Cựu Tổng thống Mỹ Trump đã phát động cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ trong thời gian cầm quyền của mình, và thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa được giảm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ hai, chính quyền Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho việc Trump trở lại Nhà Trắng. 

Trump Tap Can Binh
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty Images)

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình sẽ lo lắng

Theo Wall Street Journal, cuốn hồi ký “Never Give a Inch” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã được lưu hành trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có một đoạn đã đặc biệt khiến ông Tập Cận Bình tức giận. Trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Donald Trump đã viết trong cuốn sách rằng Mỹ nên “công nhận chính thức về mặt ngoại giao đối với Đài Loan”.

Sự tức giận của ông Tập Cận Bình trước những nhận xét này báo trước mối lo ngại lớn hơn ở Bắc Kinh: Điều gì đang chờ đợi Trung Quốc nếu ông Trump và giới thân cận của ông ấy quay trở lại nắm quyền?

Theo những người quen thuộc với tư duy của tầng lãnh đạo của Trung Quốc, giờ đây, các quan chức Trung Quốc đang âm thầm chuẩn bị cho việc ông Trump trở lại Nhà Trắng và một bước thụt lùi khác trong quan hệ Trung – Mỹ.

Đương kim Tổng thống Biden cũng đã gây khó dễ cho Bắc Kinh. Ông không chỉ giữ lại hoặc thậm chí mở rộng các chính sách kinh tế cứng rắn đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump mà còn hợp tác với các đồng minh của Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Nhưng những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, ông Biden cũng tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh, ông Tập đánh giá cao về điều này.

Những người thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng về tổng thể, họ tin rằng những tác hại từ việc ông Trump tái đắc cử có thể lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Phần lớn phụ thuộc vào việc ai sẽ bước vào vòng tròn của ông Trump.

28 cựu quan chức chính quyền Trump, đứng đầu là ông Pompeo, đã bị Bắc Kinh đưa vào danh sách trừng phạt và cấm vào lãnh thổ Trung Quốc. Ông Pompeo cho biết ông sẵn sàng tham gia lại chính quyền Trump. Ông Trump và cấp phó phụ trách chiến tranh thương mại Robert Lighthizer đã công khai chủ trương cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của Trung Quốc, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ và vốn của Mỹ.

Sun Yun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho biết Bắc Kinh tin rằng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, cơ hội đi lên trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ bị chặn lại và không gian đi xuống sẽ là vực không đáy.

Tờ Wall Street Journal đã có được một số hiểu biết sâu sắc về sự chuẩn bị của Bắc Kinh thông qua các cuộc phỏng vấn với các cố vấn chính sách của Chính phủ Mỹ và Trung Quốc, cũng như những người đã thảo luận với các quan chức Trung Quốc. Một số bộ của Trung Quốc, bao gồm Bộ Ngoại giao, Thương mại, Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, đã chỉ định các quan chức làm quan sát viên cuộc bầu cử Mỹ, tập trung vào phe ông Trump. Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực thu hút các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, hỏi họ xem ai sẽ trở thành thành viên nội các của ông Trump và cố gắng thuyết phục họ đầu tư vào Trung Quốc. 

Theo những người thân cận với giới lãnh đạo ĐCSTQ, một trong những mối quan ngại của ông Tập Cận Bình là liệu ông Trump có làm tổn hại đến “tình anh em” của ông ấy (Tập Cận Bình) với ông Vladimir Putin hay không. Trong thời gian cầm quyền của ông Trump, ông đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Mỹ đến gần Nga hơn. Ông Tập Cận Bình, người đã có mối quan hệ cá nhân với ông Putin, lo ngại rằng bất kỳ động thái nào của ông Trump với ông Putin đều có thể làm suy yếu mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow. Nga là đối tác quan trọng trong cuộc đối đầu của ông Tập Cận Bình với phương Tây.

Một số chiến lược gia nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc cho rằng điều tồi tệ hơn đó là ông Trump có thể thực hiện chiến lược “Nixon đảo ngược”. Giống như cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lôi kéo Trung Quốc chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, ông Trump cũng có thể cố gắng khiến Nga chống lại Trung Quốc.

Chiến thắng của Trump có thể khởi động lại cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 dự kiến ​​được tổ chức vào ngày 5/11/2024. Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 60 tại Mỹ. Đồng thời, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 33 ghế tại Thượng viện cũng sẽ tiến hành bầu chọn lại để thành lập Quốc hội Mỹ lần thứ 119. Cử tri ở mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri và Cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu xác nhận tổng thống mới và phó tổng thống đắc cử của Mỹ vào năm 2024.

Ông Trump trước đó từng tuyên bố nếu thắng cử năm nay, ông có thể áp thuế hơn 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, cho thấy thái độ ngày càng cứng rắn của ông đối với Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông đã được hỏi về một báo cáo trên tờ Washington Post cho biết ông đang xem xét áp dụng mức thuế thống nhất 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông nói: “Không, tôi có thể nói là có thể cao hơn thế”.

Theo báo cáo, ông Trump, ứng cử viên hàng đầu được đề cử tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng các biện pháp này sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại, ông nói rằng ông “rất hòa hợp với Trung Quốc về mọi thứ trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của mình”.

