Theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt ngày 26/1, Bộ này đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích cao su cả nước vào khoảng 800 – 850 nghìn ha, cao nhất trong nhóm 6 cây công nghiệp chủ lực.

cay cao su
Một khu vực trồng cây cao su xen kẽ trồng dứa. (Ảnh minh họa: MR.Zanis/Shutterstock)

Trong tổng diện tích cao su toàn quốc khoảng 800 – 850 nghìn ha, Bộ NN-PTNT quy hoạch diện tích cao su tại vùng Đông Nam Bộ khoảng 480-500 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 180-200 nghìn ha, còn lại 140-150 nghìn ha được trồng tại một số tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

Diện tích cao su ở vùng không thích hợp sẽ được chuyển đổi sang cây trồng khác, trong khi thâm canh chăm sóc diện tích cao su hiện có, trồng tái canh diện tích đến thời kỳ thanh lý (chủ yếu các tỉnh vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ) bằng các giống thích hợp.

Bộ này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn. Tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền, trên 70% diện tích cao su thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm; khoảng 250-300 nghìn ha diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Sản lượng mủ cao su thô là 1,3-1,5 triệu tấn; sản lượng chế biến mủ cao su trong nước là trên 40%; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với bản đề án trên, Bộ NN-PTNT có 8 năm để giảm khoảng 79,5 nghìn ha cao su, khi trong năm 2022, diện tích cao su Việt Nam khoảng 929,5 nghìn ha, theo công bố của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028) chiều 28/3/2023, tổ chức tại TP.HCM.

Vẫn theo công bố của VRA, sản lượng cao su trong năm 2022 là gần 1,29 triệu tấn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước là 10,4 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của cả nước, tăng 9,1% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất (4,2 tỷ USD), tiếp đó là cao su thiên nhiên (hơn 3,3 tỷ USD) và gỗ cao su (2,8 tỷ USD).

Trước kỳ đại hội của VRA khoảng 2 tháng, tại Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cây công nghiệp đến năm 2030 do Bộ NN-PTNT phối hợp Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp tổ chức vào trung tuần tháng 6, các ý kiến nhận định việc phát triển cây công nghiệp ở Việt Nam còn phổ biến tình trạng manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, chất lượng và độ sạch thấp.

Do quy mô vườn cây nhỏ nên rất khó áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ thực vật và thu gom sản phẩm theo công nghệ hiện đại. Vườn cây bị khai thác bóc lột bằng cách sử dụng phân hóa học quá nhiều, lạm dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu quá liều để có năng suất, sản lượng trước mắt, nhưng về lâu dài cây chóng tàn lụi khiến hiệu quả kinh tế thấp kém.

Tình hình mua, bán, cầm cố, sang nhượng đất vườn cây một cách tự phát, đốt phá rừng trồng cà phê, cao su trở nên phổ biến, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn nước tưới, sinh thái.

Ngoài ra, sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Hầu hết sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở Việt Nam chưa có các nhà máy chế biến trình độ cao, máy móc hiện đại nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng và giá cả kém sức cạnh tranh.

Đến năm 2030, cây công nghiệp chiếm 2,3 triệu ha

Mục tiêu của Bộ NN-PTNT thể hiện tại Đề án là đến năm 2030, đưa sản lượng cà phê nhân đạt 1,8 – 2,0 triệu tấn; mủ cao su thô 1,3 – 1,5 triệu tấn; chè búp tươi 1,2 – 1,4 triệu tấn; hạt điều 0,36 – 0,4 triệu tấn; hồ tiêu 0,18 – 0,23 triệu tấn; dừa 2,1 – 2,3 triệu tấn.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp nói trên đạt khoảng 14 – 16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

Theo đó, tính đến năm 2030, ngoài diện tích cao su dự kiến là khoảng 800 – 850 nghìn ha, Bộ NN-PTNT sẽ phát triển diện tích cà phê cả nước khoảng 640 – 660 nghìn ha; diện tích chè khoảng 120 – 125 nghìn ha; diện tích điều khoảng 280 – 300 nghìn ha; diện tích hồ tiêu khoảng 80 – 100 nghìn ha; diện tích dừa khoảng 195 – 210 nghìn ha.

Tổng diện tích 6 cây công nghiệp chủ lực trên cả nước là khoảng 2,1 – 2,3 triệu ha.

Diện tích rừng Việt Nam là gần 14,8 triệu ha

Diện tích rừng toàn quốc tính đến ngày 31/12/2022 bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14,79 triệu ha (giảm hơn 44,8 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, rừng tự nhiên là 10,13 triệu ha, rừng trồng 4,65 triệu ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13,92 triệu ha (giảm hơn 2,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02%.

Các số liệu năm 2022 là theo công bố của Bộ NN-PTNT tại Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14/6/2023. Số liệu tính toán dựa theo công bố của Bộ NN-PTNT tại Quyết định 2860/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022.

Nguyễn Sơn