Ngày 7/3, chứng khoán của lĩnh vực tài chính ở Mỹ sụt giảm do những lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng thiệt hại kinh tế và áp lực đối với chi tiêu của người tiêu dùng khi giá dầu tăng vọt sau gần 2 tuần Nga xâm lược Ukraine.

shutterstock 82482805
Sau khi cắt liên hệ về kinh doanh với thị trường Nga, giá cổ phiếu nhiều công ty tài chính của Mỹ sụt giảm hôm thứ Hai (ngày 7/3). (Ảnh minh họa: SuriyaPhoto/Shutterstock)

Hôm qua, ngày 7/3, các ngân hàng thuộc chỉ số S&P 500 (Mỹ) đã giảm 4,8% và lĩnh vực tài chính của S&P 500 có giá đóng cửa giảm 3,7%. Chỉ số ngành ngân hàng đã giảm hơn 10% kể từ khi Nga tấn công vào Ukraine vào ngày 24/2.

Cổ phiếu của các công ty thanh toán của Mỹ đã đồng loạt giảm giá vào hôm thứ Hai (ngày 7/3) do những thông tin về việc rút khỏi hay ngừng hoạt động tại Nga. Giá đóng cửa của cổ phiếu công ty American Express Co giảm 8% sau khi họ cho biết vào hôm Chủ nhật (ngày 6/3) rằng họ đã đình chỉ tất cả các hoạt động ở Nga và Belarus.

Tương tự, giá cổ phiếu của Công ty thanh toán Visa Inc giảm 4,8%; Mastercard Inc giảm 5,4% và Paypal Holdings giảm 6,3% sau thông báo ngừng hoạt động tại Nga vào ngày 5/3.

Cổ phiếu của các công ty tài chính khác cũng bị giảm vào hôm thứ Hai do những lo ngại về chi tiêu của người tiêu dùng. Giá cổ phiếu của công ty Capital One Financial giảm gần 7% và Discover Financial giá đóng cửa giảm 8%.

Các nhà cho vay, nhà đầu tư và các công ty thanh toán có liên kết với Nga đã cắt đứt quan hệ về kinh doanh với nước này. Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế dòng tiền phương Tây và gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, Ukraine đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay xuất khẩu năng lượng của Nga.

Ngày 7/3, Công ty Kiểm toán Deloitte và EY cho biết rằng họ sẽ ngừng hoạt động tại Nga. Trước đó, vào ngày 6/3, hai Công ty Kiểm toán KPMG và PwC cũng đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga. Các công ty này kiểm toán tình hình tài chính của các công ty blue-chip (công ty vốn hóa lớn) trên thị trường chứng khoán Nga và công việc của những công ty kiểm toán này thường là chìa khóa để các doanh nghiệp có được sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế.

Các nhà quản lý tài sản châu Âu Carmignac và Fidelity International cho biết họ sẽ không mua chứng khoán Nga.

Theo các ngân hàng và chuyên gia kinh tế, việc đóng cửa hoạt động các tổ chức tài chính có thể là một quá trình khó khăn và tốn kém chi phí.

Những lo ngại của các nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế khó khăn hơn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng cao vào tuần trước. Mỹ và châu Âu cho biết họ đang cân nhắc về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giá năng lượng và đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa.

“Bạn đang bắt đầu nghe nhiều hơn về việc các nhà đầu tư thảo luận cho tình huống kinh tế có khả năng suy thoái do điều kiện lạm phát gây ra”, R.J. Grant, người đứng đầu giao dịch tại Keefe, Bruyette & Woods ở New York cho biết.

“Thị trường cần một số giải pháp ngắn hạn với cuộc xung đột Nga-Ukraine bởi vì có quá nhiều sự không chắc chắn trong bức tranh vĩ mô để mọi người cảm thấy thoải mái khi bỏ tiền vào đầu tư vào lúc này”, anh R.J. Grant nói.

Ngoài ra, cuộc chiến đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu du lịch quốc tế có phục hồi về mức bình thường hay không. Điều này có nghĩa là du lịch kém phát triển sẽ khiến doanh thu ít hơn cho các mạng thanh toán của các ngân hàng.

Hiện tại, các ngân hàng Nga bị trừng phạt đang phải vật lộn để thích nghi với điều kiện hoạt động mới. Ngày 7/3, ngân hàng kỹ thuật số tiêu dùng của VTB ở châu Âu đã tắt các đường dây điện thoại của ngân hàng do số lượng cuộc gọi đến quá lớn, theo một thông báo trên trang web của VTB.