Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai trong một cuộc gọi vào thứ Năm (1/4 giờ Mỹ) với Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, đã bày tỏ những quan ngại của Hoa Kỳ đối với các hoạt động tiền tệ của Việt Nam.

Embed from Getty Images

Bà Tai, người mới nhậm chức Đại diện thương mại Hoa Kỳ cách đây không lâu, cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về những lo ngại của Hoa Kỳ liên quan đến các hoạt động sản xuất gỗ, thương mại kỹ thuật số và nông nghiệp bất hợp pháp, theo tuyên bố của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).

Hôm thứ Sáu (2/3), Bộ Công Thương Việt Nam đã đưa ra tuyên bố, cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục hợp tác tích cực để giải quyết toàn diện các mối quan tâm nhằm duy trì mối quan hệ thương mại ổn định”.

Bộ cho biết thương mại song phương giữa hai nước dự kiến ​​sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay, tăng so với mức 90,8 tỷ USD của năm ngoái. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ hồi tháng 12 vừa qua đã dán nhãn Việt Nam là nước “thao túng tiền tệ” do thặng dư thương mại ngày càng tăng với Hoa Kỳ, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn và sự can thiệp mạnh mẽ của thị trường ngoại hối để giữ giá trị đồng tiền của nước này.

Vào tháng Giêng, cơ quan thương mại Mỹ đã công bố kết quả của một cuộc điều tra về thực tiễn tiền tệ của Việt Nam. Để đưa ra các kết luận này, USTR cho biết đã tham vấn Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan đến định giá tiền tệ và chính sách ngoại hối của Việt Nam.

Báo cáo cho thấy hành động của Việt Nam nhằm hạ giá đồng tiền là “không hợp lý” và điều này làm hạn chế thương mại của Hoa Kỳ. Tuy vậy, phía Mỹ chưa có hành động nào để áp đặt thuế quan trừng phạt.

Vào tháng Hai, Reuters đưa tin rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang can thiệp vào thị trường ngoại hối, sử dụng phương pháp mà các nhà giao dịch mô tả là một “phương pháp bất thường”.

Trong khi đó, ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới “các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.”

Thanh Thủy (theo Reuters)

Xem thêm: