Theo Thông tư 234 ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ Bình ổn giá – BOG) để bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt giá bán lẻ hiện hành.

Tuy nhiên, từ năm 2011 tới nay, quỹ này liên tục bị nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ. Thực tế, trong khi nên để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, thì người tiêu dùng lại đang phải ứng trước hàng nghìn tỷ đồng, đặt tại doanh nghiệp đầu mối để trợ giá mặt hàng.

xang 2
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được trích lập từ túi tiền của người dân, với mức cố định 300 đồng/lít (kg) khi mua bất kỳ loại xăng dầu, song việc quản lý, chi sử dụng quỹ người dân không được biết. (Ảnh: Gia Bảo)

Hàng nghìn tỷ đồng bị thu trước để “bù giá”

Được thành lập từ năm 2009, Quỹ BOG tạo quỹ bằng cách trích lập một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở (giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu). Từ 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ; từ ngày 10/6/2011, tăng lên 400 đồng/lít đối với xăng, 300 đồng/lít với các loại dầu; từ ngày 1/11/2014 trở về mức 300 đồng/lít (kg) đối với các loại xăng dầu. Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường.

Thông tư 234 quy định việc trích lập, sử dụng, hạch toán, quyết toán quỹ do doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Mặc dù quỹ hoàn toàn là từ tiền của người tiêu dùng đóng góp, song Bộ Tài chính không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này.

Theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hàng quý của doanh nghiệp. Định kỳ vào ngày 30 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, doanh nghiệp đầu mối gửi báo cáo đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về tình hình trích lập, sử dụng và số dư của Quỹ BOG của quý trước. Kết thúc năm tài chính, nếu Quỹ BOG có kết dư, doanh nghiệp đầu mối được phép kết chuyển sang năm sau.

Thời gianSố dư (tỷ đồng)
hết 2009 –
hết 2010> 1.801
hết 20111.581
hết 2012~ 740
hết 2013169,219
hết 20144.019
hết 20153.970
hết 20162.389,9
hết 20175.105
hết quý 1/20184.526
hết quý 2/20183.812

(Tập hợp theo số liệu báo cáo thống kê của Bộ Tài chính)

Theo thống kê trên, vào các thời điểm cuối năm kể từ năm 2009 tới nay, chưa năm nào Quỹ BOG bị âm; số dư lớn nhất vào hết năm 2017 lên tới 5.105 tỷ đồng. Hiện tính đến hết quý 2/2018, Quỹ Bình ổn còn dư hơn 3.800 tỷ đồng.

Số tiền Quỹ BOG đã trích lập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, người tiêu dùng không được biết vì các doanh nghiệp không công bố đầy đủ. Thực tế, yêu cầu người dân góp quỹ lên tới hàng nghìn tỷ đồng và để tồn tại doanh nghiệp vừa khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi vừa tạo khoản “vốn chết” gây lãng phí lớn về nguồn đầu tư.

Về lý thuyết, việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu là để “bù giá” cho người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao. Về bản chất, “bù giá” chỉ là việc người tiêu dùng chi trả khoản tăng giá bán lẻ xăng dầu trước đó, khi giá thị trường tăng thật, thì chi quỹ BOG để mức tăng thấp. Người dân vẫn chi dùng xăng dầu với mức giá cao, nhưng dòng tiền đã đi vòng qua doanh nghiệp từ trước.

Ngay cả khi việc “bù giá” chỉ mang tính hình thức, thì người tiêu dùng đã chịu thiệt vì phải ứng trước một khoản lớn cho quỹ. Hàng nghìn tỷ đồng nói trên đáng lý sẽ được người lao động xoay vòng để tái đầu tư trong đời sống, thì lại bị tồn tại doanh nghiệp, trong khi trên thực tế, khi được quản lý một khoản tích lũy lớn lên tới 1.000 tỷ đồng thì bằng cách này cách khác, doanh nghiệp cũng sẽ đưa vào đầu tư, gửi tiết kiệm, quay vòng vốn… mà không bị ai kiểm soát. Số dư quỹ chỉ có mặt trên sổ sách kế toán hoặc tài khoản ở ngân hàng mà thôi.

Trong Chương trình – Dân hỏi Bộ trưởng trả lời (phát sóng vào ngày 23/6/2013), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Quỹ BOG được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. […] Quỹ được hình thành như một van xả để đảm bảo bình ổn xăng dầu của chúng ta trên thị trường khi giá thế giới có biến động”. Như vậy, tiền của người tiêu dùng đang được sử dụng để can thiệp hành chính vào giá cả thị trường xăng dầu, trong khi về bản chất, để điều tiết giá bán lẻ thì quỹ phải do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi lập từ doanh số hoặc từ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, thay vì tác động vào dòng vốn xã hội trích ra từ túi tiền của người dân.

Quỹ bình ổn hay bình “ảo”?

Mức chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu từ đầu năm 2018 đến nay:

TTKỳ điều hànhXăng E5 RON92 (đồng/lít)Xăng RON95 (đồng/lít)Dầu Diesel (đồng/kg)Dầu hỏa (đồng/lít)Dầu Mazut (đồng/kg)
14/1587400460150
219/1857400460150
33/21.141678710320
421/260001050
58/37049245352
623/36691773496
77/47902002000
823/4 (*)9584512002000
98/59584512002000
1023/51.425831300200200
117/61.27069815631375
1222/687019800186
137/792216100186
1423/7853950070
157/81.1945540070
1622/81.272697000
176/91.5639604003000

(Nguồn: Bộ Công Thương)

(*) Kỳ điều hành ngày 23/4 là kỳ đầu tiên trong năm 2018 thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng RON95.