Nhưng ông Trump khẳng định ông phải làm điều này: “Tôi không muốn làm tổn thương Trung Quốc, nhưng họ lại lợi dụng đất nước chúng ta”.

Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã đảo ngược chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình và cấp dưới ban đầu tin rằng lời lẽ cứng rắn của ông Trump đã che đậy nỗi lo sợ về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Khi ông Trump bắt đầu áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vào đầu năm 2018 trong nỗ lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi kinh tế do nhà nước lãnh đạo, Bắc Kinh lần nào cũng đáp trả tương tự, tin rằng vị tổng thống từ doanh nhân này cuối cùng sẽ nhượng bộ, nhưng sau đó là tình hình đối đầu ngày càng gay gắt hơn.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cuối cùng đã tăng gấp 4 lần, từ mức trung bình 3% lên 12%. Các mức thuế do ông Trump áp đặt sau đó được ông Biden giữ lại và những thiệt hại kinh tế do các mức thuế này gây ra cho Trung Quốc là có thật. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán và các trường đại học hàng đầu khác của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan đang xuất khẩu ít hơn sang Mỹ và chi tiêu ít hơn cho việc tuyển dụng cũng như nghiên cứu và phát triển để tạo ra các hoạt động kinh doanh mới. Một số nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng về tổng thể, thiệt hại do cuộc chiến thương mại gây ra đối với GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc cao gấp 3 lần so với của Mỹ.

Mặc dù chính quyền Biden vẫn giữ nguyên mức thuế áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, nhưng ông Trump sẽ muốn làm nhiều hơn thế nếu ông đắc cử, ông sẽ cố gắng cắt đứt mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump cho biết ông sẽ ban hành các hạn chế mới mạnh mẽ đối với nhiều loại tài sản của Trung Quốc tại Mỹ, ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và dần dần áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với việc nhập khẩu các danh mục hàng hóa chính do Trung Quốc sản xuất như sản phẩm điện tử, thép dược phẩm, v.v.

Ông Robert Lighthizer có thể sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Ông đã đưa ra lời giải thích rộng rãi và chi tiết nhất về chương trình thương mại của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông. Về cơ bản, chương trình nghị sự thương mại của ông Trump nhằm mục đích đưa Mỹ thoát khỏi sự nhất thể hóa của kinh tế toàn cầu, để hướng nước Mỹ trở nên độc lập hơn: sản xuất một tỷ trọng hàng hóa lớn hơn cho tiêu dùng của chính mình và thông qua thỏa thuận thương mại một đối một với các nước khác để phát huy sức mạnh của nước Mỹ.

Ông Trump, người từng tự gọi mình là “người đàn ông thuế quan”, đã thực hiện các bước đi theo hướng này trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, bao gồm áp đặt thuế quan đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu, trói buộc sự phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Việc xuất khẩu sản lượng dư thừa của Bắc Kinh có thể gây ra một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken lần lượt đến thăm Trung Quốc và cả hai đều nêu ra vấn đề dư thừa sản lượng ở Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu cái gọi là “ba sản phẩm mới” (xe điện, pin lithium và sản phẩm quang điện). Bà Yellen lưu ý rằng những vấn đề này gây ra mối đe dọa cho các nhà sản xuất ở Mỹ và các quốc gia khác, đồng thời Mỹ sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới nổi của mình bị phá hủy bởi hàng hóa giá rẻ, được trợ cấp của Trung Quốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người sau đó đã đến thăm Trung Quốc, cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã công bố một cuộc điều tra về trợ cấp của chính phủ cho xe điện của Trung Quốc.

Vấn đề Bắc Kinh xuất khẩu sản lượng dư thừa gần đây đã thu hút sự chú ý lớn từ thế giới bên ngoài, Châu Âu và Mỹ đã đưa ra cảnh báo trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn phản bác một cách mạnh mẽ. Vậy nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc là gì?

Ông Patrick Mulloy, cựu trợ lý thư ký Bộ Thương mại Mỹ và là cựu thành viên Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (USCC), nói với Đài Châu Á Tự do rằng Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế của phụ thuộc 20% vào xuất khẩu. Năm 2015, Trung Quốc đưa ra văn kiện liên quan đến chiến lượng “Made in China 2025”. Kế hoạch hành động 10 năm đầu tiên này, được gọi là “Thực hiện chiến lược cường quốc sản xuất”, đề xuất rằng Trung Quốc hy vọng sẽ chiếm vị trí thống trị trong các ngành công nghiệp mới quan trọng, bao gồm cả phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Về tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc và các chính sách công nghiệp dưới sự chỉ đạo của chính phủ, ông Tạ Điền (Xie Tian), ​​​​giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho rằng: “Lý do cơ bản nhất dẫn đến tình trạng dư thừa sản lượng ở Trung Quốc là hệ thống độc tài và sự kiểm soát của chính phủ. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc là một thứ quái thai được tạo ra bởi sự kết hợp giữa kinh tế thị trường và hệ thống độc tài.”

Ông cho rằng chính quyền Bắc Kinh chắc chắn không muốn chủ động giải quyết vấn đề này: “Bởi vì chủ động đồng nghĩa với việc để các công ty này phá sản và rút lui khỏi các lĩnh vực này. Đó chính là tự tạo ra làn sóng thất nghiệp và phá sản. Nhưng trong cuối cùng, ĐCSTQ có thể buộc phải làm điều này”.