Anh, “nhà phát minh phải là thể nhân (con người tự nhiên)” mới được nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

Trong phán quyết bằng văn bản của tòa án, Thẩm phán David Kitchin cho biết, vụ kiện lần này không liên quan đến câu hỏi rộng hơn về việc liệu những tiến bộ công nghệ tự sản xuất bằng máy móc chạy bằng AI có nên được cấp bằng sáng chế hay không.

Trong một tuyên bố, Luật sư của ông Thaler cho biết, phán quyết này chứng minh rằng luật sáng chế của Anh hiện hoàn toàn không phù hợp để bảo vệ các phát minh được sản xuất tự động bằng máy móc AI.

Ông Thaler đã thua trong một vụ kiện tương tự ở Mỹ hồi đầu năm nay. Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã từ chối cấp bằng sáng chế cho một phát minh được tạo ra bởi hệ thống AI của họ. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng từ chối xét xử vụ việc.

Theo Reuters, ông Giles Parsons, đối tác tại công ty luật Browne Jacobson, người không liên quan đến vụ việc, cho biết quyết định của Tòa án Tối cao Anh không có gì đáng ngạc nhiên.

Ông nói, tại thời điểm này, quyết định trên sẽ không có tác động đáng kể đến hệ thống bằng sáng chế. Vì hiện tại AI chỉ là một công cụ chứ không phải là người đại diện.

Vụ việc của ông Thaler được đưa lên Tòa án Tối cao trong bối cảnh gần đây có sự xem xét kỹ lưỡng về những phát triển trong trí tuệ nhân tạo, như công nghệ ChatGPT của OpenAI, bao gồm cả tác động tiềm tàng của chúng đối với giáo dục, sự lan truyền thông tin sai lệch và thị trường việc làm trong tương lai.

Tòa án Tối cao cũng bác bỏ lập luận của Thaler, rằng ông có quyền cấp bằng sáng chế cho phát minh DABUS vì ông là chủ sở hữu của AI.

Thẩm phán Kitchin cho biết, DABUS là “một cỗ máy không có tư cách pháp nhân” và Tiến sĩ Thaler không có quyền độc lập để cấp bằng sáng chế cho bất kỳ tiến bộ công nghệ nào như vậy.

Tiến sĩ Thaler cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho Dabus ở các quốc gia khác, bao gồm Anh, Nam Phi, Úc và Saudi Arabia nhưng phần lớn không thành công.

Năm 2021, Ủy ban sở hữu trí tuệ và doanh nghiệpNam Phi (CIPC) đã chấp nhận cấp bằng sáng chế cho Dabus. Đây là bằng sáng chế đầu tiên được cấp cho một nhà phát minh AI.

Chuyên gia luật về bằng sáng chế Mark Marfé nhận định, phán quyết của tòa án tối cao Anh sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu trong bối cảnh thị trường chứng kiến những đổi mới quan trọng liên quan đến AI.

“Rốt cục, để một cỗ máy được coi là nhà phát minh, luật về bằng sáng chế cần phải được sửa đổi. Nếu luật về vấn đề này không đạt sự đồng thuận trên bình diện quốc tế thì sẽ tác động tiêu cực đến các công ty có chiến lược bằng sáng chế toàn cầu”, ông Marfé nói.

Bình Minh (t/h)