Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam đẩy nhanh việc xuất khẩu để hưởng lợi thế giá tăng trên thị trường quốc tế. Đồng thời, giá gạo trong nước cũng tăng theo. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

thu hoach lua gao xuat khau gao
Thị trường gạo thế giới chứng kiến nhiều sự bất ổn, giá cả leo thang. (Ảnh minh họa: thainguyen.gov.vn)

Số liệu được tổng hợp từ thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy trong 7 tháng/2023, trong số khoảng 30 thị trường xuất khẩu gạo thì Philippines (1,95 triệu tấn) luôn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc (720.000 tấn), Indonesia (603.000 tấn), Malaysia (231.000 tấn).

Trong 7 tháng, Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn gạo, trong đó thị trường châu Á chiếm 3,5 triệu tấn, tương đương 71%.

Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20/7 và hôm 25/8, Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ (đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc) xuất khẩu. Dẫn đến giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, báo Công thương đưa tin.

Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ngày 31/8 hiện ở mức 633 USD/tấn; gạo 25% tấm của Thái Lan ở mức 565 USD/tấn.

Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ áp mức giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Biện pháp này được cho là nhằm ngăn chặn các lô hàng xuất khẩu gạo thường nhưng được gắn mác là gạo basmati để né lệnh cấm xuất khẩu.

Các nước trồng lúa gạo hàng đầu khác đã trấn an người tiêu dùng rằng nguồn cung gạo vẫn dồi dào. Tuy nhiên, những dấu hiệu căng thẳng tiếp tục gia tăng trên thị trường.

Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội VFA, trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1/2023 hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.

Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1/2023) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).

Mối lo ngại hiện nay là liệu Thái Lan và Việt Nam có theo chân Ấn Độ để áp dụng các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu gạo hay không. Nếu điều đó xảy ra, rất có thể, giá gạo xuất khẩu trên thế giới vượt quá 1.000 USD/tấn.

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay, một nửa trong số đó được tiêu thụ trong nước, nửa còn lại thường được xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang tỏ ra lo ngại về sự biến động của giá cả và sự không chắc chắn về nguồn cung.

Với lượng gạo xuất khẩu 6 – 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan.

Giá lúa khu vực ĐBSCL tuần qua tiếp tục có sự biến động tăng ở nhiều địa phương.

Tại Sóc Trăng, giá lúa có sự tăng giá khá, như lúa Đài thơm 8 ở mức 9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; các loại khác như RVT và OM 5451 cũng đều tăng 400 đồng/kg, lên mức 8.800 đồng/kg.

Giá lúa ở Hậu Giang cũng tăng trên nhiều loại như: IR 50404 lên 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 lên 9.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; RVT là 9.200 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg.

Cùng chung xu hướng, nhiều loại lúa tại Tiền Giang cũng có sự tăng giá như: IR 50404 ở mức 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OC10 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.700 đồng/kg. Lúa Jasmine ở mức 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Đức Minh