Theo phân tích của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), từ giữa 2022 đến hết quý 2/2023, hầu hết doanh thu các ngành đều giảm, nghiêm trọng nhất là nhóm bất động sản, xây dựng.

trai phieu bat dong san dao han trai phieu thi truong trai phieu 2022 2023
Năm 2023, có khoảng 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải trả của nhóm doanh nghiệp BĐS. (Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn)

Phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp (thuộc 10 ngành) niêm yết trên sàn chứng khoán, Ban IV) cho biết từ giữa 2022 đến hết quý 2/2023, doanh thu các ngành đều giảm, nghiêm trọng nhất là nhóm bất động sản, xây dựng, báo Vnexpress đưa tin.

Theo đó, 8 trên 10 ngành có doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Duy nhất ngành công nghệ thông tin tăng quy mô; ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên.

Các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục gặp vấn đề về dòng tiền. Bởi dù là doanh nghiệp niêm yết, với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, dựa nhiều vào vốn vay, nên khi huy động vốn gặp thách thức như hiện tại (đơn hàng suy giảm, khó huy động trái phiếu, cổ phiếu, tiếp cận vốn ngân hàng khó), doanh nghiệp khó khăn ngay lập tức.

Bất động sản, xây dựng cũng được nhắc đến như nhóm gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày tồn kho và số ngày phải thu (thời gian bình quân để thu hồi công nợ sau khi bán hàng) tăng cao nhiều lần.

Kết quả của Ban IV cho thấy số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng trong quý 1/2023 là 1.165 ngày, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; số ngày tồn kho trung bình lên đến 4.527 ngày, gấp 6,8 lần. Điều này cho thấy doanh nghiệp bị chôn vốn, khó khăn trong thu tiền.

Với doanh nghiệp bất động sản, số ngày tồn kho trung bình trong quý I/2023 lên đến 5.662 ngày, cá biệt có doanh nghiệp lên đến 54.334 ngày. Tức, doanh nghiệp phải mất đến 149 năm mới bán hết được giỏ hàng.

Trước tình hình này, Ban IV kiến nghị các chính sách cần tập trung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận vốn, giãn, giảm chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023, hoặc đến nửa đầu năm sau.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo tháng 10 gửi UBND TP.HCM, nhóm công ty BĐS hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu, theo Tuổi Trẻ.

Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công khó khả thi, kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.

HUBA đánh giá thời gian qua, thị trường bất động sản bị thu hẹp đáng kể với nguyên nhân chủ yếu là sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các chủ đầu tư.

Tuấn Minh