Thứ Sáu (8/9), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) báo cáo, giá gạo toàn cầu trong tháng 8 đã tăng 9,8% so với tháng 7, đạt mức cao nhất trong 15 năm qua.

shutterstock 1717729654
(Nguồn: Grey Color/ Shutterstock)

So với các loại thực phẩm khác, gạo là một ngoại lệ. Bởi giá lương thực toàn thế giới đi ngược xu hướng và giảm 2,1%.

Giá thực phẩm giảm nói chung là kết quả của giá ngũ cốc, dầu thực vật, thịt và các sản phẩm từ sữa thấp hơn.

Giá thực phẩm tiếp tục giảm sau đợt phục hồi nhỏ vào tháng 7, giảm 11,8% so với tháng 8/2022. Giá thực phẩm giảm 24% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022 khi Nga xâm lược Ukraine.

Chỉ số ngũ cốc của FAO đã giảm 0,7% so với tháng 7, do giá lúa mì giảm khi thu hoạch ở Bắc bán cầu tăng cao. Trong khi chỉ số giá ngô giảm tháng thứ 7 liên tiếp xuống mức thấp gần 3 năm, do áp lực bởi vụ mùa kỷ lục của Brazil và vụ thu hoạch sắp đến của Mỹ.

Chỉ số đường của FAO đã tăng 1,3% so với tháng trước trong tháng 8, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, do mối lo ngại gia tăng về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đối với sản xuất toàn cầu.

Giá dầu thực vật giảm 3,1% trong tháng 8, trong khi giá sữa giảm 4% và là tháng giảm thứ 8 liên tiếp, phản ánh nguồn cung dồi dào ở châu Đại Dương và nhập khẩu từ Trung Quốc chậm hơn.

Mặt khác, đối với gạo, giá tăng là do Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu. Ngày 21/7, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo trắng non-basmati (gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng), để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng Ấn Độ, và hạn chế tăng giá tại thị trường nội địa.

Nước này chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, trong đó gạo trắng non-basmati chiếm khoảng 1/4. So với tháng 8/2022, Chỉ số giá gạo của FAO tăng 31%.

Để giải quyết tình trạng này, hôm thứ Năm (7/9), Philippines đã ký một thỏa thuận với Việt Nam, để đảm bảo nhập khẩu gạo trong 5 năm.

Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam đẩy nhanh việc xuất khẩu để hưởng lợi thế giá tăng trên thị trường quốc tế. Đồng thời, giá gạo trong nước cũng tăng theo. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Trong khi đó, FAO lưu ý rằng “dự trữ gạo toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục vào cuối mùa tiêu thụ 2023-2024”, ước tính khoảng 198 triệu tấn.

Các kho dự trữ này chiếm khoảng 38% lượng tiêu thụ gạo dự báo trong cùng kỳ, gần 3/4 trong số này do Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ. Kết quả là dự trữ gạo ở các nước khác có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Bình Minh (t/h)