Theo Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, tính đến hết quý 2/2018, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu là 3.812 tỷ đồng, giảm gần 1.300 tỷ đồng so với số dư hồi đầu năm (5.106 tỷ đồng). Ước tính, mỗi ngày, hơn 7,2 tỷ đồng của người dân đã được chi để điều tiết giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Cũng theo Cục Quản lý Giá, tổng số trích quỹ bình ổn giá trong quý 2 (từ ngày 1/4 đến 30/6) là 1.407 tỷ đồng và tổng số sử dụng quỹ bình ổn giá là 2.126 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi đang cao hơn tổng trích lập. Song ngay cả khi xả quỹ, giá bán lẻ xăng dầu vẫn tăng cao. Tính từ đầu năm tới nay, sau 17 kỳ điều hành giá (9 lần giữ nguyên giá, 6 lần tăng, 2 lần giảm), giá xăng A95 hiện cao hơn hồi đầu năm 2.190 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 2.140 đồng/lít. Riêng E5 RON92 sau 10 lần giữ nguyên giá, 5 lần tăng, 2 lần giảm, hiện có giá cao hơn so với hồi đầu năm 1.670 đồng/lít.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phong, Giảng viên ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), “Quỹ bình ổn thực chất được trích ra từ túi tiền của người dân và trong bối cảnh Nhà nước chưa muốn cho tăng giá, thì Nhà nước sẽ bù cho doanh nghiệp bằng cách cho doanh nghiệp trích bù vào phần doanh nghiệp chịu lỗ do thực hiện giá mà Nhà nước áp đặt” (1). Về cơ bản, người dân vẫn phải chịu mức giá cao (chỉ là trả trước thay vì trả trực tiếp) còn doanh nghiệp tránh được nguy cơ biến động tài chính khi giá xăng dầu thế giới biến động.

Ngoài ra, do khuyến khích tiêu thụ xăng E5, quỹ bình ổn xăng dầu chi cho xăng E5 luôn ở mức cao. Trong 17 kỳ điều hành tính từ đầu năm tới nay, mức chi quỹ bình ổn xăng dầu  cho xăng E5 luôn ở mức cao và cao nhất so với các mặt hàng xăng dầu khác (xem bảng). Với mức đóng cố định 300 đồng/lít xăng dầu, nghĩa là có nhiều người không mua xăng E5 nhưng vẫn phải chi để trợ giá cho loại xăng này. Như tại kỳ điều hành giá gần đây nhất, ngày 6/9, xăng E5 được xả quỹ đến 1.563 đồng/lít, trong khi với xăng RON95 là 960 đồng/lít, dầu diesel là 400 đồng/kg, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 0 đồng/lít.

>> Nghịch lý Quỹ bình ổn dư ngàn tỷ đồng, giá xăng vẫn cứ tăng đều

Tình trạng bất minh trong trích lập, sử dụng quỹ BOG xăng dầu không phải là chưa từng xảy ra. Đầu năm 2011, Bộ Tài chính đã phát hiện Petrolimex và Công ty Xăng dầu Quân đội chưa trích, sử dụng quỹ đúng quy định, trong đó, riêng Petrolimex, số chi sai lên tới 1.200 tỷ đồng. Báo cáo của doanh nghiệp và tính toán của Bộ Tài chính về Quỹ bình ổn chênh lệch nhiều tỷ đồng. Ví dụ, năm 2009, Bộ Tài chính tính toán quỹ phải trích lập 1.028 tỷ thì các doanh nghiệp chỉ trích 863 tỷ đồng. Cuối năm 2010, doanh nghiệp báo cáo số dư quỹ chỉ còn có 551 tỷ đồng, đã chi tới 4.905 tỷ đồng nhưng thực tế, quỹ còn dư 1.971 tỷ đồng và trong năm 2010 chỉ chi ra hơn 3.505 tỷ đồng…

Theo Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA), ông Phan Thế Ruệ, việc sử dụng Quỹ BOG mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Việc giá xăng dầu không phản ánh đúng thị trường sẽ tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, giá cả các hàng hóa khác, tạo dây chuyền cả nền kinh tế bị ảnh hưởng. Hiệp hội kiến nghị nên bỏ Quỹ BOG xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới, giá xăng dầu tăng cao thì người tiêu dùng sẽ trả ở mức cao và ngược lại, khi giá xăng dầu xuống thấp người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, việc này làm giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu. (2)

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngay cả khi giá xăng dầu nhập khẩu xuống thấp mà những chi phí khác, như thuếgiá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, trích lập quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức… không được điều chỉnh thì giá bán đến tay người dùng vẫn tăng. Theo PGS.TS Phong, giá cơ sở chỉ nên được cấu thành từ giá nhập khẩu và các chi phí về kỹ thuật vận chuyển, không nên có các khoản thu của Nhà nước và phần lãi của doanh nghiệp. Như vậy, giá cả mới minh bạch và thật sự lên xuống theo thị trường. (3)

Theo Thông tư 234/2009/TT-BTC, giá cơ sở xăng dầu là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu, được xác định bằng = {Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt} x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ Bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Trong đó, giá CIF = giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) + phí bảo hiểm + cước vận tải về đến cảng Việt Nam.

Chu kỳ điều hành giá bán lẻ là 15 ngày/lần.

Vĩnh Long

Chú thích:
    1. VTV News, 12/8/2011, Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Ai hưởng lợi?
    2. Diễn đàn Doanh nghiệp, 24/9/2016, Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
    3. Tuổi Trẻ, 22/7/2015, Sao chỉ người dân đóng quỹ bình ổn giá xăng?

Xem thêm: