Chính phủ Đài Loan vừa công bố gói chi tiêu khoảng 5,3 tỷ Đài tệ (gần 150 triệu USD) để kích cầu du lịch, thu hút khách quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đang bị cộng đồng doanh nghiệp du lịch tố chính sách cấp visa chậm chạp, chi phí cao, làm mất đi nhiều cơ hội đón khách quốc tế và tuột lại so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore,…

sân bay cam ranh khách quốc tế dến nha trang cam ranh dón khách quốc tế
Chính sách visa chậm chạp và thủ tục phức tạp cho thể khiến dòng khách bỏ Việt Nam ra khỏi các điểm đến trong năm 2023. (Ảnh: CTV/ Trí Thức VN)

Theo Bloomberg, hôm 23/2, Chính phủ Đài Loan vừa công bố một gói chi tiêu ngân sách 5,3 tỷ Đài tệ (gần 150 triệu USD) để vực dậy ngành du lịch của nước này trong năm 2023, sau khi COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) khiến Đài Loan đóng cửa gần 3 năm.

Tăng trưởng của Đài Loan dự kiến chậm lại vào năm 2023 khi lĩnh vực thương mại phải vật lộn ứng phó với sự sa sút của hoạt động xuất khẩu, khiến nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua nhu cầu trong nước và du lịch càng quan trọng hơn.

Khoản ưu đãi này chưa được công bố chi tiết, bao gồm các điều kiện hoặc cách thức du khách được chọn nhận ưu đãi. Các quan chức Đài Loan cho biết số tiền này có thể được trao qua ví điện tử hoặc dưới dạng giảm giá cho phí lưu trú khách sạn.

Kế hoạch chi tiêu còn bao gồm đề xuất trợ cấp 10.000 Đài tệ cho những công ty lữ hành thu hút mỗi nhóm du khách tối thiểu 8 người đến Đài Loan. Con số này sẽ tăng gấp đôi lên 20.000 Đài tệ nếu họ thu hút mỗi nhóm du khách tối thiểu 15 người.

Lin Fu-shan, một lãnh đạo ở Cơ quan Giao thông vận tải Đài Loan, nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy và mở rộng các nỗ lực để thu hút khách quốc tế đến Đài Loan”.

Trước đại dịch COVID-19, du lịch chiếm khoảng 4% GDP của Đài Loan. Nhưng lượng du khách quốc tế giảm sâu khi Đài Loan đóng cửa biên giới và thực hiện các quy tắc kiểm dịch để ngăn chặn đại dịch lây lan.

Căng thẳng địa chính trị cũng khiến ngành du lịch Đài Loan trở nên ảm đạm do Trung Quốc cấm khách du lịch cá nhân đến Đài Loan vào năm 2019. Tháng trước, Trung Quốc không đưa Đài Loan vào danh sách thí điểm 20 điểm đến được phép đón khách du lịch theo đoàn từ Trung Quốc. Việt Nam cũng không nằm trong danh sách này.

Đài Loan đã tiến hành một số động thái để thu hút du khách trở lại, bao gồm mở lại biên giới cho khách du lịch cá nhân từ Hồng Kông và Ma Cao trong tháng này.

Từ ngày 5/2 đến 19/2, Cục Du lịch Đài Loan đã phối hợp với thành phố Đài Bắc để tổ chức Lễ hội đèn lồng Đài Loan. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức lại sau 23 năm.

Nhân dịp này, Đài Loan đã mời đại diện của 200 hãng lữ hàng quốc tế đến thăm nhiều điểm đến khắp Đài Loan để họ tìm hiểu và thiết kế các gói tour phù hợp. Sau khi tái mở cửa biên giới vào tháng 10 năm ngoái, Đài Loan đã đón gần 900.000 lượt khách quốc tế trong năm 2022.

Người đứng đầu Cơ quan Giao thông vận tải Đài Loan (MOTC) Wang Kwo-tsai cho biết Đài Loan đặt mục tiêu thu hút 6 triệu khách quốc tế trong năm nay. Để đạt mục tiêu đó, ông cho biết MOTC triển khai 3 chiến lược chính gồm tăng tốc thu hút khách đoàn, ổn định công suất phục vụ của các khách sạn và thúc đẩy các nỗ lực khác để phục hồi ngành du lịch.

