Khi người Mỹ đã cạn kiệt phần lớn số tiền tiết kiệm sau đại dịch, các nhà kinh tế lo lắng về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

lam phat
(Ảnh minh họa: Denys Kurbatov/Shutterstock)

Người Mỹ đã tiết kiệm rất nhiều tiền trong thời kỳ đại dịch, với tổng giá trị chính xác là 2.100 tỷ USD. Khoản tiền này có nghĩa là người tiêu dùng đã tiếp tục chi tiêu trong vài năm qua và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp lãi suất tăng và lạm phát giảm ít hơn dự kiến.

Trang CNN hôm 7/5 đưa tin, các nhà kinh tế Hamza Abdelrahman và Luiz Edgard Oliveira của Fed tại San Francisco cho biết, đánh giá mới nhất về khoản tiết kiệm dư thừa trong nền kinh tế Mỹ do dịch bệnh gây ra, đã chuyển sang tiêu cực.

Điều đó có nghĩa là nhiều người Mỹ mắc nợ nhiều hơn tiền tiết kiệm và cho thấy “các hộ gia đình ở Mỹ đã cạn tiền tiết kiệm sau đại dịch vào tháng 3/2024”, họ viết trong một báo cáo gần đây.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại?

Chi tiêu tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và đã thể hiện sức mạnh ấn tượng trong hai năm qua. Nhưng giờ đây, khoản tiết kiệm dư thừa đó đã giảm xuống mức 0, điều này có thể ảnh hưởng đến chi tiêu và gây rắc rối cho nền kinh tế Mỹ.

Điều đáng lo ngại là nợ nần cũng ngày càng chồng chất. Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee vào tháng trước cho biết rằng mặc dù mức nợ tiêu dùng vẫn chưa “đặc biệt” cao, Fed không lo ngại về tỷ lệ nợ quá hạn của người tiêu dùng hoặc các khoản phí đối với các khoản vay mua ô tô, hóa đơn thẻ tín dụng và các chi phí khác.

Trong một hội thảo do Hiệp hội xúc tiến biên tập và sáng tác thương mại tổ chức, ông Goolsby cho biết rằng: “Nếu tỷ lệ quá hạn đối với các khoản cho vay tiêu dùng bắt đầu tăng, thì đó thường là dấu hiệu hàng đầu cho thấy ‘mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn’”.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, vốn được thúc đẩy bởi ngành dịch vụ đang bùng nổ trong quá khứ, đã chậm lại. GDP thực tế (thước đo rộng rãi của nền kinh tế Mỹ) tăng trưởng với tốc độ hàng năm chỉ 1,6% trong quý đầu tiên, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế. Một số nhà phân tích đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của họ trong năm nay.

Chỉ số rõ ràng nhất là báo cáo việc làm được công bố vào thứ Sáu tuần trước (3/5), cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 175.000 việc làm mới trong tháng Tư, thấp hơn nhiều so với mức tăng 315.000 việc làm vào tháng Ba. Đặc biệt lưu ý là ngành giải trí và khách sạn chỉ tạo thêm 5.000 việc làm, so với 53.000 việc làm vào tháng Ba.

Fitch Ratings viết trong một báo cáo gần đây rằng: “Tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chậm lại và thấp hơn nhiều so với xu hướng vào cuối năm nay”.

Các nhà bán lẻ đang lo lắng

Người tiêu dùng không còn mua sắm như trước đây và trong những tuần gần đây, nhiều nhà bán lẻ đã công bố giảm giá nhằm thu hút mọi người đến cửa hàng và thúc đẩy họ tiêu tiền vào các mặt hàng như quần áo mới, đồ trang trí nhà cửa, đồ thủ công mỹ nghệ.

Bà Sarah Wyeth, giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ và tiêu dùng tại S&P Global Ratings, cho biết người mua sắm đã giảm so với một năm trước do chi phí tăng cao hơn 3 năm trước và thu nhập không theo kịp.

Các cuộc gọi báo cáo tài chính của công ty cũng bộc lộ mối lo ngại: Cổ phiếu của Tyson Foods, một trong những công ty thịt lớn nhất thế giới, đã giảm gần 6% vào thứ Hai (6/5). Trước đó, các nhà chế biến thịt báo cáo rằng người tiêu dùng phải đối mặt với áp lực lạm phát, chi phí cao và không muốn chi tiêu giống như trước đây.

Trong tuần qua, cả Starbucks và McDonald’s đều cho rằng người tiêu dùng ngày càng thận trọng. Ngay cả công ty Kraft Heinz cũng cho biết lượng mua hàng từ các địa điểm ngoài trời như nhà hàng đang giảm dần.

Giám đốc điều hành McDonald’s, ông Chris Kempczinski, đã lưu ý trong cuộc họp báo cáo tài chính của công ty hồi đầu tháng này rằng người tiêu dùng đang thắt chặt ví tiền của họ. Ông nói: “Người tiêu dùng đang phải đối mặt với việc tăng giá đối với chi tiêu hàng ngày của họ, do đó, họ kén chọn hơn với từng đô la họ chi tiêu, điều này đang gây áp lực lên ngành (nhà hàng phục vụ nhanh)”.

Starbucks báo cáo rằng doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Bắc Mỹ đã giảm 3% trong quý đầu tiên. Cùng với hoạt động yếu kém tại thị trường Trung Quốc, giá cổ phiếu Starbucks đã giảm mạnh.

Vào thứ Sáu, một cuộc khảo sát hàng tháng của Viện Quản lý Cung ứng (Institute for Supply Management, ISM) cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ rơi vào vùng suy thoái vào tháng Tư lần đầu tiên sau 15 tháng. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo rằng, “Các chỉ số phân hạng của báo cáo rất yếu, với sự sụt giảm về việc làm, số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động kinh doanh”.

Nền kinh tế Mỹ sẽ đi về đâu trong tương lai?

Mặt khác, ông Abdelrahman và ông Oliveira cho rằng khoản tiết kiệm dư thừa được tích lũy vào năm 2020 và 2021 chắc chắn đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế, nhưng đó “chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp người tiêu dùng duy trì mức chi tiêu mạnh mẽ”.

Thị trường lao động Mỹ tuy hạ nhiệt nhưng vẫn rất mạnh và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp lịch sử. Họ viết: “Thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ có thể giúp người tiêu dùng duy trì mô hình chi tiêu tương tự như những mô hình được quan sát gần đây, mặc dù không thể so sánh với mức tiết kiệm thời đại dịch”.

Tuy nhiên, Business Insider đưa tin rằng Giám đốc điều hành QI Research, bà Danielle DiMartino Booth, nói với Bloomberg TV hôm thứ Hai rằng các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã thông báo sa thải 22.000 người cho đến nay trong tháng Năm, cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái.

Bà Booth đã sử dụng một chỉ báo do Goldman Sachs phát triển để hỗ trợ cho lập luận này. Báo cáo cho biết, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng, điều đó về mặt lịch sử đã báo trước một cuộc suy thoái.

Theo dữ liệu lao động sửa đổi được công bố gần đây nhất trong quý III năm 2023, chiểu theo chỉ báo này, khi quy tắc này được đưa ra vào tháng Mười năm ngoái, cho thấy 192.000 việc làm bị mất.

Báo cáo việc làm tháng Tư mang đến những dấu hiệu yếu kém mới cho thị trường, với số việc làm mới trong ngành phi nông nghiệp mới thấp hơn nhiều so với dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ so với tháng trước lên 3,9%.

Các nhà phân tích khác cũng dự đoán rủi ro suy thoái sẽ gia tăng và thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, nhà kinh tế học David Rosenberg cho biết có thể có một cuộc hạ cánh cứng vào cuối năm, với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 5%.

Tuy nhiên từ quan điểm của Fed, một dấu hiệu rất đáng mừng là tốc độ tăng lương tiếp tục chậm lại. Thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng Tư chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 4,1% trong tháng 3 và 4,3% trong tháng Hai, và áp lực vật giá tăng cao có thể tiếp tục suy yếu.

Disney, Airbnb, Uber, công ty sản xuất bia Anheuser-Busch, công ty thời trang cao cấp đa quốc gia Tapestry và Dillard’s nằm trong số những công ty dự kiến công bố báo cáo trong tuần này. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về việc chi tiêu của người tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào khi báo cáo được công bố sau đó.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times