Gói kích cầu du lịch 5,3 tỷ Đài tệ nói trên là một phần của gói kích thích kinh tế lớn hơn, trị giá 380 tỷ Đài tệ đã được các nhà lập pháp Đài Loan phê duyệt thông qua một Đạo luật đặc biệt trong tuần này. Các nhà lập pháp còn cần phải phê duyệt các khoản chi tiêu riêng lẻ của gói kích thích này.

Chiến dịch kích cầu du lịch của Đài Loan được đưa ra giữa lúc những nơi khác trong khu vực cũng tung ra các ưu đãi để thu hút khách quốc tế. Chẳng hạn, đầu tháng 2, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã triển khai chiến dịch “Hello Hong Kong”, chi khoảng 2 tỷ đô la Hồng Kông (255 triệu đô la Mỹ) để mua vé máy bay và phát miễn khí do du khách quốc tế cùng với voucher mua sắm trị giá 100 đô la Hồng Kông.

Thủ tục cấp visa chậm chạp: “10 năm rồi vẫn như vậy”

Theo một vị Giám đốc Kinh doanh (CEO) của đơn vị lữ hành tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) kể rằng công ty của bà vừa phải hủy toàn bộ dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng,… đặt cho đoàn khách gần 25 khách Iran. Nguyên nhân chính vì thủ tục xin visa vào Việt Nam có nhiều rắc rối, bị lùi đi lùi lại mãi khiến khách chán nản, chuyển luôn sang đặt vé máy bay đi Thái Lan, báo Việt Nam Net đưa tin.

“Đến giờ này, tôi vẫn không thể lý giải nổi tại sao việc xin visa vào Việt Nam lại khó khăn đến vậy. 10 năm trước tôi trả lời trên truyền hình về vấn đề này, bây giờ vẫn như vậy”, vị nữ CEO buồn bã nói.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng xảy ra gần đây nhất, khiến chính sách visa lại một lần nữa được nêu ra như là rào cản ngáng chân khách quốc tế đến Việt Nam.

Do đó, “Việt Nam chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 25 quốc gia, thời gian miễn thị thực 15 ngày cũng ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (30 ngày trở lên) không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch”, Chuyên gia của EuroCham chỉ rõ.

Du lịch Việt Nam chỉ cần học hỏi Thái Lan. Điển hình là chính sách thị thực thông thoáng, khi kéo dài thời gian từ 30 lên 45 ngày đối với khách quốc tế được miễn thị thực và từ 15 lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.

Nhờ đó, năm 2022, Thái Lan đón được hơn 11,8 triệu lượt khách quốc tế, mang về 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế (25%) và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Đây là cơ sở đến Thái Lan có khả năng đạt 25 triệu khách quốc tế trong năm 2023 và đặt mục tiêu 80 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2027, gấp đôi con số của năm 2019.

Tuy là một trong những nước mở cửa đầu tiên đón khách quốc tế sau đại dịch COVID-19, chỉ số phục hồi của du lịch Việt Nam lại xếp cuối bảng trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% mục tiêu đề ra. Từ chỉ thua Thái Lan 2 lần về số khách đón được (18 triệu so với 40 triệu năm 2019), nay khoảng cách đó bị nới rộng lên 3 lần.

Khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù chỉ bằng khoảng 1/5 số khách du lịch nội địa, nhưng đóng góp vào tổng doanh thu du lịch nhiều hơn (khoảng 1,4 lần).

Trong Sách trắng, các chuyên gia EuroCham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn visa 3 hoặc 6 tháng cho những người châu Âu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam. Đồng thời, nên mở rộng danh sách miễn visa cho tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu, kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và xem xét miễn visa ngắn hạn cho một số trường hợp nhất định, đặc biệt để tổ chức triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại, sự kiện thể thao.

Tuấn Minh